Thánh Martinô

Print

on . Hits: 6725

Có lẽ hầu hết anh chị em Huynh Đoàn Đa Minh đều biết một ít điều về Thánh Mác-ti-nô. Ngài là một người con lai, con hoang, con ngoại tình, da đen, nghèo khổ, mất tình cha, thiếu tình mẹ. Một nguồn gốc lý lịch hèn kém như thế, Ngài đã sống thế nào và đã làm gì để thành nhân và thành thánh ? Bí quyết nào đã làm cho Ngài vượt thắng tất cả để thành công ? Chúng ta có thể trả lời : Mác-ti-nô đã biết chấp nhận cuộc đời; đã biết thăng tiến cuộc đời; và đã biết thánh hiến cuộc đời mình. Đó là ba điều tôi muốn chia sẻ với anh chị em.


1. Chấp nhận cuộc đời :

Mác-ti-nô là một người con hoang, một người con ngoại hôn, mang trong mình hai giòng máu, kết quả của một mối tình vụng trộm bố trắng mẹ đen, bố Tây mẹ Mỹ. Thân phụ Ngài là người Tây Ban Nha; thân mẫu ngài là người Pa-na-ma. Vì mang mầu da của mẹ, da đen, nên Ngài bị cha bỏ rơi. Hai tiếng "con hoang" thật chẳng đẹp đẽ hay ho một chút nào, chỉ một tiếng đó thôi đủ làm tự ti mặc cảm suốt đời rồi, chỉ một tiếng đó thôi đủ làm tiêu ma mọi chí khí, hy vọng, nghị lực và cố gắng. Con hoang là con không có tình yêu, mất tình cha, thiếu tình mẹ. Con hoang là con bị kết án tất cả những gì đàm tiếu của người đời. Con hoang là bia của mọi khinh bỉ, cười chê, nguyền rủa trong xã hội.

Một cuộc đời như vậy, hỏi sẽ làm nên trò trống gì ? Nguyên việc ngóc đầu lên để được sống bình thuờng trong xã hội cũng khó rồi, như cuộc đời của bao trẻ em có số phận tương tự hồi ấy : hầu hết sống buông xuôi và kéo lê một cuộc đời buồn tủi. Nhưng Mác-ti-nô đã khiêm tốn chấp nhận cuộc đời. Cuộc đời cụ thể xương máu của mình, với tất cả những cái tầm thường hèn hạ đó : nhận cha mẹ ấy, nhận giòng máu ấy, nhận những đức tính ấy, những khả năng ấy. Nhận những lời đàm tiếu, những ánh mắt liếc nhìn khinh bỉ ấy. Nhận tình cha bạc bẽo, tình mẹ buồn tủi ấy. Tóm lại, Mác-ti-nô chấp nhận cuộc đời mình. Ngài nhận tất cả, không ca thán, không tư ti mặc cảm.

 
2 . Thăng tiến cuộc đời :
 
Nhưng chấp nhận cuộc đời hẩm hiu của mình không phải là chịu vậy, buông xuôi, mà phải làm gì hơn nữa. Mác-ti-nô đã làm và đã thành công : Ngài chấp nhận và Ngài thăng tiến cuộc đời mình. Với vốn liếng đã nhận, Mác-ti-nô không ngã lòng, buồn chán, cũng không mơ mộng cao xa. Ngài hiểu rằng : Thiên Chúa đã trao một nén vốn, Người chỉ đòi lại một nén lời. Vì thế, Ngài không đem chôn vốn liếng của mình, trái lại, kiên nhẫn khai thác, vun trồng. Biết mình là con người hèn hạ, Ngài sống như một người hèn hạ, nhưng luôn nuôi trong tâm tư một ý hướng vươn lên và vươn tới những người đồng cảnh ngộ khác để cảm thông và chia sẻ với họ. Khi thấy các trẻ em cùng tuổi với mình đuợc cắp sách đến trường, Mác-ti-nô không kêu ca oán trách, chờ cho tới năm 12 tuổi, mẹ mới lo cho học nghề thuốc. trong thời gian học hỏi cũng như khi tập sự và hành nghề, Mác-ti-nô luôn quên mình để làm ơn cứu giúp người. Tóm lại, Mác-ti-nô đã thăng tiến nhân vị của mình, thăng tiến khả năng văn hóa, đồng thời vun trồng những đức tính tốt, nhất là lòng bác ái thương người, dù với một vốn liếng, có thể nói là chẳng có gì.

