Đời Sống Chiêm Niệm

Print

on . Hits: 7160

Trong bài số 3, khi đề cập đến đoàn sủng của Dòng, chúng ta đã thấy lý tưởng đầu tiên của Thánh Đa-Minh khi thành lập dòng là để đáp ứng với nhu cầu của Họi Thánh và các linh hồn. Chúng ta đã biết đoàn sủng của Dòng là lấy việc giảng thuyết làm mục tiêu và lấy bốn phương tiện chính yếu là sống đời sống cộng đoàn, tuân giữ kỷ luật tu trì, tham gia việc cầu nguyện cộng đoàn, và siêng năng học tập.

 

Tuy nhiên, một dòng tu không phải là một cơ thể cứng nhắc nhưng là một cơ thể sống động. Vì thế, qua dòng thời gian, mỗi dòng vẫn tiếp tục tăng triển nhờ việc đóng góp thêm vào đoàn sủng khởi đầu bằng những yếu tố mới, bằng kinh nghiệm mới của các con cái danh tiếng trong dòng. Đó là qui luật phát triển tự nhiên. Linh đạo của một dòng, hay hiểu một cách rộng rãi hơn là tinh thần của một dòng được hình thành do việc phát triển ơn đoàn sủng dòng bao gồm ơn linh hứng đầu tiên của vị tổ phụ và sức sống của truyền thống của dòng đó. Giáo Luật số 677 khoản 2 đã khuyến cáo các hội dòng nào có các hiệp hội giáo dân có nghĩa vụ phải chuyên cần huấn luyện các hội viên được thấm nhuần tinh thần tinh túy của dòng. Là giáo dân Đa-Minh, chúng ta cần thấm nhuần tinh thần dòng được Thánh Tô-Ma tóm lại trong khẩu hiệu : Chiêm niệm và trao cho người khác điều mình đã chiêm niệm (Contemplare,contemplata aliis tradere praedicatorum).

Thánh Tô-Ma đã phân biệt đời sống tu trì gồm có đời sống hoạt động, nghĩa là hướng tới những công tác bác ái đối với tha nhân, và đời sống chiêm niệm, hướng tới việc cầu nguyện và học hỏi những chân lý thánh. Ngài sắp xếp Dòng của mình không phải vào loại hoạt động nhưng vào loại chiêm niệm và coi đó như là hoàn hảo hơn. Theo Thánh nhân : "cũng như chiếu sáng thì hoàn hảo hơn cháy rực, việc trao cho người khác những chân lý đã chiêm niệm thì tốt hơn là chỉ có chiêm niệm những chân lý đó". Điều này trước đó chưa được phát biểu nhưng từ Thánh Tô-Ma đã trở thành lý tưởng của Dòng, bởi vì Dòng đã muốn duy trì đời sống chiêm niệm của các đan tu qua việc duy trì những yếu tố căn bản và cộng thêm việc học vấn thay thế cho lao động chân tay nhắm tới việc chiêm niệm. Mặt khác, công thức của Thánh Tô-Ma thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm niệm coi như là một lời phát biểu khác về công thức sống của Thánh Đa-Minh là luôn luôn nói với Chúa và nói về Chúa.

Anh chị em giáo dân Đa Minh cũng phải thấm nhần tinh thần Đa Minh, vì thế, Luật chung nhắc nhở rằng họ cần phải nhớ rằng "hoạt động tông đồ phải được trào ra từ sự sung mãn của việc chiêm niệm" (số 7), và số 10 đã khẳng định rằng ơn kêu gọi của người giáo dân đồng thời vừa là chiêm niệm vừa làhoạt động tông đồ, hai điều đó không thể tách rời nhau được. Anh chị em giáo dân Đa Minh cần nhớ rằng mình là thành phần của một dòng đã được xếp vào hàng những dòng chiêm niệm.
Người giáo dân có thể khó hiểu : làm sao một người sống giữa thế gian mà có thể thực hành việc chiêm niệm được ? Thánh Tô Ma giải đáp thắc mắc đó như sau : "Việc phân biệt giữa đời sống hoạt động và đời sống chiêm niệm không phải nằm ở chõ phân biệt thời gian dành cho việc cầu nguyện hay là dành cho việc học hành cho bằng biết qui hướng tất cả cuộc sống mình về Thiên Chúa thay vì định hướng các công việc theo kiểu loài người. Làm tất cả mọi sự cho Chúa, kết hợp với Chúa, nhìn thấy Chúa trong mọi sự kể cả những việc làm cho người khác thì đó chính là một hành vi chiêm niệm".

Ngoài ra, chúng ta biết rằng người giáo dân Đa Minh khi sống giữa trần thế, họ cần phải nói với người khác về Thiên Chúa. Theo Thánh Tô Ma, việc nói về Thiên Chúa không phải là hành vi chỉ giúp cho người nghe mà còn giúp cả cho người nói nữa. Bởi vì khi nói về Thiên Chúa thì tất nhiên cũng cần phải nói với Chúa và do đó, là một hành vi chiêm niệm chứ không phải chỉ là hoạt động. Nói cách khác, người giáo dân Đa Minh khi thực hiện những hành vi bắt nguồn từ đoàn sủng của Dòng tức là những hành vi dưới một dạng thức nào đó thì không ngừng là một nhà chiêm niệm.

Tóm lại, các giáo dân Đa Minh cần phải nhớ rằng mình thuộc về một dòng chiêm niệm và vì thế phải cố gắng sống việc chiêm niệm giữa thế gian. Nếu chúng ta làm những công tác chỉ do sự thúc đẩy hoạt động mà không bắt nguồn từ một đời sống nội tâm sâu xa thì chúng ta chỉ là những người Đa Minh xoàng hay tệ hơn nữa, chúng ta có thể là nhà giảng thuyết thông thái, hùng biện nhưng đó chỉ là những tiếng thanh la kêu phèng phèng mà không sinh ích gì cho đời sống mình.âu hỏi1. Nhắc lại tinh thần và đoàn sủng của dòng Đa Minh là gì ? Đâu là 4 phương tiện chính yếu để sống ơn đoàn sủng dòng 

2. Linh đạo một dòng tu được hình thành từ những yếu tố nào ? Đâu là khẩu hiệu tóm tắt linh đạo của dòng Đa Minh ?

3. Theo Thánh Tô Ma, dòng Đa Minh được xếp vào hoạt động hay chiêm niệm ? Giải thích lý do ?

4. Luật sống đề cập đền việc chiêm niệm của người giáo dân Đa Minh như thế nào ?

5. Thánh Tô Ma giải đáp thế nào với người thắc mắc rằng người sống giữa thế gian làm sao có thể thực hành việc chiêm niệm được ?

6. Chúng ta có thể trở thành người chiêm niệm khi làm việc tông đồ được không ?

7. Tinh thần chiêm niệm giúp cho việc giảng thuyết như thế nào ?