Linh Đạo Đa Minh

Print

on . Hits: 8688

Như đã nói lần trước, bàn về linh đạo Đa Minh không phải là chuyện đơn giản. Giả như các tác giả không nhất trí trong việc xác định những nét đặc trưng của linh đạo Đa Minh thì cũng dễ hiểu thôi (bá nhân bá tánh, trăm người trăm ý); nhưng vấn đề trở thành phức tạp hơn khi có ý kiến chủ trương rằng không có linh đạo Đa Minh, bởi vì Dòng ta rất bàng bạc, sẵn sàng đón nhận hết mọi điều hay đẹp bất cứ từ đâu đến.

 

Cha Simon Tugwell trưng ra một thí dụ điển hình. Vào năm 1928, khi được nhờ viết một bài về linh đạo Đa Minh trong quyển "Những trường phái linh đạo Kitô giáo" (Les Écoles de spiritualité chrétienne) cha Martin Rousseau đã định nghĩa nó với 4 đặc trưng sau đây: công giáo, tôma, phụng vụ và tông đồ (catholique, thomiste, liturgique et apostolique). Thọat nghe thì tưởng như tác giả nói chơi, bởi vì bốn đặc trưng ấy đâu phải riêng gì của Dòng Đa Minh? Nhưng nghĩ lại, xem ra tác giả có lý, bởi vì dòng Đa Minh không chủ trương chế ra một linh đạo riêng cho mình: mục tiêu của dòng là phục vụ Tin mừng, phục vụ tòan thể Hội thánh công giáo cơ mà!


Thực ra, trong cuộc tranh luận về linh đạo Đa Minh, có nhiều lý do đưa tới sự bế tắc, bắt nguồn từ những khó khăn về từ ngữ, về đối tượng, về phương pháp.


1/ Khó khăn về từ ngữ. Linh đạo (Spiritualité) là gì? Linh đạo của một Dòng tu có khác với "đặc sủng" (charisme) của Dòng hay không? Có gì khác biệt giữa "tinh thần" (esprit) và linh đạo hay không? Phải chăng linh đạo của Dòng Đa Minh chỉ gồm phương pháp suy gẫm cầu nguyện, hay nó còn bao hàm cả việc cử hành phụng vụ, học vấn, giảng thuyết nữa? Cơ cấu tổ chức của Dòng có thuộc về "linh đạo" hay chỉ là "tinh thần"?


2/ Khó khăn về đối tượng. Dựa vào đâu để khảo sát linh đạo của Dòng Đa Minh? Phải chăng chỉ dựa trên "ý định" của thánh Đa Minh khi lập Dòng, hay còn phải kéo dài ra suốt lịch sử của Dòng (gần 8 thế kỷ nay)? Phải chăng chỉ giới hạn vào các anh em, hay phải gồm thêm các chị em và giáo dân của Gia đình Đa Minh nữa?


3/ Khó khăn về phương pháp. Khi nghiên cứu linh đạo của Dòng Đa Minh, chúng ta có thể yên tâm với việc nghiên cứu các bản văn (hiến pháp, quyết nghị của các tổng hội và tỉnh hội, các tác phẩm bàn về đường nên thánh), hay là cần phải nghiên cứu cả việc áp dụng trong thực hành nữa? Điều này rất quan trọng đối với Dòng Đa Minh, một Dòng gồm nhiều thuyết gia (suy tư thần học hay giảng thuyết): nói thì hay mà làm thì dở; nói thì dễ mà làm thì khó! (Khỏang cách giữa lý thuyết và thực hành cũng gần bằng từ đất lên trời). Vì thế, khi học hỏi linh đạo Đa Minh, phải chăng tốt hơn chỉ nên giới hạn vào cuộc đời của những người đã sống trọn lý tưởng của Dòng (điển hình nơi các vị thánh), chứ không cần đếm xỉa tới các mớ lý thuyết viển vông? Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ hạn chế vào cuộc đời của các anh chị em Dòng đã được đặt lên bàn thờ, thì e rằng chúng ta sẽ đánh mất sự đóng góp phong phú của biết bao nhiều tu sĩ Dòng Đa Minh vào cuộc sống của Hội thánh. Thực vậy, ngay từ buổi đầu các anh em Đa Minh đã ý thức rằng Dòng được thành lập không phải chỉ để giúp nhau nên thánh nhưng còn phục vụ tòan thể Giáo hội. Biết bao nhiêu anh em đã giảng thuyết hay viết sách để giúp cho các phần tử Dân Chúa (giáo sĩ triều, nữ tu, giáo dân) sống theo Tin mừng. Những bài giảng và những tác phẩm đó cũng phải kể vào "linh đạo Đa Minh" nữa chứ? Chính những tác phẩm ấy làm nên đường nên thánh "dựa theo phương pháp Đa Minh" (cũng như những con đường dựa theo phương pháp Biển-đức, Cát minh, Phan-sinh, Ý-nhã, vv).

Mặc dầu cần ghi nhận những khó khăn vừa nói, nhưng không có nghĩa không thể nào bàn đến linh đạo Đa Minh. Thay vì mất thời giờ tranh luận, tôi xin chọn một hướng khác. Trong mục "Tìm hiểu Dòng Đa Minh", tôi muốn giới thiệu vài khuôn mặt đã để lại nhiều ảnh hưởng đối với linh đạo Đa Minh: xin tạm gọi họ là các bậc thầy (cô) của linh đạo Đa Minh.


