Tinh Thần Cầu Nguyện

Print

on . Hits: 6327

Thánh Đa Minh đã muốn cho dòng mình duy trì đời sống Phụng vụ và Cầu nguyện giống như đời sống của các dòng đan tu chiêm niệm. Tuy nhiên, trong khi các dòng đan tu coi việc Phụng vụ chung như phương tiện để nên thánh cho bản thân, Thánh Đa Minh lại muốn coi đó như phương tiện để các tu sĩ của mình đạt tới mục đích tốt đẹp hơn là rao giảng và cứu rỗi các linh hồn. Ngài thâm tín rằng nhà giảng thuyết sẽ không đạt tới những hiệu quả siêu nhiên nếu không xuất hiện trước mặt người đời như là những người nói về Thiên Chúa sau khi đã hàn huyên cầu nguyện lâu giờ với Chúa, và việc rao giảng chỉ có thể cứu rỗi các linh hồn khi có ơn thánh Chúa trợ giúp. Ơn thánh này chỉ có thể đạt được qua việc cầu nguyện, nhờ đó nhà giảng thuyết có thể soi sáng và đánh động tâm hồn thính giả.


Điều vừa nói trên đây đúng đối với mọi hình thức cầu nguyện nhưng cách riêng đối với việc tham gia các lễ nghi Phụng vụ và nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong thánh đường. Vì việc đó được diễn ra trong nơi cực thánh trước sự hiện diện của Chúa Giê-su Thánh Thể, được dưỡng nuôi qua Lời Chúa trong Kinh Thánh, và được trở nên sống động nhờ những nghi lễ giúp chúng ta tham gia bằng toàn thể con người. Chính vì thế mà Thánh Đa Minh, tuy đã để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện tư, Ngài vẫn dành ưu tiên cho Kinh nguyện cộng đoàn mà Ngài coi đó như là một trong bốn phương tiện chính yếu của dòng.

Các giáo dân thời trước, phần đông là mù chữ, trong khi Kinh Thần vụ lại bằng tiếng La tinh. Vì vậy, bản luật đầu tiên của Dòng Ba qui định các thành viên khi muốn tham gia vào đoàn sủng Dòng mà không thể đọc kinh nguyện bằng tiếng La tinh được thì có thể thay thế bằng việc đọc một số Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Khi đọc những kinh đó, họ phải cố gắng duy trì giờ giấc kinh nguyện như là của các tu sĩ, nghĩa là kể cả việc thức đêm. Ngày hôm nay điều kiện văn hóa đã thay đổi, bản luật Dòng Ba năm 1923 tuy vẫn còn duy trì bổn phận cổ truyền đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, đã cho phép các thành viên có thể thay thế bằng Kinh Thần vụ kính Đức Mẹ hay lần hạt Mân côi.

Hiện nay, Luật Sống Huynh Đoàn (Luật Chung) đề ra những nguồn mạch cầu nguyện chính yếu giúp người giáo dân Đa Minh múc lấy năng lực để có thể thăng tiến ơn gọi của mình là "Nguyện kinh Thần vụ với gia đình Đa Minh, cầu nguyện riêng, suy gẫm và đọc Kinh Mân côi" (Luật Chung số 10) và Luật Riêng các số 5,6,10 cũng qui định những phương thế cầu nguyện giúp chúng ta nuôi dưỡng đời sống kết hợp với Chúa, thông hiệp với Giáo hội và với Dòng là "Nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ chung với nhau tại nhà thờ hay nơi thích hợp, nếu không thể được thì suy niệm và đọc Kinh Mân côi". Chúng ta cũng hãy trung thành trong việc đọc và suy niệm Lời Chúa, thực hành việc cầu nguyện riêng và đọc sách đạo đức.
Tóm lại, giáo dân Đa Minh được mời gọi trau dồi tinh thần cầu nguyện dưới bất cứ mọi hình thức, nhưng cần dành ưu tiên cho việc nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Vì thế :

a. Hằng ngày, hãy cố gắng nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nếu có thể được hãy đọc chung với nhau trong nhà thờ.
b. Nếu không thể nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ chung hay riêng được thì ít nhất là đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, bởi vì đó là một việc đạo đức truyền thống của Dòng Đa Minh.
c. Trong hết mọi buổi họp của Huynh Đoàn, cần khai mạc và kết thúc bằng việc đọc một giờ kinh tương ứng. Các Đoàn Trưởng Huynh Đoàn cần phải cố gắng cho việc này được thực hiện một cách xứng đáng và long trọng.