Góc Nhìn Mục Vụ - Tìm Hiểu Lịch Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo

  • 12 January 2018 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Hằng năm vào cuối tháng 11 sang đầu tháng 12 Dương lịch, Gíáo hội Công Giáo bắt đầu năm phụng vụ mới. Đang khi ngày tháng năm dương lịch cũ kết thúc vào ngày 31.12., và năm dương lịch mới bắt đầu từ ngày 01.01. Tại sao lại có hai cách tính hay sắp đặt hai niên lịch chồng chéo nhau như vậy, và đâu là ý nghĩa của việc này?



1. Năm Dương lịch và năm phụng vụ

Năm mới dương lịch bắt đầu vào ngày 01.01. và kết thúc năm vào ngày 31.12., ngày này còn có tên là ngày Silvester. Cách tính năm dương lịch với 12 tháng từng năm cùng có bốn mùa Xuân Hạ, Thu, Đông căn cứ trên chu kỳ của trái đất địa cầu luân chuyển xoay quanh mặt trời. Như thế, năm dương lịch có liên quan chặt chẽ với công trình sáng tạo của thiên nhiên.

Còn lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo theo khía cạch đạo đức thần học căn cứ dựa trên công trình cứu chuộc thiên nhiên, mà Chúa Giêsu Kitô đã một lần mang đến cho vũ trụ. Vì thế lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo mừng kính công cuộc cứu chuộc thiên nhiên của Chúa Giêsu Kitô, và lấy ngày Chúa Giêsu sinh ra trên trần gian làm mốc điểm năm của Chúa, năm của ơn cứu chuộc. Như thế tính đến nay là 2018 năm sau Chúa Giêsu Kitô giáng sinh.

Trong cách tính năm dương lịch chung trong đời sống xã hội cho cả thế giới khắp năm châu bốn bể ngày nay cũng dựa theo thời điểm Chúa giáng sinh làm mốc chốt, niên đại lịch sử ghi trước hoặc sau Chúa giáng sinh. Lẽ dĩ nhiên Do Thái giáo, hay Hồi giáo vẫn giữ niên lịch theo tôn giáo văn hóa của riêng họ. Nhưng niên lịch đó không mang tính cách quốc tế phổ thông trong toàn thế giới, như theo niên lịch của Kitô giáo. Và trong qúa khứ, như thời Napoleon, thời Stalin hay cả dưới thời cộng sản Đông Đức, đã có những cố gắng, những thử nghiệm đặt ra cách tính niên lịch mới khác, nhưng cho tới nay đều không thành công.
Có thể nói, niên lịch theo chu kỳ sáng tạo trong thiên nhiên và niên lịch theo ơn cứu độ, năm tháng theo Dương lịch và lịch phụng vụ đều song song với nhau như những ngón tay của đôi bàn tay đan quyện vào nhau.

2. Trong tương quan với Do Thái giáo

Lịch phụng vụ Giáo Hội Công Giáo dựa theo sát lịch của Do Thái giáo. Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh vào thập gía trước ngày lễ Vượt qua theo Do Thái giáo. Người công giáo mừng kính ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết ngày thứ sáu tuần thánh. Đạo Công Giáo mừng lễ Chúa Giêsu phục sinh và ngày lễ Vượt qua chung với Do Thái giáo, ngày đó là ngày trăng tròn thứ nhất của mùa Xuân. Theo Do Thái giáo niên lịch và những ngày lễ được tính theo tuần mặt trăng, nên ngày lễ Chúa Giêsu phục sinh và lễ Vượt qua thay đổi tới lui mỗi năm mỗi khác.

Lễ Vượt qua là lễ mừng ơn cứu chuộc. Lễ này tưởng nhớ đến dân Do Thái ngày xưa được Thiên Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ bên Ai Cập cho trở về quê hương Do Thái.

Lễ phục sinh là ngày lễ mừng ơn cứu chuộc Chúa Giêsu Kito mang đến sự giải thoát khỏi ách sự chết vì tội lỗi cho toàn thể địa cầu.

Người Do Thái khắp nơi trên thế giới, 50 ngày sau lễ Vượt qua mừng lễ Ngũ Tuần. Cũng vậy 50 ngày sau lễ Chúa Giêsu phục sinh, người Công Giáo mừng lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ này nhắc nhớ đến ngày khai sinh Giáo Hội Chúa ở trần gian. Thần khí Chúa là động cơ đem sức sống, sức năng động sự sống trong Giáo Hội.

Giáo Hội Công Giáo còn mừng kính lễ một Chúa Ba Ngôi. Lễ này nói đến trong vũ trụ, trong đời sống con người Thiên Chúa hiện diện trong ba cách thế: Thiên Chúa, Đấng tạo hóa, Đức Chúa Cha, Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian, Chúa Giêsu Kitô và Thiên Chúa, Đấng là thần khí sự sống, Đức Chúa Thánh Thần. Ba vị mà là một Thiên Chúa. Nhưng Do Tháo giáo và Hồi giáo không chia xẻ qua niệm này.

Nhưng dẫu thế, vẫn còn chưa có ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu, Đấng khai sinh sáng lập ra đạo Công Giáo.

