Đời Sống Cộng Đoàn

on .

Chúng ta thấy trong bài trước, Thánh Đa Minh do ơn Chúa Thánh Thần linh ứng, đã thành lập một dòng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của Giáo hội thời đó, là chuyên lo việc giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. "Muốn mục đích, phải thích phương tiện", cha ông chúng ta dạy thế. Mỗi đoàn viên Đa Minh, để đạt được mục đích của dòng là giảng thuyết và

cứu rỗi các linh hồn, phải biêt chu toàn những phương tiện dòng đã chọn lựa. Trong Tổng Hội Bô-lô-nha (Bologna) năm 1220, Thánh Đa Minh và các tu sĩ tiên khởi, khi soạn thảo Hiến Pháp đầu tiên cho dòng, đã chọn bốn phương tiện chính yếu như là bốn cột trụ chống đỡ tòa nhà Đa Minh trải qua các thế kỷ. Đó là :

a. Sống đời sống cộng đoàn.
b. Tuân giữ kỷ luật tu trì.
c. Tham gia việc cầu nguyện cộng đoàn.
d. Siêng năng học tập.

Tổng Hội kế tiếp khẳng định bốn yếu tố này có thể được thích nghi theo thời gian và hoàn cảnh cho phù hợp với mục đích của dòng, nhưng không bao giờ có thể thay đổi hay là xóa bỏ chúng. Vì nếu thiếu chúng thì nhà giảng thuyết dù có thông thái, hùng biện đến đâu, cũng chỉ là tiếng chuông vang, một cái thanh la chũm chọe, hoặc như một con người son sẻ không thể cứu rỗi các linh hồn.

Vào thời Thánh Đa Minh cũng như vào thời nay, người ta không thể nào quan niệm được một dòng tu mà không có đời sống cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn hướng tới việc thực hành đức bác ái và là một phương tiện không thể thiếu đuợc để giúp người tu sĩ được thanh thoát khỏi những lo lắng về kế sinh nhai và giúp họ dốc toàn lực cho việc chiêm niệm. Thánh Đa Minh đã du nhập đời sống cộng đoàn của dòng đan tu trước đó vào dòng mình và hướng nó tới việc thực hành giảng thuyết. Việc giảng thuyết muốn trở thành hữu hiệu, cần được thực hành không phải do một cá nhân đơn độc nhưng là do một cộng đoàn.

Noi gương các anh em tu sĩ dòng, nếp sống của giáo dân Đa Minh cũng phải được thiết lập dựa trên đời sống cộng đoàn. Vào lúc đầu, để sống ơn gọi đời sống cộng đoàn, có nhiều huynh đoàn đã tổ chức sống chung (như cộng đoàn mà Thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na là phần tử) nhưng thường thường việc sống chung là một ngoại lệ đối với giáo dân. Bản luật đầu tiên cũng như các bản luật sau này không bao giờ bắt buộc nhưng thích nghi cho hợp với hoàn cảnh thực tế của người giáo dân phải chu toàn bổn phận trong gia đình.

Trước hết, người đoàn viên luôn nhớ rằng mình gia nhập huynh đoàn không phải như tham gia một hiệp hội ái hữu tương tế chỉ cần ghi danh, đăng ký là xong, nhưng là trở nên phần tử của một cộng đoàn sống tình huynh đệ gắn bó với nhau, mô phỏng phần nào đời sống cộng đoàn trong các dòng tu. Từ ngữ "huynh đoàn" nói lên ý nghĩa chúng ta là một "cộng đoàn sống tình huynh đệ". Cộng đoàn này thường được một linh mục dòng hay một người do dòng đề cử làm linh hướng về mặt đạo lý và đời sống thiêng liêng.

Tuy nhiên, cộng đoàn được điều hành do một trong các thành viên trong cộng đoàn bầu lên cách dân chủ. Ý kiến của anh chị đoàn trưởng và Ban Phục Vụ là điều cần thiết trong việc chấp nhận những thành viên mới, sau khi đã trải qua một thời gian dự tập và năm tập. Một khi đã gia nhập vào huynh đoàn, do lời hứa tuân phục Bề Trên Tổng Quyền, các đoàn viên cần phải tuân phục Bề Trên Tổng Quyền và những người đại diện, vâng theo những lời giáo huấn, sửa lỗi và chế tài của các vị đó. Mỗi huynh đoàn Đa Minh thật sự phải là một cộng đoàn với quyền pháp nhân để thành một cộng đoàn. Điều này chúng ta thấy xuất hiện ngay tư bản luật đầu tiên.

Ngoài ra, luật sống đòi hỏi các đoàn viên hàng tháng phải tham gia buổi họp chung (nguyệt hội) với sự chủ tọa của vị linh hướng và anh chị đoàn trưởng. Buổi họp này phải trở thành một cộng đoàn học hỏi, cầu nguyện, là thời gian sống tình huynh đệ hiệp thông sâu xa. Vì vậy các đoàn viên phải chuyên cần tham dự buổi họp này. Luật sống chúng ta trong các số 56 và 57 đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ này. Đoàn viên nào ngăn trở không tham dự được phải thông báo cho

Ban Phục Vụ biết và ai vắng mặt liên tiếp ba tháng không có lý do chính đáng sẽ bị cảnh cáo và kỷ luật, nếu cố chấp có thể bị khai trừ.

Huynh đoàn giáo dân cũng như các tu sĩ Đa Minh cần phải hướng tới việc giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn, vì thế, các buổi họp cộng đoàn cần phải nhắm tới việc giảng thuyết. Nói cách khác, trong các buổi họp hàng tháng, đoàn viên cần phải học hỏi những cách thức và phương tiện để có thể nói với Chúa, nói về Chúa cho tha nhân và góp ý soạn thảo những công tác tông đồ hoặc cá nhân hoặc tập thể. Trong số các công tác tông đồ, nếu muốn giữ cho sát với đoàn sủng dòng Đa Minh tuy không bỏ qua những hình thức khác chúng ta nên dành ưu tiên cho các công tác bác ái về phần linh hồn, nghĩa là những công việc như dạy dỗ, khuyên bảo, giảng giải, viết lách?Đó là cách thức thi hành ơn đoàn sủng giảng thuyết của dòng đúng nghĩa.
 
Câu hỏi

1. Xin nhắc lại đoàn sủng của dòng Đa Minh là gì ?
2. Để đạt được mục đích giảng thuyết là đoàn sủng của dòng, Thánh Đa Minh và các tu sĩ tiên khởi đã chọn lựa bốn phương tiện chính yếu nào ?
3. Đời sống cộng đoàn cần thiết cho các tu sĩ nói chung thế nào ? Và cần thiết cho các tu sĩ Đa Minh thế nào ?
4. Giáo dân Đa Minh thực hiện đời sống cộng đoàn như thế nào về mặt tổ chức ?
5. Buổi họp hàng tháng mang tầm mức quan trọng thế nào đối với giáo dân Đa Minh ?
6. Đâu là nội dung chính trong các buổi họp hàng tháng của giáo dân Đa Minh ? Công tác tông đồ nào là ưu tiên của giáo dân Đa Minh ?