3. Thánh hiến cuộc đời :

Thăng tiến con người và cuộc đời vẫn chưa đủ, Mác-ti-nô còn thánh hiến cuộc đời mình nữa. Công việc này phải trải dài suốt cuộc sống, phải bàng bạc khắp nơi: trong hơi thở, lời nói, nhịp tim đập, trong đầu óc, tâm tình và hành động. Mác-ti-nô cố gắng thực hiện rất sớm. Biết xã hội thời mình là xã hội của con buôn, của những người hoạt đầu chính trị, môi trường cho những phần tử giang hồ phiêu lưu, mạo hiểm?không hợp cho công việc thánh hiến đó, nhất là do ơn soi sáng và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mác-ti-nô đã xin vào tu trong Dòng Đa Minh. Ban đầu Ngài chỉ xin sống trong nhà Dòng như một người làm công thôi, lấy công việc như phương tiện hữu hiệu để thánh hoá đời sống. Bởi thế Ngài không từ nan một công việc gì. Nhưng Bề Trên Dòng thấy Ngài có những đức tính nổi bật nên đã nhận Ngài vào tu trong bậc trợ sĩ. Từ đó, Ngài chuyên lo giúp đỡ người nghèo khổ, bệnh tật, nhất là những người nô lệ da đen. Ngài giúp họ nhận biết rằng : tất cả mọi người đều là con cái Thiên Chúa và mọi người bình đẳng trước nhan Người.

Đó là cả một chương trình sống suốt đời của Ngài. Chúng ta có thể tóm tắt như sau : Mác-ti-nô thánh hóa cuộc đời bằng hy sinh, từ bỏ mình để giúp đỡ người khác. Nói rõ hơn, Mác-ti-nô có một đời sống hy sinh hãm mình cao độ và một lòng bác ái yêu người nồng nàn bao la. Hay như Đức Giáo Hoàng Gio-an 23, trong ngày lễ phong thánh cho Mác-ti-nô, đã ca tụng Ngài là một người có nhiều tình yêu : yêu Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, yêu người nghèo khổ bệnh tật, yêu hãm mình đền tội, yêu sống thầm lặng và khiêm tốn. Tóm lại, Mác-ti-nô đã thánh hiến cuộc đời một cách trọn vẹn.

Có lẽ tất cả chúng ta đều nhìn nhận rằng : các thánh không phải là những người sinh ra đã là thánh. Đúng thế, không ai là thánh khi sinh ra đời cả. Ai cũng phải vượt qua mọi trở ngại, tinh luyện tâm hồn, để cùng nhịp với hồng ân Chúa, hôm nay hơn hôm qua, nhưng còn kém ngày mai, và không ngừng vươn lên cho đến khi đạt tới đích. Nghĩa là không đấu tranh thì chẳng có tiến bộ. Chân lý này giá trị không những cho đại đa số chúng ta, mà ngay cả những vị mà chúng ta gọi là thánh nhân nữa. Thánh Mác-ti-nô là một điển hình : Ngài đã đấu tranh với số phận hẩm hiu của mình, đó là điều làm cho Ngài khác những người khác và trở thành thánh nhân.
Vậy chúng ta muốn thành thánh, chúng ta cũng phải theo gương các thánh : chấp nhận cuộc đời với con người cụ thể của mình, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của mình. Không bao giờ chán nản, buông xuôi. Không bao giờ đầu hàng trước những khó khăn. Không bao giờ thất vọng trước những thử thách, nhưng kiên nhẫn chấp nhận và cố gắng mỗi ngày cùng với ơn Chúa trợ giúp để trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.


