Ơn Gọi

Print

on . Hits: 6084

Qua bí tích Rửa tội, tất cả các Kitô hữu đều được tháp nhập vào Đức Kitô và trở thành chi thể sống động của Nhiệm Thể Người là Hội Thánh. Dầu là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tất cả đều lãnh nhận và chia sẻ cùng một ơn gọi chung là phải nên thánh. Vì thế người giáo dân cũng như các phần tử khác của dân Chúa đều được gọi nên thánh (x. Hiến chế Hội thánh sốá 40 và 42; Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân số 16).


Để nên thánh, chúng ta không cần phải làm những chuyện to lớn vĩ đại. Đàng khác, không phải ai cũng có thể làm những công tác vĩ đại và không phải mọi người đều có thể thực hành những việc khổ chế lớn lao hay là làm phép lạ. Đức Giê-su đã trả lời cho một người chất vấn con đường để được nên trọn lành là " Anh phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình" (Mt 22,37-39; Mc 12,30). Thánh Phao-lô đã khẳng định rằng dù nói được ngôn ngữ của các thiên thần và loài người, dù thực hiện được bao nhiêu việc lớn lao kể cả chịu tử đạo mà thiếu đức ái thì những việc đó chẳng có giá trị gì (1 Cr 13,1 tt). Thánh Gio-an thêm rằng chỉ có ai ở trong Đức ái thì người đó ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người đó (1Ga 4,12).

Do mặc khải, chúng ta biết rằng sự thánh thiện hệ tại ở Đức ái. Các nhà thần học đã đưa ra những lý lẽ sau đây:

Lý do 1: Đức ái là nhân đức đối thần hoàn hảo hơn hết, bởi vì nhân đức đó hướng đến chính Thiên Chúa chứ không phải đến các lời mặc khải của Chúa như trong Đức tin, hoặc những lời hứa của Chúa như trong Đức cậy.

Lý do 2 : Đức ái là mô thức của tất cả các nhân đức khác nghĩa là Đức ái làm cho các nhân đức khác nên hoàn hảo và làm cho chúng trở nên có công nghiệp trước mặt Chúa.

Lý do 3: Đức ái là một nhân đức bao gồm tất cả mọi nhân đức khác, xét vì ai yêu mến Thiên Chúa, thì vì lòng mến Chúa, họ đón nhận Lời Chúa mạc khải, hy vọng vào lời hứa của Người và tuân hành tất cả những giới răn của Người.

Lý do 4: Nhất là vì Đức ái phần nào tiên báo trước tuy một cách bất toàn - sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa mà chúng ta sẽ được ở trên trời mà hiện nay chúng ta đang cảm nghiệm phần nào ở dưới đất . Chúng ta có thể thấy Chúa ở trong mọi vật được Chúa tạo dựng, thấy Chúa hiện diện trong các biến cố và nhất là thấy Chúa ở trong mọi người được Chúa nhậân là con cái; và do đó họ trở thành anh em của chúng ta.

Người giáo dân cần thể hiện ơn gọi mến Chúa và tha nhân đó một cách đặc biệt qua việc dấn thân vào những thực tại trần thế và tích cực tham gia vào những hoạt động ở đời này(x. Th. NKHGD 17). Thánh Phao-lô đã nói: "Tất cả những gì anh em làm bằng lời nói và việc làm, hãy làm tất cả nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà tạ ơn Chúa Cha" (Cl 3,17). Công đồng Va-ti-ca-nô II khi áp dụng lời này vào các giáo dân đã khẳng định rằng việc săn sóc gia đình, các công tác trần thế không thể nào bị gạt ra bên lề đời sống thiêng liêng của các giáo dân (Sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân số 4) và Tông huấn Người Ki-tô Hữu Giáo Dân còn nói rõ hơn nữa là các người giáo dân cần phải nên thánh bằng cách sống trong thế gian và làm việc cho trần gian( số 17)

Người giáo dân, qua bí tích rửa tội, được tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Ki-tô như lời Thánh Phê-rô đã nói (1Pr 2,4) và Công đồng Va-ti-ca-nô II đã làm nổi bật điều đó. Họ được Thiên Chúa dùng như những viên đá sống động để xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa, và họ cũng như bao nhiêu người khác được Đức Giê-su mời gọi như đã mời gọi các thợ vào vườn nho.

Thánh Lê-ô Cả đã nói : "Hỡi người Ki-tô hữu hãy nhận thức phẩm giá của mình" và Thánh Ma-xi-mô Giám mục Tô-ri-nô đã nói với các người tân tòng rằng: " các bạn hãy xét tới vinh dự mà các bạn đã nhận được qua nhiệm tích này". Thánh Au-gus-ti-nô cũng có thể nói với từng giáo dân ngày hôm nay :"Anh em hãy vui lên và hãy tạ ơn bởi vì không những anh em là những Ki-tô hữu mà anh em chính là Đức Ki-tô".

Như vậy người giáo dân cũng như các tu sĩ và linh mục đều được ơn gọi sống thánh thiện bằng những phương thế và hoàn cảnh khác nhau. Tất cả đều được mời gọi làm việc trong vườn nho Chúa.
 
Câu hỏi
 
1. Qua bí tích Rửa tội, người Ki-tô hữu được tháp nhập vào đâu? Họ cùng chia sẻ một sứ mệnh và ơn gọi nào? Nên thánh là bổn phận của ai ?
2. Chúa Gie-âsu đã dạy chúng ta phải làm việc gì để nên trọn lành? Theo Thánh Phao-lô, Đức ái có tầm quan trọng như thế nào trong đời sống Ki-tô hữu?. Thánh Gio-an cho biết : người sống Đức ái là người thế nào ?
3. Các nhà thần học đã đưa ra bốn lý do nào để chứng minh sự thánh thiện hệ tại Đức Ái ?
4. Ơn gọi nên thánh của người giáo dân khác với ơn gọi của người tu sĩ ở chỗ nào ? Công Đồng Va-ti-ca-nô II khẳng định ơn gọi nên thánh của người giáo dân mang tính cách nào ? Giải thích.
5. Theo thư Thánh Phê-rô, người giáo dân qua bí tích rửa tội được tham dự vào ba chức vụ nào của Chúa Ki-tô ? Họ được Thiên Chúa dùng làm gì trong Hội Thánh ?  
6. Mỗi người Ki-tô hữu cần biết quý trọng phẩm giá của mình thế nào ?