Linh Đạo Bàng Bạc Thánh Tôma

Print

on . Hits: 6745

Chắc đã hơn một lần anh em được nghe định nghĩa linh đạo Đaminh là linh đạo bàng bạc. Cũng như tôi, có lẽ anh em cho rằng đó chỉ là một lối nói để gỡ bí: nếu không biết gì về linh đạo Đaminh thì cứ tạm cho nó là "bàng bạc" đi, mất mát gì đâu! Dĩ nhiên, hiểu như vậy thì bàng bạc đồng nghĩa vơiø "lơ mơ".

Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng từ "bàng bạc" còn có nghĩa là "phổ quát" nữa (trái ngược với "cục bộ"). Chính theo nghĩa này mà tôi đặt đầu đề cho bài nghiên cứu thánh Tôma, dịch từ tước hiệu "Doctor communis". Trong bài trước, chúng ta đã thấy thánh Tôma là bậc thầy giải thích đặc sủng dòng Giảng thuyết. Nhưng đồng thời thánh Tôma cũng ý thức rằng dòng Giảng thuyết được thành lập để phục vụ Tin mừng, phục vụ Hội thánh chứ không phải để phục vụ chính mình. Có lẽ nhờ viễn tượng phổ quát như vậy mà đạo lý của Tôma đã được Hội thánh giới thiệu cho hết mọi tầng lớp Dân Chúa (mà không sợ bị nhiễm virus Đaminh)! Ở đây, tôi không muốn dài gìong ca ngợi thánh Tôma, nhưng muốn trình bày học thuyết của thánh Tôma về đường tiến đức. Tuy nhiên, trước khi vào đề, thiết tưởng nên ghi nhận rằng có ít là hai lối trình bày về thần học tâm linh theo thánh Tôma: một lối cổ điển qua nhiều tác phẩm thần học tu đức xưa nay, và một lối khác xem ra phản ánh trung thực hơn quan điểm phóng khóang của Người.


1/ Đường lối cổ điển. Thánh Tôma chỉ cung cấp vài khái niệm hữu ích cho thần học tu đức (chẳng hạn: tội lỗi, nhân đức, ơn Chúa Thánh thần), và cần được bổ túc với đạo lý của các thánh Gioan Thánh giá, Têrêsa Avila. Nói tắt: thánh Tôma chỉ cung cấp địa bàn, chứ không có vạch đường chỉ lối, lại càng không chế tạo xe cộ. Chúng ta có thể lấy một thí dụ điển hình nơi quyển sách Spiritual Theology của cha Jordan Aumann O.P. (được anh em ta chuyển ngữ: Đời sống tâm linh), dựa theo cha A. Royo Marin O.P., Teologia de la Perfección Cristiana (Madrid 1951).
Trước hết, tác giả bàn về cứu cánh của đời sống Kitô giáo. Tiếp đó là những nguyên tắc căn bản của đời sống siêu nhiên (ân sủng, các nhân đức). Ta tạm gọi đây là địa bàn.

Phần chính của lộ trình dựa theo sự tiến triển về đường trọn lành, gồm ba giai đọan chính:
a) Thanh luyện. Bàn về tội lỗi, các chước cám dỗ, rồi đến các cuộc thanh luyện giác quan và thanh luyện tinh thần (dựa theo thánh Gioan thánh giá).
b) Chiếu sáng. Bàn về các phương tiện thánh hóa: các bí tích, các nhân đức, các ơn Chúa Thánh Thần, các cấp độ cầu nguyện (phần này dựa theo thánh Têrêsa Avila).
c) Kết hiệp. Bàn về sự thần hiệp, các hiện tượng thần bí (Thánh Tôma đóng góp rất ít vào phần này).
Quả là một cẩm nang thực dụng. Tuy nhiên, một vấn nạn có thể đặt ra là: phải chăng phàm ai muốn nên trọn lành cũng đều phải trải qua lộ trình đó (chẳng hạn: phải qua hết các cuộc thanh luyện, phải leo lên hết các cấp bậc cầu nguyện)?
Ngòai ra, trong lộ trình này, thánh Tôma không giữ vai trò chủ động. Nói đúng hơn, thánh Tôma có vẻ bàng bạc (= mơ hồ): chúng ta không nhận ra những nét độc đáo của Người so với những bậc thầy khác về khoa tu đức (Gioan Thánh gía, Têrêsa Avila).