THÁNH MÁC-TI-NÔ HỒNG ÂN GIA ĐÌNH

Ngày nào, từng đoàn người lũ lượt tới đền thánh Martinô tại Hố nai và Ba Chuông xin khấn vượt biên. Cả những người ngoại giáo cũng chạy đến cầu cứu. Vinh quang Người đã chiếu xuyên qua những bức tường nhà thờ, tới tận những xóm nghèo lao động. Người đã chiếm được cả hào quang Thiên quốc lẫn triều thiên trần gian.

Martinô là con kiến đen, nằm trên hòn đá đen, trong bầu trời tối đen, nhưng Chúa Trời vẫn thấy. Mấy ai biết Martinô đã trải qua những giây phút đen tối, đen như màu da của Người, trên trần thế. Còn ai có thể xuống thấp hơn Martinô ? Nhưng Martinô đã lọt vào mắt xanh Thiên Chúa. Thế nên Người đã trở thành một chứng từ sống động cho hồng ân Thiên Chúa trong gia đình. Người đã đi từ cảnh bần cùng đói khổ, nên dễ cảm thông với những người bất hạnh. Đời đã cho một trái chanh, Người biến thành ly chanh đường. Ai đã cho đường để Người pha chế đúng như ý muốn ? Đó là vấn đề chúng ta cần tìm hiểu.

CHANH CHUA

Martinô là một thành quả bất đắc dĩ của một mối tình vụng trộm giữa một chàng Tây ban nha da trắng và một cô da đen vừa thoát cảnh nô lệ : Chàng Juan de Porres và nàng Anna. Cuộc tình say đắm đã vượt tất cả mọi biên giới : màu da, giai cấp, giàu nghèo. Nhưng thiếu nền tảng nên không đứng vững sau cơn giông tố.

Martinô trở thành nạn nhân của cuộc tình đầy sóng gió và nước mắt đó. Thân phụ Martinô đã bỏ rơi mẹ con ngay khi cậu mới chập chững biết đi. Thân mẫu Martinô đã trải qua một cuộc tình năm giai đoạn: thân mật, bí mật, trăng mật, vỡ mật và dập mật. Sau cơn dập mật, tất cả sự thật được phơi bày, một sự thật phũ phàng lôi hút cả Martinô vào cơn lốc đau thương không thể tưởng tượng được.

Trước hết, vắng bóng cha, con cái thiếu một nền giáo dục nghiêm mật, thiếu lý tưởng. Do đó chúng dễ sinh ra bụi đời, sì ke, ma túy, trộm cắp, giết người, đĩ điếm . . . Bình thường con cái sẽ bi quan, thù oán cuộc đời và nóng giận. Người con trai dễ qua mặt mẹ cái . . . vù, dễ trở thành láu cá, lừa dối phỉnh gạt mẹ. Mọi mệnh lệnh coi như pha. Thêm vào đó, mang trong mình hai giòng máu, đáng lý Martinô phải hư hỏng, bất ổn, ngang tàng, phá phách. Đời sống tinh thần và xã hội cũng bị ảnh hưởng nặng nề: mặc cảm, buồn bực, tránh né mọi người, cô đơn, yếm thế. Do đó học vấn đâm sa sút.

Tuy hứng chịu tất cả những cơ cực của một gia đình đơn chiếc, Martinô đã thoát được tất cả những hậu quả tai ác đó. Người ta thường nói "có bột mới gột nên hồ". Chúa cũng cho thấy "không ai hái trái vả trong bụi gai". Thế nhưng trường hợp thánh Martinô, Thiên Chúa đã chứng tỏ quyền năng "biến viên đá thành con cái Abraham." Quyền năng đó đã thực hiện qua những hi sinh âm thầm của một bà mẹ gương mẫu.