Trước tiên, tôi xin dựa theo một nhóm tác giả (Henri-Dominique Simonin, Raphael-Louis Oechslin, Stephanus G. Axters, Domenico Abbrescia, Joseph Perinelle, Vicente Beltrán de Heredia, Hieronymus Wilms, Walter Gumbly) biên sọan từ Frères Prêcheurs cho từ điển Dictionnaire de Spiritualité (tome V, Paris 1964, col.1422-1524) để giới thiệu vài nét chính của lịch sử linh đạo Đa Minh, đặc biệt lưu ý đến những khuôn mặt nổi bật (in đậm) sẽ được trình bày trong các bài kế tiếp. Chúng ta sẽ có dịp nhận xét tính cách đa dạng của "trường phái Đa Minh", với nhiều khuynh hướng khác nhau, vừa bắt nguồn từ các nền văn hóa khác biệt (chẳng hạn: Italia, Đức, Pháp, Tây ban nha), vừa do sự tiếp thu các trào lưu thuộc những thời đại khác nhau. Tuy nhiên, giữa sự đa dạng (hay "bàng bạc", một hồng ân của Chúa Thánh thần, nguồn mạch các đặc sủng), vẫn có thể tìm được vài nét cấu thành "mẫu số chung" của con người Đa Minh.

Chúng ta hãy rảo qua vài giai đọan chính: 1/ Thế kỷ đầu tiên của Dòng. 2/ Thế kỷ XIV. 3/ Thời kỳ phong trào Cải cách (tk XV-XVI). 4/ Thời cận đại


I. THẾ KỶ ĐẦU TIÊN CỦA DÒNG


Chúng tôi xin miễn bàn về lý tưởng của Dòng do thánh Đa Minh phác họa. Chỉ cần ghi nhận sự nhận xét của cha Simon Tugwell, theo đó thánh Đa Minh không đi từ một kế họach tiền chế, nhưng Người đã biết linh động thích ứng tùy theo tình hình biến đổi. Khi so sánh bộ mặt của Dòng lúc người qua đời (1221) với linh ứng của thuở đầu (1206), ta thấy có sự khác biệt không nhỏ. Nói cách khác, linh đạo Đa Minh nằm ở chỗ uyển chuyển chứ không đóng khung cứng nhắc.


A. Công trình của cha Đa Minh được tiếp tục bởi những vị kế nhiệm tài ba: Giorđanô (1222-37), Raymunđô (1238-40), Gioan Teutônicô (1241-52), và đặc biệt là cha Humbertô de Romans (1254-63). Tuy không dám so sánh công lao giữa các vị vừa kể, nhưng dưới khía cạnh tư liệu thì phải nhận là cha Humbertô đã để lại nhiều bút tích hơn cả khi bàn về chân dung lý tưởng của tu sĩ Giảng thuyết. Những bản chú giải Hiến pháp, Tu luật, các chức vụ, các lời khấn, được xuất bản chung thành hợp tuyển De Vita regulari, cung cấp cho hậu thế nhiều dữ kiện để phác họa những nét chính của linh đạo Dòng Đa Minh: một nhà giảng thuyết đắm chìm trong chiêm niệm. Mặc dù các từ ngữ "giảng thuyết" và "chiêm niệm" đã lưu hành trong văn chương Kitô giáo từ lâu đời, nhưng chúng đã được "tô điểm" dưới sáng kiến của thánh Đa Minh. Sự giảng thuyết chú trọng đến việc trình bày chân lý đức tin. Nhất là sự giảng thuyết lấy đối tượng là chính Phúc âm. Chính vì thế sự giảng thuyết đòi hỏi tính nhất quán giữa lời nói và cuộc sống. Một cách tương tự như vậy, việc chiêm niệm được nuôi dưỡng không những bằng sự suy gẫm mà còn bằng việc phụng vụ, việc học hỏi, việc khổ chế. Tất cả những hành vi vừa nói nhằm đào tạo cho người tu sĩ trở thành "miệng của Chúa", khí cụ ngoan ngõan của Thánh thần. Thực vậy, sự giảng thuyết (giảng Lời Chúa) là một ân huệ của Thánh thần: gratia praedicationis. Một môi trường khác để huấn luyện chiêm niệm và giảng thuyết đời sống huynh đệ cộng đòan: chiều kích huynh đệ chi phối từ việc cầu nguyện phụng vụ, cho đến việc học hành, việc tuân giữ các lời khuyên Phúc âm, cũng như cách thức quản trị và ngay chính công tác giảng thuyết.


B. Ngòai việc giảng thuyết tại các nhà thờ, các tu sĩ Đa Minh đã sớm thêm một "giảng đài" nữa, đó là các đại học, với các giáo sư như là Hugues de Saint-Cher, Albertô Cả. Nên biết là chương trình giáo huấn tại các phân khoa thần học không phải là các giáo trình khô khan, nhưng là các lớp chú giải Kinh thánh. Các "cours" của các giáo sư cũng là một thứ "bài giảng" nếu chưa phải là "sách dẫn đường trọn lành".