3. Lễ ánh sáng mặt trời công chính

Khởi đầu Giáo Hội mừng lễ Chúa Phục sinh và lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhưng mãi đến năm 330 mới chính thức mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh xuống thế làm người. Lý do vì sau khi Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội Chúa được loan truyền đi khắp nơi rộng rãi, nhưng lại gặp phải hoàn cảnh bị cấm cách bắt bớ của vua chúa thời đế quốc Roma trong suốt ba thế kỷ. Đến năm 311 Vua Constantinô của đế quốc Roma ra chiếu chỉ công nhận đạo Công Giáo được tự do trong toàn đế quốc. Từ lúc đó người Công Giáo mới chính thức mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh.

Giáo hội Công giáo chọn lấy ngày 25.12, ngày người Roma thời đó làm ngày lễ thờ kính thần mặt trời chiến thắng. Cùng trùng hợp với biến chuyển ngoài thiên nhiên, ngày đó là ngày bản lề xoay chuyển sang mùa Đông. Có thể nói được, Công Giáo đã rửa tội ngày 25.12 từ lễ thờ kính thần Mặt Trời của dân ngoại Roma thành ngày lễ mừng Chúa Giêsu giáng sinh trên trần gian, Đấng là mặt trời công chính.

Giáo Hội Công Giáo chọn ngày 25.12 mừng sinh nhật Chúa Giêsu sinh xuống trần gian vừa nói lên ý nghĩa Chúa Giêsu Kitô là mặt trời công chính từ trời cao mang ánh sáng ơn cứu độ đến cho trần gian trong đêm tối tội lỗi, vừa nói lên ý nghĩa bản lề xoay chuyển đạo Công gíao đã từ thời kỳ dài suốt ba thế kỷ bị cấm cách bắt bớ giờ được công nhận cho tự do. Cả hai đều hiển thị ý nghĩa ánh sáng soi chiếu vào đêm tối, bóng tối bị ánh sáng xua đuổi làm cho tan biến.

Và từ thời điểm đó đạo Công Giáo sống động vươn lên với những cấu trúc xây dựng cũng như văn hóa. Chu kỳ làm ra lịch phụng vụ bất đầu khai sinh ra trong toàn thể Giáo Hội.

4. Mùa khởi đầu năm phụng vụ

Lịch Phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo bắt đầu năm phụng vụ mới với bốn tuần lể mùa Vọng trước lễ Chúa giáng sinh ngày 25.12 hằng năm.

Theo ý nghĩa nguyên thủy mùa Vọng - Adventus - có ý nghĩa trong đế quốc Roma là đến, có mặt, cuộc thăm viếng của vị vua quan chức quyền. Nhưng cũng có ý nghĩa nói về sự đến của Thần Thánh trong đền thờ. Vì thế, người tín hữu Chúa Kitô dùng chữ này để nói lên cuộc đến của Chúa Giêsu Kitô.

Thời gian mùa Vọng khởi đầu trong Giáo Hội thời xa xưa là thời gian chay tịnh được ấn định từ ngày 11.11 đến lễ Chúa Hiển linh ngày 06.01 hằng năm. Trong thời gian mùa Vọng chay tịnh này không được nhảy múa, không được có những lễ hội mừng vui. Cả lễ hôn phối cũng không được phép cử hành. Nhưng từ 1917 không còn luật cấm ngặt như thế trong mùa Vọng nữa.

Mùa Vọng như hình thức có hiện nay bắt đầu từ thế kỷ thứ 07. Thời gian này được gọi là, Tempus ante natale Domini - Thời gian trước sinh nhật của Chúa Giêsu, hay còn có tên, Tempus adventus Domini - Thời gian Chúa Giêsu đến.

Trong Giáo Hội Công Giáo Roma lúc đầu có 6 Chúa Nhật mùa Vọng, nhưng Đức Giáo Hoàng Gregoriô cả đã ấn định 4 Chúa Nhật mùa vọng thôi cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo Roma. Bốn Chúa Nhật nói lên ý nghĩa bốn ngàn năm trông đợi Đấng cứu thế đến từ sau biến cố con người phạm tội lỗi luật Thiên Chúa bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Riêng tổng giáo phận Milano bên Ý theo lễ nghi phụng vụ Thánh Ambrosio cho tới bây giờ vẫn giữ lại mùa Vọng với 6 Chúa Nhật.

Năm Phụng vụ của Giáo Hội khởi đầu từ Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng và kết thúc vào Chúa Nhật thứ 34 mùa thường niên, Chúa Nhật mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ vào cuối tháng 11 dương lịch.
Năm Phụng vụ của Gíao hội không phải chỉ là những luật lệ ấn định cho việc thờ phượng, nhưng còn hơn thế nữa. Nó bao gồm những chỉ dẫn, đúng hơn lời nhắc nhớ mời gọi mừng lễ những biến cố ơn cứu chuộc Chúa thực hiện trong công trình sáng tạo thiên nhiên hôm qua, hôm nay và ngày mai.

http://catechesis.net/index.php/than-hoc/phung-vu-bi-tich/phung-vu-tong-quat/816-tim-hieu-lich-phung-vu-giao-hoi-cong-giao

Tuần Lễ Cầu Cho Các Kitô Hữu Hợp Nhất

Từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 1 là tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất. Trong tuần lễ này, có thể cử hành Thánh lễ cầu cho các Kitô hữu được hiệp nhất.