2/ Một đường lối trình bày mới. Thánh Tôma không những chỉ cung cấp địa bàn, mà còn biếu cả phương tiện nữa; nhưng đồng thời Người nhắn nhủ rằng: Chúa Thánh thần hướng dẫn mỗi người theo một cách thức riêng. Nói cách khác, bạn phải gắng tìm ra một lộ trình riêng cho mình, chứ đừng đòi sao y bản chánh con đường của những kẻ đã đi trước! Một yếu tố đã làm thay đổi đường lối trình bày thần học tu đức là cái nhìn mới về bộ sách Summa Theologica: đây không phải chỉ là một bộ "tổng hợp" các đạo lý, nhưng hơn thế nữa, nó còn mô tả một mối liên hệ năng động giữa Thiên Chúa và con người. Kiến trúc của bộ sách dựa theo mô hình exitus - reditus mà nhiều nhà thần bí từ thời các giáo phụ (đặc biệt là Điônysiô Arêôpagita) đã áp dụng, theo đó vạn vật phát xuất từ Thiên Chúa và lại quay về với Thiên Chúa. Trong bộ Summa theologica, thánh Tôma đã xếp đặt các tiết mục thần học dựa theo kiến trúc đó.
- Phần I bàn về Thiên Chúa như là nguyên ủy vạn vật: hết mọi vật bắt nguồn từ Thiên Chúa. Có thể phát biểu cách khác: Thiên Chúa, nguồn sự thiện vô biên, đã ban sự sống cho vạn vật, đã thông đạt Tình yêu cho các vật thụ tạo, cách riêng là với lòai người.
- Phần II bàn về Thiên Chúa như là cứu cánh của vạn vật: hết mọi vật, đặc biệt là con người, quay trở về với Thiên Chúa, bởi vì chỉ nơi Ngài con người mới tìm thấy hạnh phúc đích thực. Hơn thế nữa, không những là con người muốn vươn lên tới Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã thu hút chúng về với mình, qua các nhân đức phú bẩm, các hồng ân Thánh linh.
- Phần III bàn về Đức Kitô như là Đường dẫn là về với Thiên Chúa. Đức Kitô là Đường, Sự thật, Sự sống: Người đã nhập thể, cứu chuộc chúng ta, và tiếp tục nâng đỡ chúng ta nhờ các bí tích, trên hành trình tiến về hạnh phục vĩnh cửu.
Với lối nhìn này, quyển Summa Theologica thật là một kim chỉ nam về tu đức. Thực ra, đối với thánh Tôma, thần học không thể nào tách rời khỏi "linh đạo": vai trò của thần học là đào sâu thêm đức tin, mà đức tin là sự thông dự vào việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Thần học được chín mùi nhờ cảm nghiệm sống động về Thiên Chúa nhờ đức tin. Thần học của thánh Tôma phản ánh sự chiêm niệm bản thân, và đồng thời cũng có khả năng hướng dẫn những người khác đến sự chiêm niệm.
Quan điểm này được cha J.P. Torrell trình bày trong bài Thomas dAquin (đăng ở Dictionnaire de Spiritualité) và khai triển thành sách dưới tựa đề Saint Thomas dAquin, maitre spirituel, (Cerf Paris 1996). Tôi xin tóm lại những nét chính, dựa theo hai đầu mối của đường nên thánh: Thiên Chúa và con người. Trong phần kết luận, chúng ta sẽ rút ra vài đặc trưng của linh đạo Tôma.

I. Thiên Chúa

Tòan thể bộ Summa Theologica nói về Thiên Chúa: Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành vạn vật và là cứu cánh của mọi lòai. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta không thể tóm lại tất cả đạo lý về Thiên Chúa nhưng chỉ muốn nêu lên vài điểm có liên quan đến thần học tu đức.

A. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba ngôi.

Người ta thường đổ lỗi cho thánh Tôma đã biến "thần học Chúa Ba Ngôi" thành một lọai siêu hình học, chất đầy các ý niệm trừu tượng, tựa như là bản tính, bản vị, tương quan, vv. Thực ra, đó là lỗi của các đồ đệ thánh Tôma (thomismus) chứ không phải là của thánh Tôma. Người đã trình bày chân dung của Thiên Chúa rất sống động.

Thiên Chúa là Đấng tác thành. Thiên Chúa là nguyên ủy của vạn vật: Ngài tạo dựng nên chúng, Ngài điều khiển vận hành lịch sử. Thiên Chúa là tình yêu, là sự thiện sung mãn: Ngài tạo dựng nên vạn vật bởi vì muốn thông chuyển sự thiện cho chúng. Nơi Thiên Chúa, sự thiện hay tình yêu không phải là cái gì trừu tượng nhưng là chính bản tính của Ngài. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba ngôi. Thiên Chúa không phải là kẻ đơn độc lẻ loi , nhưng là Thiên Chúa của đối thọai và yêu thương. Từ muôn thuở, trong cung lòng Thiên Chúa đã diễn ra sự đối thọai giữa Cha và Con; chính trong mối liên kết giữa Cha và Con mà phát xuất Thánh thần tình yêu.