Nhận xét vừa kể lại càng đúng với thánh Tôma Aquinô (+1274), một người đã để lại ảnh hưởng sâu đậm cho lịch sử linh đạo của Dòng cũng như của tòan thể Hội thánh qua các tác phẩm của mình (gồm các quyển chú giải Kinh thánh, các bộ tổng luận thần học, các bài giảng, các khảo luận). Nên biết là Tôma không những chỉ là một thuyết gia về đường nên thánh, mà còn là một thánh nhân. Tôma là một người đã thực hành những lý thuyết mà mình đã xướng lên; hay nói ngược lại cũng chẳng sai: một người đã viết lên từ kinh nghiệm bản thân về sự kết hiệp với Chúa. Thánh Tôma đã giúp cho Dòng nhận ra đặc sủng của mình ở chỗ kết hiệp chiêm niệm với họat động qua công thức Contemplata aliis tradere (Summa Theologica II-II, q.188,a.6). Thánh Tôma cũng lái các họat động của Dòng theo chiều hướng "truy tầm chân lý" (say mê học hành), đặt việc tông đồ đạo lý vào hàng đầu trong các hoạt động của Dòng. Dù sao, ảnh hưởng của thánh Tôma không chỉ giới hạn trong nội bộ của Dòng Giảng thuyết; các tác phẩm của ngài hướng đến tòan thể dân Thiên Chúa.


C. Điều này lại càng rõ rệt hơn khi chúng ta xét đến các tác phẩm tu đức do các anh em Giảng thuyết biên sọan, thuộc nhiều lọai:


1- Những quyển thủ bản về các nhân đức và nết xấu: Summa de virtutibus et de vitiis, giúp cho các cha giải tội (bất luận Dòng Triều), chẳng hạn như của Guillaume Perrault, hoặc của thánh Raymonđô Penafort (Summa de poenitentia).


2- Hạnh tích các vị thánh, nổi tiếng nhất là Legenda aurea của Giacôbê Varazze (chân phước Jacobus a Voragine, +1298, lễ kính 13/7). Tác giả đã thu thập các bài giảng thành 3 bộ sưu tập (Sermones de sanctis, Sermones de tempore, Sermones quadragesimales); nhưng tác giả lưu danh cho hậu thế nhờ cuốn Legenda sanctorum, mà không thư viện nào thời Trung cổ có thể thiếu, nhưng công trình của chatrở nên sách gối đầu giường của


3- Các sách dọn bài giảng (sermones), hoặc dưới dạng chú giải Thánh kinh, hoặc dưới dạng tích tóp (Liber de exemplis, Summa de exemplis et rerum similitudinibus), chẳng hạn như của Nicolas de Hanapes (+1291), Jean de San Gimignano.


D. Vào cuối thế kỷ XIII, chúng ta thấy không có một khuôn mẫu duy nhất của con người Đa Minh, nhưng lý tưởng của Dòng Giảng thuyết được diễn tả với những "típ" khác nhau (tạm gọi là những "chuyên ngành" của Dòng)


1- Những nhà giảng thuyết đức tin tại các thánh đường hay các quảng trường. Trong hàng ngũ này không thiếu kẻ tử đạo tựa như thánh Phêrô Vêrôna (+1252). Công tác giảng thuyết bao gồm cả việc hướng dẫn các linh hồn, đặc biệt nhờ tác vụ giải tội.


2- Những nhà giảng thuyết tại các trường đại học. Đầu óc chúng ta nghĩ ngay đến Albertô (1206/7-80), Tôma Aquinô.


3-Những nhà truyền giáo cho lương dân, điển hình nơi thánh Giacintô (+1257), đi giảng đến tận biển Baltique và dọc xuống Kiev. Những biên cương truyền giáo được mở sang miền Đông Âu: Hy lạp, Armêni, và sự thành lập Societas fratrum peregrinantium đưa anh em sang Armêni và vùng Tiểu Á. Tại miền Nam châu Âu, cha Raymond Penafort (+1275) đẩy mạnh công cuộc truyền giáo cho người Hồi giáo và người Do thái.


II. THẾ KỶ XIV


A. Sau thời hoàng kim của thế kỷ đầu tiên, bước sang thế kỷ XIV những dấu hiệu sa sút đã bắt đầu xuất hiện. Nguyên nhân của hiện tượng này khá phức tạp, bởi vì phần thì bắt nguồn từ nội bộ của Dòng, phần khác thì do hòan cảnh thời thế.


1- Xét về những nguyên nhân nội bộ, có lẽ chính động lực đưa Dòng đến chỗ vinh quang cũng chính là động lực đưa Dòng xuống dốc. Thử hỏi: một khi anh em được Tòa thánh tín nhiệm, cử làm Hồng y, Đặc sứ, Giám mục, vv, thì làm sao duy trì nếp sống khó nghèo đạm bạc, chăm lo sách đèn như trước? Vả lại, thật là khó khi dung hòa hai nếp sống chiêm niệm và họat động: người tu sĩ Đa Minh ru rú trong nhà như đan sĩ cũng phản bội ơn gọi không kém gì nhà giảng thuyết lang thang tối ngày đến độ không còn biết chi đến đời sống cộng đòan! Tu sĩ Đa Minh luôn bị giằng co giữa hai thái cực đó. Thêm vào đó, sự miễn chuẩn (một đặc trưng của Dòng) là một con dao hai lưỡi: nó giúp cho các tu sĩ không rơi vào nạn vụ luật, nhưng nó cũng có thể góp phần vào sự tháo khóan!


