Tinh Thần và Đoàn Sủng

Chúng ta đã biết : giáo dân Đa Minh là những anh chị em giáo dân khát khao nên thánh và thi hành công tác tông đồ trong trần thế "qua việc tham gia vào tinh thần và đoàn sủng của Dòng Đa Minh". Đoàn sủng của một Dòng nghĩa là ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần ban cho Đấng sáng lập và được Giáo hội chấp thuận. Điều đó dẫn đưa tới việc bắt chước Đức Ki-tô một cách mới mẻ và đặc biệt, và thể hiện một lối sống mầu nhiệm Đức Ki-tô cách thích hợp với nhu cầu của thời đại. Đối với Dòng Đa Minh, với danh hiệu chính thức là Dòng Anh Em Thuyết Giáo, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay rằng đoàn sủng của Dòng là việc giảng thuyết.

Thánh Đa Minh đã trực giác thấy một nhu cầu cần phải có trong Giáo hội một Dòng hoàn toàn dấn thân vào việc giảng thuyết, xét vì các đan sĩ và các linh mục triều, với những lý do khác nhau, vào thời của Ngài đã không được phép giảng. Vào năm 1205, khi tháp tùng Đức cha Đi-ê-gô du hành sang Đan Mạch, Thánh Đa Minh đã gặp gỡ một người lạc giáo Ca-ta-rơ (Cathares) trong một quán trọ; Ngài đã làm cho anh ta trở lại đức tin chân chính sau một đêm tranh luận. Điều đó làm bật lên trong Ngài một ý tưởng : cần phải có nhiều người chuyên tâm giảng dạy đạo lý Tin Mừng cho tha nhân để họ khỏi bị những người lạc giáo lôi kéo vào con đường lầm lạc. Theo cha La-coóc-đe (Lacordaire), chính trong đêm ấy Dòng đã được cưu mang.

Tuy nhiên, Dòng chỉ được sinh ra khoảng mười năm sau đó. Đang khi thi hành công việc rao giảng Tin Mừng chống lại lạc giáo tại Pháp, Thánh Đa Minh đã qui tụ một vài linh mục đồng chí hướng và thực hiện ước nguyện xin phép Tòa Thánh được thành lập một Dòng chuyên lo việc Rao Giảng. Nguyện vọng của Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-ô III chấp thuận ngày 22.12.1216 với lời châu phê cho phép thành lập Dòng với mục đích "chuyên tâm tìm hiểu Lời Chúa và loan truyền danh Đức Ki-tô Chúa chúng ta khắp thế giới?". Bản Hiến pháp đầu tiên của Dòng, được Tổng Hội đầu tiên họp ở Bô-lô-nha (Bologna) vào năm 1220 khẳng định đoàn sủng của Dòng với những lời sau : "Dòng chúng ta được thtết lập một cách đặc biệt nhằm để giảng thuyết và cứu độ các linh hồn. Vì thế, hết mọi hoạt động của chúng ta cần phải nhắm tới mục đích : Mưu ích cho linh hồn tha nhân".

Tuy nhiên, danh từ "giảng thuyết" vào thời Thánh Đa Minh không có nghĩa hẹp như thời nay, nghĩa là giảng dạy Lời Chúa trong nhà thờ trong thánh lễ là việc thường dành cho các linh mục và phó tế. Vào thời Thánh Đa Minh, giảng thuyết cũng còn có nghĩa là giảng truyền Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn qua việc nghiên cứu và giảng dạy. Vì vậy, các tu sĩ Đa Minh không cảm thấy mình phản bội với đoàn sủng của Dòng khi không những rao giảng từ các tòa giảng trong nhà thờ mà còn đi dạy thần học nữa.

Thánh Đa Minh cũng thúc đẩy các nữ tu (lúc đó là các nữ đan sĩ) tham gia vào việc giảng thuyết, bằng cách thiết lập nơi giảng thuyết ngay tại đan viện của họ để nhờ họ cầu nguyện mà việc giảng dạy đạt nhiều hiệu quả. Ngài cũng còn khơi dậy hay cổ võ giáo dân hợp tác vào việc này để nhiều linh hồn được trở về với Chúa. Vì thế, bản Luật Sống đầu tiên của Dòng Ba (1285) đã khuyến khích hội viên hãy trở nên "một người nhiệt thành bảo vệ chân lý đức tin Công giáo, theo cách thức riêng của mình". Như vậy, ngay từ thế kỷ thứ XIII, người giáo dân Đa Minh đã được khuyến khích trở thành nhà giảng thuyết theo cách tức riêng của mình, nghĩa là hãy đem ra thực hành ơn gọi của một người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Luật Sống hiện nay (Luật Chung) trong các số 1, 4, 5, 9, 11, 12 luôn lập lại điều đó. Qui chế Huynh Đoàn Đa Minh Việt Nam (Luật Riêng) số 23 xác định : "Ngay từ đầu khi nhận nếp sống của các tông đồ, Thánh Đa Minh đã mời gọi và qui tụ nhiều người thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa làm nên một cộng đoàn thuyết giáo có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ của các Ngài, loan truyền Danh Thánh Chúa Ki-tô đến tận cùng thế giới và qui tụ muôn dân thành một đoàn chiên duy nhất".

Nếu gần đây Giáo hội muốn nêu bật việc rao giảng Tin Mừng là một nghĩa vụ của tất cả các ki-tô hữu, thì người giáo dân Đa Minh đã coi đó là một nghĩa vụ của mình từ lâu, bởi vì họ là phần tử của một Dòng đã được lập ra để giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Đó chính là con đường mới được mở ra trong Giáo hội, nhưng Thánh Đa Minh, theo gót các thánh tông đồ, đã thực hiện công việc đó từ lâu để cứu rỗi các linh hồn. Và đó là con đường mà người giáo dân Đa Minh được kêu gọi hãy đi theo, bởi vì đây là đoàn sủng mà họ được tham gia.
 
Câu hỏi:

1. Ơn đoàn sủng của một Dòng là gì ? Ơn đó mang lại hiệu quả gì ? Đoàn sủng của Dòng Đa Minh là gì ?
2. Thánh Đa Minh đã có ước nguyện lập Dòng Giảng Thuyết trong trường hợp nào ?
3. Khi Đức Giáo Hoàng chấp thuận cho Thánh Đa Minh lập Dòng, Ngài đã muốn cho Dòng chuyên tâm làm việc gì ? Tổng Hội đầu tiên của Dòng khẳng định đoàn sủng của Dòng là gì ?
4. Việc giảng thuyết trong Dòng Đa Minh bao gồm những việc gì ?
5. Thánh Đa minh mời gọi các nữ tu và giáo dân tham gia vào đoàn sủng của Dòng thế nào ? Luật Chung và Luật Riêng của Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện đoàn sủng của Dòng thế nào ?
6. Đoàn sủng của Dòng Đa Minh thích hợp với vai trò của người giáo dân trong Giáo hội hiện nay như thế nào ?