Sự tạo dựng vạn vật ra như kéo dài cuộc đối thọai tình yêu ra bên ngòai (I,q.45,a.6). Thiên Chúa Ba ngôi chuyển thông tình yêu cho tạo vật, và mời gọi chúng đến chia sẻ hạnh phúc với mình (xc. I,q.32,a.1,ad 3m). Khi tạo dựng vạn vật, Thiên Chúa đã để lại dấu vết của sự hòan thiện của mình nơi chúng. Vì thế nhìn ngắm vạn vật, chúng ta có thể nhận ra những ưu phẩm của Thiên Chúa.

Sự tạo dựng không chỉ diễn ra vào lúc khởi nguyên của vũ trụ, nhưng nó vẫn còn kéo dài liên lỉ qua việc bảo tồn vạn vật (I,q.104,a.1). Thiên Chúa không ngừng "hiện diện" trong vũ trụ (I,q.8), và cách riêng là trong những linh hồn sống trong ơn nghĩa với Ngài: chúng ta hiện hữu trong Ngài, và Ngài "ngự" trong ta (I,q.8,a.3,ad 4m). Dĩ nhiên sự hiện diện năng động như vậy bao hàm hiểu biết và yêu thương. Đạo lý về Ba ngôi ngự trong linh hồn (inhabitatio Ss.Trinitatis, dựa theo Ga 14,21.23) đã trở nên nguồn nên thánh cho biết bao nhiêu tâm hồn! Ba ngôi tiếp tục các tương giao hiểu biết và yêu mến nội tại ở trong linh hồn ta, và mời gọi ta tham gia vào cuộc đối thọai tình yêu đó (I, q.43,a.3). Nên biết là sau này lên trời, hạnh phúc vĩnh cửu ở tại chỗ chiêm ngắm Ba Ngôi cực thánh. Ngày nay, chúng ta nếm thử hạnh phúc ấy nhờ đức tin, nhờ đó con người được thông phần vào việc hiểu biết và mến yêu Thiên Chúa.

B. Đức Kitô.

Thần học của thánh Tôma quen được mệnh danh là "quy Thiên" (lấy Thiên Chúa làm trọng tâm: theocentrísmus): mọi vật bắt nguồn từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa. Điều này không làm giảm nhẹ vai trò của Đức Kitô, thậm chí có thể nói được là thần học của thánh Tôma cũng là "quy về Kitô" (christocentrismus).

1. Đừng kể những suy tư thần học về bản thân của Đức Kitô (Ngôi Lời nhập thể, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật) cũng như về sự nghiệp cứu thế của Người, những trang thần học về Đức Kitô trong phần III quyển Summa Theologica đã cung cấp cho nhiều thế hệ kitô hữu những chất liệu suy niệm về cuộc đời Chúa Cứu thế (acta et passa Christi in carne): từ việc giáng sinh, hiển linh cho đến việc chịu phép rửa, bị cám dỗ; rồi đến những lời nói việc làm trong cuộc đời công khai; nhất là lúc chịu khổ nạn và phục sinh (III, qq.27-59). Đức Kitô là căn nguyên mang lại ơn cứu độ cho chúng ta bằng các họat động của Ngài, và còn để lại tấm gương để chúng ta bắt chước. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa và phải cố gắng trở nên giống với khuôn đã đúc ra mình. Tuy nhiên, làm sao mà ta có thể bắt chước được Thiên Chúa là Đấng vô hình? Thì đây, Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, đã được ban cho như khuôn mẫu hữu hình để ta bắt chước (III,q.1,a.2). Nói thế vẫn chưa đủ: mẫu gương cao qúy mà Đức Kitô đã để lại là Ngài ta yêu thương ta. Mẫu gương yêu thương thúc đẩy chúng ta hãy đáp lại bằng tình yêu.

2. Đức Kitô không những là kẻ dẫn đường cho nhân lọai, nhưng Ngài còn tác động gần gũi hơn nữa: đức Kitô là đầu, chúng ta là chi thể của Ngài (III,q.8,aa.1 et 5). Đức Kitô là Đấng trung gian chuyển thông ân sủng xuống cho chúng ta. Điều này được biểu lộ cách đặc biệt nơi các bí tích (xc. III,q.62,a.5)

3. Dưới ảnh hưởng của các giáo phụ và của phụng vụ, một đề tài khác đã được thánh Tôma lưu ý là mục tiêu của tòan thể mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc. Chúng ta thường nghĩ rằng Đức Kitô được sai đến thế trần để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Nhưng đó mới chỉ là khía cạnh tiêu cực, và cần được bổ túc với khía cạnh tích cực tức là: "Thiên Chúa xuống làm người để đưa con người lên với Thiên Chúa". Từ ngữ thần học Đông phương còn mạnh hơn nữa khi dùng tiếng "thần hóa" (deificatio). Đức Kitô, Con Thiên Chúa, ban cho ta khả năng được trở thành con của Thiên Chúa, được nên giống Chúa (xc I-II,q.112,a.1).

