Giáo Dân Đa Minh

Print

on . Hits: 6284

Như đã nói ở bài một, người giáo dân, do hiệu quả của bí tích Rửa tội, được kêu gọi nên thánh và được tham dự vào ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Ki-tô. Họ thi hành các chức vụ này qua việc hội nhập vào những hoạt động mang tính cách trần thế để làm cho trần thế thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Họ được kêu mời đem Chúa Ki-tô hiện diện giữa các dân tộc và làm cho sứ điệp cứu độ được hết mọi người đón nhận (X. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, 3).

 
Việc nên thánh hệ tại Đức Ái, và Đức ái có thể biểu lộ đối với Chúa cũng như đối với tha nhân qua nhiều hình thức khác nhau. Từ những thế kỷ đầu của Hội thánh, đã có nhiều con đường nên thánh qua nhiều trường phái linh đạo, thường gắn liền với những gương lành hay lời giáo huấn của những vị sáng lập các dòng lớn mà Chúa Thánh Thần khơi dậy, để đáp ứng với những nhu cầu luôn thay đổi của Hội thánh. Các giáo dân khát khao sống đời Ki-tô hữu hoàn hảo hơn, cũng muốn áp dụng con đường tu đức của các trường phái linh đạo đó vào những hoàn cảnh cụ thể của bậc sống mình tuy không thể sống như các tu sĩ. Chẳng hạn, vào thời Trung cổ, thánh Biển Đức trong khung cảnh của xã hội nông nghiệp đã tìm ra một con đường nên thánh bằng việc tuân giữ kỷ luật đan tu, cầu nguyện và lao động, đón tiếp khách vãng lai?Nhiều giáo dân cư ngụ bên cạnh đan viện muốn tham dự đường lối nên thánh đó, đã có một Luật Sống riêng dựa vào linh đạo của thánh Biển Đức.

Vào thế kỷ XIII, lạc giáo Ca-ta-rơ (Cathares) xuất hiện tại miền nam nước Pháp lôi cuốn nhiều người tử bỏ đức tin chân chính của mình. Trong bối cảnh đó, thánh Đa Minh nhận thấy nhu cầu bức thiết của Giáo hội là cần có những người giảng thuyết để truyền bá và bảo vệ đức tin nên đã lập ra dòng Anh Em Thuyết giáo. Dần dà, các giáo dân cũng cảm thấy được thu hút do các công việc tông đồ và gương sáng của các tu sĩ và muốn được tham gia hoặc cộng tác với các ngài theo bậc sống mình. Từ đó phát sinh ra dòng ba, nghĩa là phong trào những người giáo dân gắn liền với anh em tu sĩ dòng nhất qua mối giây linh hướng, thích ứng linh đạo đó vào bậc sống của mình, họ cố gắng sống theo đặc sủng vị sáng lập ở trần gian mà họ coi như là tổ phụ và các bậc thầy của họ. Nói các khác, họ là những giáo dân cố gắng sống đời tu trong thế gian và cũng muốn trở thành phần tử của dòng đó.

Nấp bóng các tu viện Đa Minh, một số giáo dân theo nghĩa vừa nói, lúc đầu chưa gắn bó với dòng theo tính cách pháp lý, mà chỉ qua việc linh hướng, cộng tác trong các việc tông đồ và cảm tình đạo đức. Đến năm 1285, Cha Bề trên Tổng quyền Mô-ni-ô Za-mor-ra soạn thảo và công bố bản luật "Dòng Ba Đa Minh Hãm Mình". Từ lúc đó, anh chị em giáo dân trở thành phần tử thực thụ của Dòng Thuyết giáo. Họ được gia nhập dòng qua lời tuyên hứa vâng phục Bề Trên Tổng quyền. Từ đó họ được hiệp thông vào những ân huệ thiêng liêng của dòng, được chia sẻ sứ vụ tông đồ, cũng như có quyền được mặc áo dòng và nhất là tự buộc mình sống đoàn sủng của dòng tuy vẫn ở bậc giáo dân.

Đó chính là tư tưởng mà Giáo hội ngày hôm nay đã đề cập đến khi nói về dòng Ba. Thực vậy, Bộ Giáo Luật định nghĩa dòng Ba như sau : "Các dòng Ba hay những tên tương tự là những hiệp hội, trong đó các phần tử sống đời tông đồ với mục đích tiến tới việc nên hoàn thiện qua việc thông phần đặc sủng của dòng nhưng vẫn sống ở giữa trần gian, dưới sự hướng dẫn của chính dòng đó" (số 303). Vì thế, giáo dân Đa Minh là những người khát khao nên thánh và làm việc tông đồ ở giữa thế gian, lấy hứng khởi từ đặc sủng của Dòng Đa Minh, được hướng dẫn do dòng hoặc do người đại diện của dòng trong những Huynh Đoàn mà họ là thành phần.

Nếu đó là bổn phận của giáo dân, thì mặt khác phía dòng cũng phải có bổn phận một khi đã đón nhận họ như những người con và người em của mình. Điều 677 của Bộ Giáo Luật nói tiếp như sau : "Các dòng nào có các hiệp hội giáo dân được kết nạp, thì hãy giúp đỡ họ cách chuyên cần đâc biệt, để họ được thấm nhuần tinh thần tinh túy của Dòng". Đó là những điều mà chúng ta sẽ học hỏi trong những bài sắp tới.
 
Câu hỏi:

1.Qua bí tích Rửa tội, người giáo dân có bổn phận nào đối với trần thế ? Tại sao ?
2.Trong lịch sử Hội Thánh, người giáo dân muốn sống hoàn thiện thường theo đường lối nào ?
3.Nguồn gốc người giáo dân Đa Minh được hình thành như thế nào ?
4.Người giáo dân dòng Ba có chỗ đứng nào trong Giáo Luật ?
5.Theo Giáo Luật, Dòng có bổn phận nào đối với người giáo dân được kết nạp vào dòng ?