HŨ ĐƯỜNG

Bị bỏ rơi, người đàn bà thường căm thù chồng. Lời nói và lối sống của bà sẽ ảnh hưởng nặng nề tới con cái. Nhưng bà Anna khác hẳn. Bà hoàn toàn quên mình, cắn răng chịu đựng những đau khổ do chồng gây nên. Bà không oán trách. Trái lại bà còn giáo dục con không được oán trách số phận hay căm thù bất cứ ai, phải luôn coi tất cả mọi người bình đẳng vì mọi người đều là con Thiên Chúa. Da trắng hay da màu cũng như nhau. Anna không hề hé môi thổ lộ nỗi đau đớn đang xé nát tâm hồn và gậm nhấm cuộc đời. Anna không muốn làm gieo ảnh hưởng xấu vào tâm hồn ngây thơ trong trắng của những đứa con. Nàng muốn con cái vô tư sống theo ơn Chúa. Nàng phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa quan phòng đầy tình thương.

Cái nghèo là mối đe dọa thường xuyên cho cuộc sống gia đình đơn chiếc. Còn lại một mình me, làm sao sung túc bằng còn cả cha lẫn mẹ. Hơn nữa, phụ nữ thường không được trả lương cao vì bị kỳ thị hay thiếu tay nghề. Thân mẫu Martinô phải đổi sức lao động " kiếm ăn từng bữa mướt mồ hôi" cho chị em Martinô. Vất vả như thếû, không biết bà kiếm đâu ra giờ dạy con cầu nguyện. Chỉ vì quá thương con, bà không muốn nhìn thấy con rơi vào tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc và nhất là thiếu giáo dục. Chính vì thế, mặc dù với hai bàn tay bé bỏng, bà đã chu toàn được tất cả công việc của một người mẹ và một người cha.
Từ nhỏ, Martinô đã thấm nhiễm thói quen cầu nguyện liên lỉ. Thấy mẹ tần tảo vất vả kiếm ăn, Martinô không thể cầm được nước mắt. Chính gương sáng đó đã dạy cho Martinô một bài học lớn lao về sức chịu đựng, lòng kiên nhẫn và can đảm. Bà đã cho Martinô thấy chỉ có lòng tin yêu phó thác vào bàn tay Thiên Chúa quan phòng mới giúp con người vững tâm trước bao sóng gió cuộc đời và mới đi tới cùng đích cuộc sống. Trong tình yêu bà dành cho con, người ta thấy có một chút cứng rắn pha lẫn mềm mại. Bởi vậy Martinô mới đủ sức vươn lên từ cảnh đời tăm tối cùng cực.

Tuy người cha bỏ mặc ba mẹ con sống bơ vơ trong căn nhà tồi tàn, ông cũng không phải là người hoàn toàn vô trách nhiệm. Trước khi ra đi, ông đã để một gói tiền vàng đủ nuôi sống và thuê nhà cho ba mẹ con một thời gian. Sau này ông có trở lại thăm ba mẹ con và đã hỏi Martinô về giấc mộng đầu đời của bé. Lúc đó mặc dù mới hơn 10 tuổi, Martinô, đã cho thân phụ biết mình muốn trở thành bác siõ. Lập tức em được gởi lên nhà ông bác và theo nghề thuốc với một bác sĩ trên tỉnhõ. Tại nhà ông bác, em đã được chứng kiến những gương sáng và hấp thụ một nền giáo dục tốt. Nhờ đó Martinô mới thấy Thiên Chúa chuẩn bị từ từ cho Martinô thoát khỏi ngõ tối và trở thành điểm sáng thức tỉnh bao người đang chìm trong bến mê.