2- Xét về nguyên nhân ngọai tại, đời sống đạo đức của thế kỷ XIV bị chi phối bởi hai hiện tượng: a/ Nạn dịch đen (1347-1349) đã cứơp đi hàng triệu sinh mạng, khiến cho các tu viện cũng thoi thóp (ước lượng từ 12 ngàn xuống còn chừng 6 ngàn). b/ Việc giáo hòang dời đô về Avignon (1309-1376), kéo theo sự phân chia hai triều giáo hòang (1378-1417), cũng ảnh hưởng đến kỷ luật và sự thống nhất trong Dòng (Giáo hội có hai giáo triều thì Dòng cũng có hai tổng quyền: Avignon / Rôma.


B. Tuy nhiên, chính trong hòan cảnh sa sút đó mà phong trào chấn hưng đã được gợi lên. Thánh nữ Catarina Siêna là một khuôn mặt nổi bật, thúc đẩy Giáo hòang chấn hưng Giáo hội, và đồng thời thúc đẩy cha Raymonđô Capua lãnh đạo cuộc chấn hưng Dòng.


1- Catarina (1347-1380) không những là một người họat động nhưng trước đó còn là một nhà thần bí: họat động bắt nguồn từ chiêm niệm. Tuy lý tưởng đồng nhất với Đa Minh và Tôma, nhưng Catarina cũng đã phát biểu theo đặc sủng của mình. Catarina có can đảm dám phát biểu trước triều Giáo hòang (Grêgôriô XI và Urbanô VI), thì chị đâu có sợ gì khi lên tiếng nhắc nhở các anh em Dòng Giảng thuyết hãy sống trọn lý tưởng của mình? Trong sách Đối thọai (chương 158)Catarina đã mô tả đặc sủng của Dòng bằng những công thức bất hủ như là: "Sứ vụ Lời Chúa" (Officium Verbi), "tình yêu chân lý" (caritas veritatis).


2- Dưới sự hướng dẫn của cha Raymunđô Capua (+1399, lễ kính 5/10), công cuộc chấn hưng bắt đầu cách tiệm tiến: từ một vài tu viện, rồi đến vài hội dòng (Congregationes reformatae, một thực thể tương đương với tỉnh dòng), phong trào lan ra tòan Dòng. Trong số những anh em đầu tiên hưởng ứng sáng kiến của cha Raymonđô, cần nhắc đến tên tuổi của: chân phước Gioan Dominici (+1419, lễ kính 10/6), thánh Antoninô (+1459, lễ kính 10/5), Beato Angelico (+1455, lễ kính 18/2). Một khuôn mặt của nhóm đã gây ra nhiều tranh luận là cha Hiêrônimô Savonarola (+1498), thuộc thế kỷ XV, khi phong trào đã bành trướng sang Tây ban nha, Pháp, Hòa lan, Đức, và còn kéo dài cho tới thế kỷ XVII. Nên biết là các phong trào chấn hưng nhấn mạnh đến việc tuân giữ kỷ luật, nếp sống khổ chế, thanh bần. Đời sống cầu nguyện cũng được đề cao.


C. Bên cạnh bức tranh vừa tối vừa sáng vừa nêu, thế kỷ XIV còn ghi nhận một đóng góp độc đáo không những cho gia sản linh đạo Đa Minh mà còn cho tòan lịch sử linh đạo Kitô giáo, với nhóm mệnh danh là Trường phái sông Rhin: Eckhart (+1327/8), Jean Tauler (+1361), Henri Suso (+1366). Họ đề cao việc chiêm niệm Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm vừa cao sâu vừa nội tại trong chính linh hồn; họ nhấn mạnh đến sự từ bỏ mình như là bước đầu dẫn tới chiêm niệm. Cách riêng, Henri Suso cổ võ lòng sùng kính nhân tính đau khổ của Chúa Giêsu cũng như lòng tôn kính Đấng Khôn ngoan. Nói cách khác, trường phái sông Rhin đã bổ túc thêm chiều kích "tình cảm" và "thanh luyện" cho truyền thống Đa Minh, vốn nặng về trí thức.


D. Một nhân vật xuất hiện vào khúc quặt giữa thế kỷ XIV và thế kỷ XV là thánh Vinh sơn Ferrer (1350-1419): cha đã làm sống lại đặc sủng giảng thuyết của Dòng vào thời buổi khủng hỏang của Hội thánh. Bắt đầu sứ vụ linh mục với công tác giảng dạy, cha rời bỏ sách đèn để dấn thân vào cuộc giảng thuyết lưu động tại Tây ban nha, Pháp, Thụy sĩ. Tất cả kinh nghiệm về việc hướng dẫn các linh hồn được thu thập trong tác phẩm "Luận về đời sống thiêng liêng" (De vita spirituali), được tái bản hơn 40 lần.