4. Từ những nguyên tắc vừa kể, một hệ luận có thể rút ra là: người kitô hữu không được an phận với cuộc sống tà tà. Họ phải cố gắng mỗi ngày một nên giống với "khuôn mẫu" của mình hơn, tiến tới tầm kích của đức Kitô (I,q.93,a.4,ad 4m). Dĩ nhiên, con người tự sức mình không tài nào vươn cao được. Trên thực tế, con người không hành động lẻ loi: họ nhận được ơn sủng từ Đức Kitô là Đầu (như đã nói), và sức mạnh do Thánh thần ban.

C. Thánh thần

Vai trò của Thánh thần trong đời sống của người tín hữu được trình bày dưới nhiều khía cạnh.

1/ Trong kế họach cứu độ, chế độ Tân ước (Lex nova) được định nghĩa như là thời của Thánh thần, thời kỳ mà luật Chúa được ghi khắc trên con tim, thay vì trên bia đá (I-II, q.106-108). Thánh thần trở nên nhà mô phạm nội tâm, giúp chúng ta hấp thụ Lời Chúa, biến nó thành như cái gì nội tại của ta, chứ không phải như là một mớ lệnh truyền áp đặt từ bên ngòai.

2/ Như vậy, thời đại của Tân ước cũng đồng nghĩa với thời đại của ân sủng (I-II,q.109-114): Thánh thần nâng cấp các khả năng chúng ta để có thể thực hiện các hành động siêu nhiên (biết và mến Chúa), nhờ các linh ân (dona) và hoa trái (fructus): I-II,q.68-70. Đạo lý về 7 linh ân đã trở thành quen thuộc đối với chúng ta; nhưng mà các hoa trái (12) của Thánh linh (dựa trên Gl 5,22-23) cần được đào sâu hơn nữa. Đỉnh cao nhất mà Thánh linh dẫn đưa người tín hữu sống ở đời này (chuẩn bị vào nơi vĩnh cửu) là các chân phúc (beatitudines: II-II,q.69): hoan lạc, bình an, vv.

3/ Nếu muốn tóm gọn lại tất cả mọi tác động của Thánh thần thì có thể dùng một từ ngữ: tình yêu. Thánh thần là tình yêu trong cung lòng Ba ngôi Thiên Chúa (I,q.37,a.1,3m). Thánh thần tình yêu được trút đổ xuống tâm hồn chúng ta để chúng ta mến yêu Chúa. Thánh thần dẫn đưa chúng ta vào đời sống tri âm với Thiên Chúa Ba ngôi. Thánh thần cũng là con tim của Hội thánh (III,q.8,1,3m), liên kết các chi thể làm một với Đầu là Đức Kitô. Nhờ mối dây liên kết của Thánh thần mà mỗi người chúng ta thông hiệp với tòan thể các chi thể của Hội thánh: thông hiệp về ân phúc, các công việc phúc đức, các lời cuần nguyện. Thánh thần là nguyên ủy của các đặc sủng (gratia gratis data) ban cho các phần tử để xây dựng Hội thánh (I-II, q.111).

4/ Linh đạo, - spiritualitas (hay: đời sống thiêng liêng, đời sống thần khí -vita spiritualis) chung quy chỉ là đời sống theo Thánh thần (Thần khí Chúa: Rm 8; Gl 3,3; 5,13.16-25; 1Cr 3,1-2). Con người "thần khí" (homo spiritualis) là kẻ sống hòa hợp với Thần khí đến nỗi ra như Thần khí trở thành "bản năng họat động" (instinctus Spiritus Sancti: I-II, q.68, a.2, 3m) nơi họ. Phàm ai để cho Thánh thần hướng dẫn thì không những sẽ cảm nhận tình yêu và các linh ân vừa nói trên đây, mà còn được hưởng tự do của con cái Chúa (2Cr 3,17). Nhờ để cho Thánh thần hướng dẫn, người tín hữu vượt lên sự xung khắc giữa luật pháp và tự do. Thực vậy, nhiều tác giả vẫn khuyên nhủ hãy trung thành với lề luật Chúa để nên trọn lành, bởi vì họ sợ rằng nếu đề cao tự do quá đáng thì sẽ rơi vào tháo thứ! Tuy nhiên sự xung khắc giữa luật pháp và tự do chỉ xảy ra khi luật pháp được coi như yếu tố áp đặt từ bên ngòai. Đối với thánh Tôma, Thánh thần được ban để giúp ta thấm nhiễm luật Chúa, không còn coi như luật Chúa như là cái gì áp đặt tự bên ngòai nhưng trở thành thâm tín nội tâm. Đến mức độ đó, con người thần khí trở nên luật cho chính mình: "ipsi sibi sunt lex" (Rm 2,14-15: I-II,q.96,a.5, ad 1m). Nhận định này mang lại khá nhiều hệ luận cho những ai có trách nhiệm hướng dẫn người khác (dù là cha linh hướng, hay là một giáo viên): nhà giáo phải làm sao giúp cho môn sinh đến với Thánh thần. Chính Thánh thần mới thực là nhà mô phạm nội tâm. Nếu Thánh thần không nhúng tay vào, thì bao nhiêu lời lẽ của nhà giáo đều là vô bổ. Mặt khác, nhà giáo cũng phải biết giới hạn của mình, biết lúc nào phải dừng lại (hoặc rút lui) để cho môn sinh gặp gỡ trực tiếp với Thánh thần.