Trong căn nhà nhỏ bé với mẹ và chị, Martinô đã sống và lớn lên trong nguồn ân sủng lớn lao. Chính ân sủng đó đã đẩy Martinô đến với những người cùng cảnh ngộ. Bởi vậy Martinô tìm cơ hội giúp đỡ những người nghèo. Được mẹ sai đi chợ, Matin đã có một cơ hội bằng vàng thực hiện mộng ước. Quên mất cảnh đói khổ của gia đình, Martinô đã bớt xén tiền chợ, khiến gia đình bữa đói bữa no. Hành động đó cuối cùng cũng không qua khỏi mắt mẹ. Thế là một bạt tai đã cho Martinô thấy đủ 36 ngôi sao. Nhưng thay vì Martinô tỉnh ngộ, chính bà đã bà hối hận và cảm phục tinh thần Martinô. Từ đó thay vì đánh Martinô, bà đã tìm mọi cách cộng tác và khuyến khích Martinô hăng say hơn nữa trong việc bác ái cho những người nghèo khổ. Martinô đã cảm hóa được mẹ hay mẹ mừng vì thấy kết quả vượt quá điều mẹ mong ước sau bao ngày vất vả giáo dục con phải thương yêu mọi người, nhất là những người nghèo ? Martinô thật là một bông hoa tươi đẹp Thiên Chúa cống hiến cho Giáo hội và xã hội. Bông hoa đó là kết quả của bao lời cầu nguyện trong mồ hôi và nước mắt.

Chúa không muốn cho bông hoa tươi tốt đó bị sóng gió vùi dập. Người đã đem cắm vào nơi xứng đáng. Chính trong dòng Đa Minh, bông hoa ấy đã trổ sinh muôn hương sắc. Mặc dù đã thoát khỏi cảnh tăm tối, Martinô vẫn không dứt mặc cảm nô lệ da đen. Đúng hơn sẵn tính khiêm nhường, được mẹ khổ công tập luyện từ nhỏ, Martinô đã muốn hiến thân làm một người bõ trong nhà dòng. Nhưng ý Chúa muốn Martinô phải trở thành tu sĩ và một thánh nhân nêu gương cho hậu thế.

Thế là giấc mộng ban đầu tan thành mây khói. Không bao giờ Martinô trở thành bác sỹ như thân phụ vẫn tưởng. Đường danh vọng của Martinô dài hơn và đẹp hơn nhiều. Thánh Martinô đã cho mọi người thấy không gì có thể đè bẹp con người. Tất cả đều trở thành hữu ích cho những ai sống trong tin tưởng phó thác vào nguồn ân sủng Thiên Chúa. Sống trong dòng, thánh Martinô đã nêu cao gương khiêm nhường và bác ái. Dù đã lập nhiều thành tích lớn lao, thánh nhân vẫn luôn quy hướng mọi sự về lòng nhân từ Chúa. Thánh nhân đã trở thành hấp lực lớn lao cho tất cả mọi người, nhất là những anh em nghèo khổ.

Chúa quan phòng đã sai Thánh Martinô đến với gia đình như một hồng ân cứu độ. Đời đã cho Martinô một trái chanh. Nhưng Thiên Chúa đã tặng Martinô một hũ đường là chính người mẹ can đảm và gương mẫu. Hình ảnh người mẹ đó có thể kiếm thấy nơi nhiều phụ nữ Việt Nam. Xã hội đang cần nhiều Martinô để đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của thời đại. Nhưng liệu các bà mẹ Việt Nam có cung cấp nổi hay không ? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ và cầu nguyện. Hãy nhìn lên Thánh Martinô để thấy được bài học can đảm và tin tưởng. Chỉ có đức tin mới có thể vực dậy những gì đã quỵ ngã.

Nhìn lên thánh Martinô, chúng ta cũng thấy biết bao vấn đề xã hội và trách nhiệm cộng đồng. Không ai có thể thay thế nổi bà mẹ trong việc giáo dục con cái. Aûnh hưởng quyết định đó cần phải được mọi người quan tâm và giúp đỡ. Biết bao bà mẹ đơn chiếc đang phấn đấu trong tuyệt vọng vì những đứa con hư hỏng. Giáo hội phải làm gì trước những tiếng kêu gào của những bà mẹ đó ? Cộng đồng có những biện pháp nào đề phòng tội phạm từ những người con trong gia đình đơn chiếc đó ? Hỡi những bà mẹ, đừng bao giờ tuyệt vọng ! Hãy can đảm nhìn vào gương sáng của thân mẫu Martinô, biến trái chanh thành ly chanh đường cống hiến cho Giáo hội và xã hội !

Như Hạ