III. THỜI KỲ CẢI CÁCH (THẾ KỶ XV-XVI)


A. Phong trào Cải cách của Lutêrô, với sự ly khai của nhóm Tin Lành, đã để lại nhiều dấu tích trong lịch sử Hội thánh cận đại. Đừng kể sự chia rẽ trong nội bộ của Hội thánh, nhiều Dòng tu công giáo ở vùng Trung và Bắc Âu đã bị giải tán.


B. Dòng Đa Minh đã hưởng ứng chiều hướng Cải cách trong nội bộ Giáo hội công giáo do công đồng Trentô đề xướng.


1- Nhiều tu sĩ Đa Minh đã tham dự công đồng Trentô (1542-63), và đã góp phần tích cực vào việc sọan thảo các văn kiện công đồng: Melchior Cano (+1560), Domingo de Soto (+1560). Đức Piô V (1566-1572) là giáo hòang đã mang thực thi các quyết nghị của công đồng.


2- Trước và sau công đồng, các tu sĩ Đa Minh đã cộng tác với nhiều vị sáng lập hay canh tân các Dòng tu, chẳng hạn như tại Italia, cha Battista da Crema (+1554) với thánh Gaetanô (sáng lập dòng Teatinô), Antôniô Maria Zaccaria (sáng lập dòng Barnabiti). Thiết tưởng không nên bỏ qua thánh nữ Catarina Ricci (+1590), một nữ tu nhà kín nhưng liên lạc thư từ với mọi cấp bậc chức sắc trong Giáo hội: Piô V, Carlô Borromêo, Philippê Nêri, Maria Maria Mađalêna Pazzi. Bên Tây ban nha, thánh Têrêsa Avila đã bàn hỏi chuyện linh hồn với các cha Pedro Ibanez (+1565), Domingo Banez (+1604). Thánh Inhaxiô Loyola cũng đã được nhiều cha Đa Minh nâng đỡ vào lúc thành lập Dòng Tên.


C. Cách riêng, đối với sinh họat nội bộ của Dòng, nên ghi nhận vài điểm sau đây.


1- Học thuyết thánh Tôma trở thành đạo lý chính thức của Dòng.


2- Trong Giáo hội, việc cử hành phụng vụ đã dần dần nhường bước cho các việc đạo đức bình dân. Người ta bắt đầu chú trọng đến việc phân tích tâm lý trong đường đạo đức (chặng đường suy gẫm). Dòng Đa Minh cũng đón nhận các trào lưu đó:


a) Chúng ta đã có dịp bàn đến nguồn gốc kinh Mân côi, nhờ sự cổ động của cha Alain de la Roche (+1475). Cuộc chiến thắng Lêpantô càng góp phần vào việc truyền bá kinh Mân côi, nhất là do đức giáo hòang Piô V O.P (+1572). Các anh em đã viết nhiều tác phẩm giúp các tín hữu suy gẫm các mầu nhiệm kinh Mân côi, chẳng hạn như Albertô da Castello (+1522).


b) Ngòai hội Mân côi, các tu sĩ Đa Minh còn cổ động các Hội thánh danh Chúa Giêsu (1571), Hội Thánh thể (tu viện S. Maria sopra Minerva, năm 1538). Tại Italia, cha Inhaxiô Del Nente đã viết nhiều tác phẩm cổ động lòng tôn kính Thánh thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bên Pháp, một tác giả nổi tiếng về việc suy gẫm sự thương khó Chúa là cha Louis Chardon (1595-1651).


3- Do ảnh hưởng của Dòng Tên (tổng quyền Nicolas Ridolfi nguyên là học trò của các cha Dòng Tên +1650), các tổng hội năm 1647 (Valencia), 1650 (Roma), 1656 (Roma) truyền mỗi năm phải cấm phòng 10 ngày (annua 10 dierum recollectio). Trước đó, việc suy gẫm (oratio mentalis, chuyển hướng từ orationes secretae) hai lần mỗi ngày (mỗi lần ít là 15 phút: ad minus per quadrantem horae) đã được thực hiện theo chỉ thị của tổng hội 1564 (Bologna), 1571 (Roma), 1574 (Barcelona).


Mặt khác, các cha Đa Minh cũng không thua kém ai trong việc biên sọan các sách bàn về việc suy gẫm (phương pháp cũng như chất lượng). Luis de Granada (+1588), với các tác phẩm được thánh Têrêsa Avila giới thiệu cho các đan viện Cát minh: Libro de la oración y meditación, và Guia de pecadores.


D. Từ thế kỷ XVI, Dòng Đa Minh đã đặt cơ sở tại Mỹ châu. Ngòai những khuôn mặt thánh thiện của Rosa Lima (+1617), Martinô Porres (+1639), người ta không thể bỏ qua cha Bartôlômêo de Las Casas (+1566), một người bênh vực quyền lợi của các thổ dân.

Cũng vào giai đọan này, nhiều phái đòan truyền giáo hướng về Á châu, tới tận miền Viễn đông (Trung hoa, Nhật bản), với nhiều thánh tử đạo (Alfonso de Navarrete +1617 tại Nhật bản, Francisco de Capillas +1648 tại Trung Hoa).