5/ Sau cùng, thiết tưởng không nên bỏ qua một chân lý quan trọng của thánh Tôma về Thánh thần, đó là họat động của Ngài chỉ giới hạn ở trong biên cương Hội thánh. Thánh thần gieo mầm chân lý trong khắp địa cầu. Nói khác đi, "hết mọi chân lý, bất kỳ từ đâu đến, cũng đều bắt nguồn từ Thánh thần" (Omne verum a quocumque dicatur a Spiritu sancto est). Đây là khởi điểm cho các cuộc đối thọai giữa người Kitô hữu với các tôn giáo, các nền văn hóa nhân lọai, nhằm khám phá hạt giống mà Thánh thần đã gieo trong đó.

II. Con người

A. Hình ảnh Thiên Chúa.

Các triết gia đã đưa ra nhiều định nghĩa về con người, chẳng hạn "con vật có lý trí" (đi từ "chủng" lên tới "lọai", genus - species, từ dưới lên trên). Trái lại, duới ánh sáng của mặc khải, con người là "hình ảnh Thiên Chúa". Từ ngữ này mang tính cách năng động: không những con người "giống" Thiên Chúa về bản tính (có trí tuệ và ý chí), nhưng còn về họat động (hiểu biết và yêu mến) nữa (I,q.93,a.4). Con người mong ước hiểu biết chân lý và đạt đến sự thiện tuyệt đối. Thế nhưng con người không thể tìm đâu được hạnh phúc ngòai Thiên Chúa: tâm hồn con người luôn luôn khắc khỏai bao lâu chưa đạt tới Thiên Chúa. Đối lại Thiên Chúa không để cho con người bơ vơ: chính Ngài đã lôi kéo chúng về với mình bằng ân sủng, bằng các ơn Thánh thần, bằng gương mẫu là chính đức Giêsu Kitô, hình ảnh Thiên Chúa (I-II, q.1, Prologus). Đường trọn lành hệ tại trở nên đồng hình đồng dạng với đức Kitô.
Con đường tới Thiên Chúa được ví như hành trình đi tìm hạnh phúc cũng như con đường trở về nguồn (reditus). Nên biết là nhận xét này không phải chỉ có giá trị cho thần học tu đức mà cho tòan thể thần học "luân lý". Trong quá khứ, nhiều sách thần học luân lý tự xưng là "theo đạo lý Tôma" đã để ý tới đặc điểm này: họ trình bày luân lý học dựa theo mười điều răn Đức Chúa Trời (những điều truyền khiến hay ngăn cấm). Thánh Tôma không quan niệm như vậy: thần học luân lý không bao hàm những mệnh lệnh cưỡng bách, nhưng là những phương tiện để đạt tới hạnh phúc. Nội dung thần học luân lý là các nhân đức, các ơn Chúa Thánh thần, các mối phúc thật.

B. Thế giới

Các tác giả tu đức thường quan niệm rằng đời sống thiêng liêng (tâm linh) đồng nghĩa với dứt bỏ trần tục. Điều đó sẽ không hòan tòan đúng, nếu nó hàm ngụ rằng trần tục, vật chất là điều xấu xa tội lỗi. Thánh Đaminh đã bài trừ thuyết nhị nguyên của nhóm Cathari (ảnh hưởng của đạo Mani, coi vật chất và hôn nhân là tội lỗi) bởi vì nó trái ngược với đức Kitô giáo. Thánh Tôma cũng tiếp tục đường hướng đó, sử dụng thêm các luận cứ của triết học.

