Học Hỏi

Print

on . Hits: 6115

Trong các bài trước, chúng ta đã học được ba "cột trụ" được coi như ba phương tiện chính yếu để sống ơn gọi Đa Minh là sống cộng đoàn, tinh thần cầu nguyện, tinh thần khổ chế mà thánh Đa Minh đã lấy lại từ truyền thống đan viện và thích nghi những điều đó cho phù hợp với mục tiêu của Dòng là giảng thuyết và cứu độ các linh hồn.

Ngoài ra, còn một "cột trụ" nữa được coi như một điều mới lạ hoàn toàn trong Giáo hội và các dòng tu thời đó mà Thánh Đa Minh đã đem vào trong Dòng, đó là việc học hành. Đối với một dòng được thành lập để giảng thuyết và bảo vệ đức tin, thì sự học hỏi thần học không thể không trở thành một phương tiện thiết yếu cho các nhà giảng thuyết tương lai. Thánh Đa Minh đã thay thế công tác lao động chân tay bằng nghĩa vụ học hành và đó chỉ là một hệ quả tất nhiên của mục tiêu mới mà Thánh Đa Minh đã muốn mang lại cho Dòng mình : "Theo Hiến pháp cổ truyền, các anh em phải học ngày đêm, ở nhà cũng như khi đi đường, phải cố gắng đọc hay suy gẫm một điều gì đó và phải cố gắng nhớ lại trong ký ức."


Để có thể thích hợp với Dòng, các hội viên Dòng Ba cũng cần phải đặt ra cho mình một nghĩa vụ học hành những chân lý mà họ cần phải thông truyền và giảng dạy lại cho người khác. Bản luật đầu tiên tuy không nói rõ ràng về sự học hành của thành viên, lý do vì vào lúc đó đa số giáo dân còn tình trạng mù chữ. Tuy vậy,
nghĩa vụ học hành cũng được hiểu ngậm khi bản luật buộc các thành viên phải năng tham dự các buổi họp của Huynh Đoàn để nghe các tu sĩ giảng dạy và chúng ta có thể thấy đây là một sự học bằng cách nghe hơn là bằng sách vở, một điều mà vào thời đó không thể thực hiện được.

Mãi đến thời đại chúng ta bản luật Dòng Ba mới truyền đưa việc học hành vào bản luật, chẳng hạn vào năm 1964 bản luật đã viết như sau : "Trong tinh thần của Anh em thuyết giáo, các hội viên dòng ba hãy nhiệt tâm học hành chân lý, dưới sự hướng dẫn của Thánh Tô-Ma, tùy theo khả năng của họ, để mà đạt tới sự chiêm niệm phong phú hơn và thi hành việc tông đồ chân lý là điều riêng của họ. Cách riêng, các hội viên dòng ba hãy chú tâm tìm hiểu học thuyết xã hội của Giáo Hội" . Bản Luật Sống hiện tại cũng lặp lại những điều đó : "Là thành viên của Dòng, chúng ta tham dự vào sứ vụ tông đồ của dòng bằng việc học hành ?." ( số 4) và "Giáo dân Đa Minh chuyên cần học hỏi chân lý và luôn suy tư về những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Đức Tin" (số 10). Để làm được việc này, Dòng nhờ hay gởi gắm mỗi Huynh Đoàn cho một vị linh hướng để thường xuyên huấn luyện các thành viên trong vấn đề đạo lý và đời sống thiêng liêng (số 21c) trong đó nhấn mạnh đến việc đào tạo văn hóa và học vấn.

Luật Riêng của Huynh Đoàn Giáo Dân Việt Nam chúng ta cũng nói về việc học một cách chi tiết hơn. Thứ nhất : theo gương các tu sĩ Đa Minh trong mỗi tu viện có một vị khuyến học, mỗi Huynh Đoàn cũng phải có một vị huấn đức, vị này có nhiệm vụ tạo cơ hội và khuyến khích mọi người - nhất là những anh chị em trong thời gian huấn luyện - tích cực tham gia những buổi học hỏi và trao đổi. Thứ hai : Luật Sống đưa ra một chương trình huấn luyện tiến cấp qua các giai đoạn huấn luyện để học hỏi về Lời Chúa, giáo lý Hội Thánh, ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân theo ánh sáng của đoàn sủng Thánh Đa Minh và Thánh nữ Ca-ta-ri-na, về tinh thần dòng, những dấu chỉ thời đại?? Thứ ba: trước khi bước vào một giai đoạn mới, mỗi thành viên đều phải qua một cuộc khảo hạch (số 46,48,67). Thứ tư : theo gương các tu sĩ Đa Minh, người giáo dân cũng phải quí chuộng việc học hành và phải khắc phục khi gặp khó khăn, vì theo tinh thần dòng, đó là một hình thức khổ chế thực sự (số 21) hơn là việc ăn chay đánh tội như ngày xưa.Ngoài ra, mỗi Huynh Đoàn nên có một tủ sách để các thành viên có thể nghiên cứu học hỏi thêm để có thể sống đúng và thi hành ơn gọi của mình.

Tóm lại, người giáo dân Đa minh cần phải trở thành không những là một con người cầu nguyện mà còn là một con người học hỏi nữa. Nét khác biệt giữa Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh với các tập thể ở chỗ chúng ta là một cộng đoàn học hỏi. Nhờ việc học hỏi Kinh Thánh và giáo lý và các vấn đề thời đại, chúng ta đạt tới sự hiểu biết Thiên Chúa sâu đậm hơn, cũng như nhận ra tác động của Thiên Chúa trong lịch sử và trong các linh hồn, nhờ đó mà kinh nguyện, chiêm niệm và công tác tông đồ được nuôi dưỡng.