IV. THỜI CẬN ĐẠI


A. Những cuộc cách mạng chính trị tại châu Âu (khởi đầu từ 1789 tại Pháp) đã dẫn đến sự giải tán các Dòng tu. Trong các thế kỷ gần đây, tại Pháp và các nước láng giềng (Italia, Tây ban nha, Đức, Bỉ), các tu sĩ đã nhiều lần nếm cảnh trục xuất và tái lập, do ảnh hưởng của nhiều trào lưu chính trị khác nhau (cách mạng Pháp, Napoleon, đảng tự do, phong trào bài giáo sĩ, vv...)


B. Mặt khác, các tu sĩ Đa Minh cũng tham dự vào các cuộc tranh luận đạo lý bắt nguồn từ các phong trào tu đức: Jansénisme, quiétisme, gallicanisme.


C. Sang thế kỷ XIX, những khuôn mặt góp phần vào công cuộc tái thiết Dòng tại Pháp (với những ảnh hưởng sang các nước láng giềng) là cha Henri Lacordaire (1802-1861). Cha Lacordaire là một nhà giảng thuyết nổi tiếng, cũng như những nhà giảng thuyết kế tiếp tại nhà thờ Đức Bà Paris, với các cha Monsabré (+1907), cha Janvier. Tại giảng đài này, họ đã mang đạo lý thánh Thômas áp dụng vào đời sống đạo cho hết mọi tầng lớp Giáo hội.

Công cuộc phục hưng Dòng (trở về nguồn, xét về tinh thần cũng như về đạo lý thánh Tôma) của cha Lacordaire được tiếp nối nơi các đồng chí: Vincent Jandel (+1872), Hyacinthe Cormier (+1916).


D. Vào thế kỷ XX, Dòng đã cung cấp vài học giả nổi tiếng về thần học tu đức, chẳng hạn: Juan Gonzalez Arintero (+1928), Ambroise Gardeil (+1931), Réginald Garrigou-Lagrange (+1964), M.M. Philippon (+1972). Các ngài đã lãnh đạo một "trường phái Đa Minh" chủ trương tất cả các tín hữu được kêu gọi vào đời chiêm niệm (đối lại với "trường phái Dòng Tên", đại diện nơi cha De Guibert, hạn chế sự chiêm niệm cho một thiểu số). Lập trường của Dòng Đa Minh đã mở đường cho công đồng Vaticanô II (Hiến chế về Hội thánh, chương 5: tất cả các Kitô hữu được mời gọi nên thánh).


Ngoài ra, các cha Đa Minh còn điều khiển vài tạp chí về tu đức (mở rộng cho hết mọi tầng lớp Dân Chúa) như: La Vie Spirituelle (Paris Octobre 1919-), Vita cristiana (Firenze 1929, đổi tên thành Rivista di ascetica e mistica năm 1956, và Rassegna di ascetica e mistica, để rồi lại trở về với danh hiệu cũ), LaVida sobrenatural (Salamanca 1921-), Teologia espiritual (Valencia 1957-), Cross and Crown (do tỉnh dòng Albert Hoa kỳ phát hành từ năm 1949, đổi thành Spirituality Today, và chấm dứt từ 1992), Doctrine and Life (Ailen), Dominican Ashram (Ấn độ).


Mặt khác, ngòai linh đạo hướng về "sự kết hiệp thần bí" theo nghĩa cổ truyền, cần ghi nhận chiều hướng linh đạo hướng về dấn thân xã hội, phục vụ người nghèo, khởi đầu từ các "linh mục thợ" bên Pháp, và phát triển nơi các thần học phát triển, công bằng xã hội (chẳng hạn cha Louis Joseph Lebret (1897-1966), cố vấn cho Đức Phaolô VI trong việc thảo thông điệp Populorum Progressio).


Kết luận


Điểm qua các trào lưu và khuôn mặt khác nhau suốt gần 800 năm lịch sử, liệu có thể vạch ra một mẫu số chung làm nên "linh đạo Đa Minh" hay không? Như đã nói ở đầu, có người trả lời có, có người trả lời không. Chúng ta đã nói qua lý do của ý kiến trả lời "không". Đối lại, trong số ý kiến "có", chúng ta có thể lấy một thí dụ điển hình nơi quyển sách Dominican Spirituality. Principles and Practice của cha William A. Hinnebusch (Washington DC, 1984), được Nhóm Tài liệu của tỉnh dòng dịch ra tiếng Việt năm 1994.


May thay, giữa hai thái cực đó không phải là không có những ý kiến trung dung! Trong phần kết luận từ Frères Prêcheurs trong từ điển "Dictionnaire de Spiritualité", cha R. Oechslin đã ghi nhận một vài nét làm nên tinh thần Đa Minh (esprit dominicain), hay là cái hồn của linh đạo (l'âme de la spiritualité dominicaine), bắt nguồn từ chính sứ mạng của Dòng, được phát biểu qua các phương châm: Veritas, và Contemplata aliis tradere.