Vũ trụ này được Thiên Chúa dựng nên và là một công trình tốt đẹp. Từ việc chiêm ngắm vũ trụ, trí tuệ chúng ta có thể hướng lên tới Đấng Tạo hóa. Vũ trụ vật chất không phải là cái gì xấu xa bỉ ổi. Hơn thế nữa, Thiên Chúa ban cho các tạo vật sự tốt lành theo bản chất của mỗi lòai. Ngài không đối xử với lòai thụ tạo kiểu như chơi trò con quay. Các thụ tạo họat động theo bản tính nội tại bền vững của mình. Cách riêng, Ngài muốn ban cấp cho con người sự tự do để hành động.

Mặt khác, vũ trụ được Thiên Chúa ký thác cho con người cai quản: con người hãy biết sử dụng các tài năng của mình để làm chủ vũ trụ, hợp tác với kế họach của Thiên Chúa. Nói thế có nghĩa là con người phải tìm hiểu vũ trụ, khám phá những định luật của vũ trụ, và trân trọng bảo vệ nó. Nguyên tắc "Gratia non destruit naturam, sed elevat et perfecit" (I,q.1,a.8,ad 2m) đã mang theo nhiều hệ luận, tùy cách giải thích:

- Có thể hiểu là không nên đối chọi giữa trật tự siêu nhiên với trật tự tự nhiên (thí dụ như giữa chân lý đức tin với chân lý khoa học), bởi vì cả hai đều xuất phát từ một nguồn gốc là Thiên Chúa. Không lẽ Chúa lại lấy tay phải để đập phá điều mà tay trái đã làm!
- Có thể hiểu rằng ơn thánh Chúa không miễn trừ cho chúng ta vận dụng khả năng tự nhiên của mình (gratia supponit naturam). Ơn thánh Chúa không tiêu hủy tự do hoặc bản năng của ta. Trên đường tu đức nên thánh, mỗi người cần lưu ý đến các sở trường sở đỏan của mình (tùy thuộc vào tính tình, giáo dục, kinh nghiệm, vv.).
- Có thể hiểu rằng sự thánh thiện không có nghĩa là thóat tục, nhưng là dấn thân xây dựng xã hội. Thánh nhân không phải là người sống trên mây trên gió, nhưng là người tìm cách nhận ra tiếng gọi của Chúa giữa hòan cảnh xô bồ của lịch sử.

Dù giải thích thế nào về nguyên tắc vừa nói, ta có thể nhận thấy rằng thánh Tôma mang một hình ảnh lạc quan về vũ trụ (thiên nhiên, tự nhiên): vũ trụ không phải là cái gì xấu xa mà ta phải thóat ly trên đường nên thánh (I-II,q.108,a.4). Vũ trụ là tác phẩm của Thiên Chúa, và có thể dẫn đưa ta về với Thiên Chúa; nếu vũ trụ làm cho ta xa Chúa thì không phải lại nó xấu xa mà là tại vì ta không biết sử dụng nó đúng với trật tự (I,q.65,a.1, ad 3m).

Điều nhận xét về vũ trụ ngọai giới (đại vũ trụ) thì cũng có thể áp dụng vào tiểu vũ trụ của con người. Thánh Tôma không coi các cảm xúc đam mê (passiones, tựa như: ái, ố, hỉ, nộ, vv) là điều xấu xa cần dẹp bỏ. Thực vậy, nếu bóp chẹt các cảm xúc thì con người chỉ là bức tượng đồng chứ đâu phải là người nữa! Không, đừng tiêu diệt cảm xúc, nhưng hãy điều khiển chúng theo trật tự của lý trí: nhân đức là thế đó (I-II,q.24, a.3). Người đức hạnh không đồng nghĩa với người nhăn nhó ủ rũ! Không phải thế: người nào thực hành nhân đức thì sẽ cảm thấy "khóai", bởi vì nhân đức mang lại cho ta niềm vui (ông thánh nào buồn là ông thánh đáng buồn).

Ngòai ra, quan điểm của thánh Tôma về tương quan hồn xác cũng có ảnh hưởng không nhỏ trong đường tu đức. Không thiếu tác giả quan niệm rằng thân xác là tù rạc của linh hồn; linh hồn mong sớm được giải thóat để với với thiên giới. Đó là triết thuyết của Platon, chứ không phải của thánh Tôma đâu. Theo thánh Tôma, linh hồn không hiện hữu từ muôn thuở trên thiên giới rồi bị đày đọa xuống trần gian để đền tội! Không, linh hồn được tạo dựng vào lúc kết hợp với thể xác để thành con người. Linh hồn cần đến thân xác để thủ đắc các ý niệm. Linh hồn không coi thân xác như kẻ thù, nhưng như là "khúc ruột" của mình! Thực vậy, theo thánh Tôma, sau khi qua đời, linh hồn không mừng vì được thóat ly khỏi xác thịt, nhưng luôn nhớ nhung trông mong được sớm kết hợp với thân xác (nhờ sự phục sinh). Hậu nhiên, đường nên thánh không nhất thiết phải bao hàm việc hành hạ tiêu diệt thân xác, nhưng là tìm cách "thánh hóa" thân xác, sao cho nó xứng đáng trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần.