1/ Việc truy tầm chân lý không những thúc đẩy lòng say mê học hỏi đạo lý, nhưng còn tạo ra tinh thần tôn trọng thực tại khách thể (tránh những cảm xúc chủ quan). Việc truy tầm chân lý đôi lúc đã gây ra sự bất bao dung đối với kẻ "lạc đường". Tuy nhiên, nếu ai trung thành với thánh Tôma thì sẽ biết nhìn nhận những "mầm chân lý" bất cứ từ đâu đến: đó là tinh thần đối thọai.


2/ Người tu sĩ Đa Minh không tìm kiếm chân lý cho riêng mình. Dòng Đa Minh không phải là Dòng đan tu. Người tu sĩ Đa Minh muốn thông truyền cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Chiêm niệm và họat động không phải là hai "thì" kế tiếp nhau, nhưng họp nên một thực tại duy nhất. Việc chiêm niệm mang chiều hướng tông đồ, và việc chiêm niệm vẫn không bị gián đọan đang khi làm việc tông đồ.


3/ Lý tưởng của Dòng được ấp ủ nhờ cả một nếp sống: kinh nguyện phụng vụ, học vấn, kỷ luật (trong đó có sự khó nghèo), các cơ chế pháp luật (gồm cả định chế "miễn chuẩn", cũng như tầm quan trọng của các công hội).


Thọat tiên xem ra đơn giản, nhưng lịch sử cho thấy rất khó duy trì sự thăng bằng: thăng bằng giữa chiêm niệm với hoạt động, thăng bằng giữa sinh họat cộng đòan với công tác ngòai tu viện, thăng bằng giữa miễn chuẩn với tháo thứ...


Dù sao, nói gì thì nói, linh đạo của Dòng Đa Minh không phải là một mớ lý thuyết nhưng đã được mang ra thực hành bởi biết bao nhiêu anh chị em, cách rieng nơi các thánh của Dòng, mà chúng ta có thể học hỏi mẫu gương nhờ cuộc đời và các bút tích của họ. Chúng ta thành thực cám ơn lớp tập 1997-98 đã thực hiện quyển Đám mây nhân chứng để cung cấp cho gia đình Đa Minh Việt Nam một khái niệm về các thánh Dòng. Tôi xin bổ túc với hai phụ trương: tiêu chuẩn xếp lọai; các thánh mới.


Phụ trương I. Xếp lọai các chân phúc và hiển thánh Dòng Đa Minh.

Có nhiều tiêu chuẩn để xếp hạng các thánh nhân của Dòng.


1/ Tiêu chuẩn lịch phụng vụ, xếp theo các ngày lễ kính trong năm. Đám mây nhân chứng dựa theo tiêu chuẩn này. Nên biết là thường các lễ kính dựa theo ngày "sinh nhật" (dies natalis), sinh vào Nước trời, mặc dù đối với sổ hộ tịch dân sự thì đó là ngày khai tử.


2/ Tiêu chuẩn lịch sử: dựa theo các thế kỷ, với những đặc trưng đã nói trong bài này. Trong Catalogus hagiographicus Ordinis Predicatorum (Analecta SOP anno 96, fasc.I, 1988), chúng ta thấy sự phân chia theo tiêu chuẩn thế kỷ: thế kỷ XIII (số 1-32); thế kỷ XIV (số 33-54); thế kỷ XV (số 55-83); thế kỷ XVI (số 84-98); thế kỷ XVII (số 99-106), thế kỷ XVIII (số 107-111); thế kỷ XIX (số 112-115); thế kỷ XX (số 116). Tuy nhiên tổng cộng là 251 hiển thánh và chân phước (bởi vì có những số bao hàm một nhóm đông, chẳng hạn như trường hợp các đồng bạn tử đạo). Đó là tổng số tính đến năm 1988. Từ đó đến nay, cần phải thêm nữa (xem phụ lục II).


3/ Tiêu chuẩn địa lý: dựa theo nguyên quán của các vị (Italia, Pháp, Tây ban nha, Đức, Việt nam, vv.)


4/ Tiêu chuẩn "nghề nghiệp": giáo hòang, giám mục, bề trên, nhà thần học, nhà giảng thuyết, nhà truyền giáo, trợ sĩ, sinh viên (được bao nhiêu?), nữ tu, giáo dân, vv. Mỗi người chúng ta chỉ có thể bắt chước một tấm gương nào đó, chứ không thể ôm đồm hết được. Nên ghi nhận là trong số các thánh của "Gia đình Đa Minh", đừng kể các thánh tử đạo Việt nam, còn hai linh mục Dòng Ba (Louis M. Grignion de Montfort, 1673-1716; Augustinus Schoeffler, 1822-1851), và hai giáo dân rất gần với thời đại chúng ta (Bartolo Longo, 1841-1926; Pier Giorgio Frassati, 1901-1925).


5/ Những tiêu chuẩn vừa rồi xem ra vẫn còn nặng tính cách xã hội học. Cha Ambrose Gardeil còn đề ra một tiêu chuẩn mang tích cách thần học hơn, đó là dựa theo 7 ơn Chúa Thánh Thần (Les dons du Saint Esprit dans les saints dominicains, Paris 1903).

- Ơn kính sợ: Luis Beltran, Vicentê Ferrer, Rosa Lima

- Ơn dũng cảm: Catarina Ricci, Gioan Colonia, Phêrô Vêrôna, (Các thánh tử đạo Việt Nam?)

- Ơn sùng hiếu: Agnes Montepulciano, Piô V, Raymunđô Penafort

- Ơn chỉ giáo: Antôninô

- Ơn thông hiểu: Đa Minh, Giaxintô

- Ơn thông minh: Catarina Siena

- Ơn khôn ngoan (thượng trí): Tôma Aquinô.


Theo chiều hướng đó, tại sao không phân tích các chân phúc của Dòng dựa theo các mối phúc thật?


Phụ trương II. Những cuộc phong chân phước (và hiển thánh) cho các phần tử thuộc Gia đình Đa Minh dưới thời đức Gioan Phaolô II (1978-)


Trong tháng 4 này, chúng ta sẽ kỷ niệm 25 năm giải phóng đất nước. Dù nói tốt hoặc nói xấu về biến cố này đi nữa, thực tế là từ hồi đó việc "giao lưu văn hóa" với thế giới bên ngòai đã bị hạn chế. Chắc là nhiều anh chị em không theo dõi được hết các cuộc phong chân phước và hiển thánh của Dòng. Kể cả Đám mây nhân chứng cũng chưa đuổi kịp! Để cập nhật hóa, xin ghi danh tánh các vị được đặt lên bàn thờ dưới thời vị đương kim Giáo hòang, cùng với ngày phong chân phước (hay phong thánh), năm qua đời, lễ kính.

A. Chân phước

- (24/2/1979) Margarita Ebner (k.1291-1351), confirmatio cultus, lễ kính 20/6

- (29/4/1979) Francesco Coll (1812-1875), lễ kính 19/5

- (26/10/1926) Bartolomeo Longo giáo dân (1841-1926), lễ kính 6/10

- (3/10/1982) Giovanni de Fiesole, Beato Angelico (+1451), lễ kính 18/2

- (2/2/1985) Anna de los Angeles Monteagudo (1602-1686), lễ kính 10/1

- (18/2/1981) Domingo Ibanez và đồng bạn tử đạo (+1633-37), lễ kính 28/9

- (25/11/1987) Robert Nutter tử đạo (1557-1600), lễ kính 27/7

- (20/5/1990) Pier giorgio Frassati, giáo dân (1901-1925), lễ kính 4/7

- (27/9/1992) Terence Albert O' Brien (+1651) và Peter Higgins (1642), tử đạo, lễ kính 30/10.

- (20/11/1994) Hyacinthe Cormier (1832-1916), lễ kính 21/5; Agnès de Jésus Galand (1602-1634), lễ kính 19/10; Marie Poussepin (1653-1744), lễ kính 14/10

- (10/10/1995) Jean Georges Rehm (1752-1794) tử đạo, lễ kính 12/8

- (24/11/1996) Catherine Jarrige (1754-1836), lễ kính 4/7

- (13/6/1999). Trong số 107 chân phước bị Đức Quốc xã sát hại trong thời Đệ nhị thế chiến, được Đức Gioan Phaolô II tôn vinh ngày 13/6/1999 tại Varsavia có 2 tu sĩ Đa Minh: 1/ Linh mục Michal Czartoryski. Sinh ngày 19/2/1897, vào dòng năm 1927, thụ phong linh mục năm 1931, làm giám sư các tập sinh và sinh viên tại Cracovia từ 1937 đến 1939. Bị quân Quốc xãbắn ngày 6/9/1944 vì đã giúp đỡ tinh thần cho các người bị thương và hấp hối trong cuộc nổi dậy ở Varsavia. 2/ Nữ tu Julia Rodzinska, sinh ngày 16/3/1899, mồ côi cha mẹ từ khi lên 8 và 10 tuổi, vào tập viện năm 18 tuổi. Năm 1922 chị được gửi đi làm giáo viên tại Vilnius (Lituania), và năm 1934, trở thành giám đốc một cô nhi viện mồ, được đặt tên là "bà mẹ các trẻ mồ côi". Chị bị bắt ngày 12/7/1943, và bị chuyển về Stutthof gần Danzig (số tù là 40992) chết trong trại tập trung Stutthof ngày 20/2/1945, vì bị mắc bệnh tifo khi đi giúp đỡ các nữ tù nhân Do thái. (Xem IDI số tháng 4 năm 1999)

B. Hiển thánh

- (18/10/1987) Tử đạo Nhật bản (được phong chân phước hồi 1981), lễ kính 28/9.

- (19/6/1988) Tử đạo Việt Nam, lễ kính 24/11.

- (2/5/1995) Zedislava (k.1220-1252), lễ kính 4/1.

- (1/10/2000?) Tử đạo Trung hoa. Dòng Đa Minh có 6 vị thừa sai Tây ban nha: + 2 giám mục: Petrus Martyr Sanz (1680-1747), Franciscus Serrano (1695-1748); + 4 linh mục: Franciscus Fernandez de Capillas (1607-1648), vị tử đạo tiên khởi tại Trung quốc; Joachimus Royo (1691-1748); Joannes Alcober (1694-1748), Franciscus Diaz (1713-1748).


Phan Tấn Thành, OP.