C. Xã hội

Thế giới vật chất không xấu xa bỉ ổi; trái lại, nó có thể giúp chúng ta khám phá ra kỳ công của Thiên Chúa. Điều này lại càng đúng hơn đối với thế giới lòai người. Đành rằng đời sống tâm linh là đời sống thân mật với Thiên Chúa Ba ngôi ngự trong tâm hồn; đành rằng mỗi người được Thánh thần hướng dẫn theo một lối đi độc đáo, nhưng ta không đi tới Thiên Chúa một thân một mình. Con người là một hữu thể mang tương quan xã hội. Trên bình diện tự nhiên, tha nhân không những là môi trường để ta thực hành nhân đức công bẵng bác ái, nhưng tha nhân cũng là trường đào tạo nhân đức, đặc biệt là nhờ tình bạn. Trên bình diện siêu nhiên, việc nên thánh của ta diễn ra trong Hội thánh, cộng đòan các thánh nhân (congregatio fidelium, societas sanctorum), với Đức Kitô là đầu và Thánh thần là tim.

Kết luận

1. Trong phần kết luận, cha Torrell đã tóm lại bốn đặc trưng của học thuyết thánh Tôma như sau:
a/ Ba ngôi (trinitaire): Tất cả hành trình thần học và tu đức bắt nguồn từ Chúa Cha và trở về Ngài, nhờ đức Kitô trong Thánh thần. Đường thánh hóa cũng là đường "thiên hóa" (deificatio): Con Thiên Chúa trở nên con người ngõ hầu con người được trở nên con Thiên Chúa.
b/ Thực tế (realíste), theo nghĩa là việc nên thánh không phải chỉ liên hệ đến linh hồn, nhưng bao gồm tòan thể con người, gồm cả hồn cả xác, sống trong thế giới và xã hội.
c/ Nhân bản, theo nghĩa là nhắm tới việc triển nở con người tòan diện, nhờ việc đạt đến hạnh phúc. (Đường tu đức không phải là con đường khắc khổ, nhưng là con đường vui tươi, bởi vì do đức ái thúc đẩy hướng đến hạnh phúc).
d/ Thông hiệp (communionelle). Hạnh phúc con người hệ tại thông hiệp với Ba ngôi Thiên Chúa. Con người không hưởng hạnh phúc lẻ loi một mình, nhưng cùng chia sẻ trong cộng đòan phúc nhân.

2. Tác giả cũng lưu ý rằng chúng ta có thể tìm thấy thần học tu đức (théologie spirituelle) nơi thánh Tôma, chứ không tìm thấy "linh đạo Tôma" (spiritualité thomiste); cũng tương tự như có những nét linh đạo đaminh (traits dominicains en spiritualité) chứ không có trường phái linh đạo Đaminh (école dominicaine de spiritualité).

Thánh Tôma không đi sâu vào việc mô tả tỉ mỉ các trạng thái của linh hồn, những phương thế cầu nguyện, các cấp độ chiêm niệm, những cách thức thực hành khổ chế. Thánh Tôma trình bày cách khách quan mục tiêu của đường trọn lành, những nhân tố, các nhân đức, nhưng không đi vào các tình tiết đa dạng, tùy thuộc vào điều kiện riêng biệt của mỗi cá nhân.

Nói thế không có nghĩa là thánh Tôma chỉ đưa ra một mớ những quy tắc khô khan! Không, chúng ta đã thấy bộ Summa Theologica mô tả tương quan giữa con người với Thiên Chúa rất linh động, dưới hình ảnh con đường trở về với Thiên Chúa là cội nguồn và cứu cánh của mình. Con đường này bao gồm nhiều hành vi (khổ chế, nhân đức), nhưng quan trọng hơn cả là lòng khát khao và tình yêu mến. Con người tiến triển trên đường nhân đức không phải bằng việc tích lũy cho thật nhiều việc lành, nhưng là nhờ việc tăng cường lòng yêu mến. Đức mến tăng trưởng khi nó đâm rễ sâu hơn vào bản tính của ta (II-II,q.24,â.4-6). Chúng ta thấy có hai chuyển động ngược chiều và bổ túc cho nhau: nói đến tăng trưởng có nghĩa là nói tới chiều hướng đi lên (từ bé tới lớn); nhưng đồng thời nó cũng là chuyển động từ trên đi xuống (cắm rễ sâu hơn). Hình ảnh này nói lên hai tác nhân trong con đường trọn lành. Một đàng là sự cố gắng của ta (leo lên bậc cấp); đàng khác là Thánh thần được đổ tràn xuống lòng ta, cùng với các nhân đức và linh ân.

3. Trong khi bàn về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa không phải là Đấng cao xa cửu trùng nhưng rất gần gũi chúng ta: Chúa Ba ngôi ngự trong linh hồn ta; Thánh thần là thầy dạy nội tâm của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể giấu được rằng Thiên Chúa cũng là mầu nhiệm vừa mặc khải vừa kín ẩn (Deus revelatus- Deus absconditus). Thánh Tôma không quên điều đó: bên cạnh thần học "tích cực" còn có thần học "tiêu cực" nữa. Ýù thức giới hạn của khả năng của mình, con người cần phải vượt qua đám mây mù để tiến lên gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng vượt lên mọi hình thái. Con người đành chấp nhận rằng mình biết Chúa như là không biết vậy: càng tới gần Ngài thì càng thấy Ngài xa cách. "In fine nostrae cognitionis, Deum tamquam ignotum cognoscimus". De Divinis Nominibus III, 1-5, n.83; VII, 4,n.732; Summa contra Gentiles III 49; De Veritate q.2,a.1; In I Ep. ad Tim., VI,3; Summa Theologica, q.12, a.13,1m).

4. Học thuyết của thánh Tôma đã chín mùi từ việc nghiền ngẫm Kinh thánh, kho tàng tinh thần của tòan thể Dân Chúa, chứ không phải của riêng cá nhân hay đoàn thể nào. Dù vật, trong nét "bàng bạc" của thánh Tôma, ta cũng thấy phảng phất vài yếu tố "di truyền" của Dòng Đaminh, chẳng hạn chú ý tới kinh nguyện phụng vụ hơn là kinh nguyện riêng tư, chú trọng tới chân lý khách thể hơn là kinh nghiệm chủ quan. Xét vì bài này đã dài và phải kết thúc, tôi chỉ xin thêm một ghi chú này: truyền thống Đaminh không nhắc đến cha linh hướng, tuy dù sự cần thiết của nhà dìu dắt trên đường tiến đức là điều rất hiển nhiên ("không thầy đố mầy làm nên"!). Tại sao vậy? Cha Torrell đưa ra giả thuyết như sau. Trong các Dòng đan tu cổ truyền, bề trên được gọi là Abbas (cha, sư phụ), với vai trò lãnh đạo hướng dẫn cả về đường tu đức nữa. Thánh Đaminh đã muốn cho các bề trên trong Dòng Giảng được gọi là Prior (anh cả, anh nhứt). Sự thay đổi danh xưng nhằm thể hiện mối tương quan huynh đệ trong cộng đòan (fraternitas), nhưng có lẽ cũng muốn nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân: tu sĩ không thể ỷ lại khóan trắng mọi sự cho bề trên, nhưng cần ý thức vai trò của mình đối với ích chung. Khi chuyển sang đời sống luân lý đạo đức, thánh Tôma nhấn mạnh đến sự huấn luyện nhân đức khôn ngoan (II-II,qq.48-56). Đành rằng trước khi quyết định điều gì, mình phải nghiên cứu và bàn hỏi với người thông thạo (I-II,q.14,a.3; II-II,q.53,a.2), nhưng sau cùng chính ta phải đảm nhận trách nhiệm (chứ không thể đổ thừa cho cha linh hồn)! Nói thế cũng có nghĩa là thánh Tôma mong ước rằng mỗi người có bổn phận phải tự huấn luyện hầu đạt tới mức trưởng thành nhân bản và thiêng liêng. Dĩ nhiên là luôn luôn giả thiết vai trò của Chúa Thánh thần, thầy dạy nội tâm đã nói trên đây.

Thư tịch
______________________________

1. AA. VV. Saint Thomas maitre spirituel? , in: "Vie Spirituelle" n.707 (nov. - déc. 1993), p. 653-773.
2. D. Ols, La sainteté dominicaine à la lumière de la doctrine de Saint Thomas, in: AA.VV., Sanctus Thomas de Aquino Doctor hodiernae humanitatis (Studi Tomistici 58), Libreria editrice Vaticana 1995, p.314-338.
3. W.H. Principe, Thomas Aquinas Spirituality, Toronto 1984. ID. Aquinas Spirituality for Christs Faithful Living in the World, in: "Spirituality Today" 44(1992)110-131.
4. S. Tugwell, Albert and Thomas. Selected writings, Paulist Press New York 1988.
5. J.P. Torrell, Thomas d' Aquin, in: "Dictionnaire de Spiritualité" vol. XV, col.718-773. ID.; Saint Thomas dAquin, maitre spirituel, Cerf Paris 1996 và Revue de sciences religieuses 1997, p.442-457.