Cầu Cho Sự Hiệp Nhất Các Kitô Hữu

Lm. Vũ Đức Trung, O.P.

Chúng ta đang sống trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu trên toàn thế giới (18 đến 25 tháng 01). “Ut unum sint” – xin cho tất cả nên một – Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong nhà tiệc ly (Ga 17,21) vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn. Đại kết là hiệp nhất nhưng trong đa dạng phong phú. Tinh thần đại kết đòi phải tôn trọng lẫn nhau, tìm hiểu truyền thống và những điểm tích cực của những “phe nhóm bên kia”. Một tuần lễ trước lễ “Thánh Phaolô trở lại” (25/1) được dành để cầu nguyện cho sự “trở lại” của từng người và của từng “phe nhóm” thực là ý nghĩa. Muốn có đại kết thực sự, điều trước tiên cần đó là hoán cải, tức là “trở lại” với Thiên Chúa, với chính mình và cuối cùng sẽ dẫn đến “trở lại” với anh chị em mình trong tình yêu Chúa Kitô.

Có một thực trạng đáng buồn đó, là sự chia rẽ giữa các kitô hữu, những người cùng tin vào Đức Giêsu. Nguyên nhân của sự chia rẽ có lẽ phải trở ngược lên tới thời kỳ sơ khai của Hội thánh. Khởi đi từ những căng thẳng giữa cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái và kitô hữu gốc lương dân (xc Cv 15,1tt; 1 Cr 1,12). Đến thế kỷ V xảy ra hiện tượng một nhóm tín hữu tách rời ra khỏi Giáo hội vì quan điểm thần học khác biệt (Nestôriô). Tiếp đến là những quan điểm thần học đối nghịch với Kitô giáo. Đỉnh cao là cuộc ly giáo Đông Phương Thế kỷ XI và cuộc cải cách ly giáo Tây Phương Thế kỷ XVI (Anh Em Tin lành)… Dường như lời cầu nguyện “Xin cho tất cả nên một” của Đức Giêsu đã bị lãng quên…
Lịch sử là như thế ! Nhưng tự căn bản đã có yếu tố hợp nhất giữa các kitô hữu rồi : Bí tích rửa tội. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể của Đức Kitô, được trở thành con Thiên Chúa, được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính những yếu tố thần linh đó làm nên sự hiệp nhất tự thân giữa các kitô hữu. Hơn nữa, qua bí tích rửa tội, chúng ta đang thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa, toàn diện. Nhờ cuộc hoán cải này, mọi người nhận ra mình nơi Thiên Chúa và nhận ra anh chị em mình trong Thiên Chúa. Đây thực là một sự hiệp nhất tinh thần. Sự hiệp nhất giữa các kitô hữu đã phát xuất từ niềm tin, bí tích rửa tội và sự hoán cải cá nhân.

* Trong niềm tin, tất cả mọi kitô hữu đều tuyên xưng một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật. Mọi kitô hữu cùng tin kính một Đức Giêsu Kitô đã nhập thể để cứu độ, Người đã chịu đau khổ và chết vì chúng ta; Người đã sống lại và toàn thắng mọi sự dữ. Mọi kitô hữu cùng tin kính Chúa Thánh Thần, Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, cùng với một phép rửa để tha tội và con người chết sống lại và sự sống đời sau.

* Phép rửa tội đưa con người vào Giáo hội của Đức Kitô. Nhờ phép rửa, con người tham dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Phép rửa là bước đầu tiên đưa con người từ tội lỗi và tăm tối bước sang sự sống mới, một sự sống cần được tăng trưởng mãi. Phép rửa tái sinh con người trong Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn.Tất cả các Giáo hội Kitô đều có phép rửa, tuy có ít nhiều khác biệt.

* Hoán cải là đòi hỏi trước hết của phép rửa. Hoán cải là thay đổi lối sống theo tinh thần Đức Giêsu. Mọi kitô hữu khi lãnh nhận phép rửa đều được mời gọi hoán cải mỗi ngày trong đời sống mình. Nhờ hoán cải, đời sống kitô hữu được triển nở viên mãn trong Đức Giêsu.

Như thế, niềm tin, bí tích rửa tội và hoán cải là điểm gặp gỡ giữa mọi người tin vào Đức Giêsu. Khi sự gặp gỡ này được hoàn trọn, có lẽ lời cầu nguyện “Xin cho tất cả nên một” của Đức Giêsu đã thành tựu.

Lạy Chúa, chúng con nguyện xin Chúa
cho niềm tin chúng con triển nở và trưởng thành.
Xin Chúa dẫn đưa tới chỗ thành toàn :
là tham dự Ánh sáng Chúa và sống nhờ Bình An Chúa.
Cho niềm tin chúng con linh hoạt,
cho chúng con không xem niềm tin như một tài sản bất động.
Nhưng là khởi điểm công cuộc tìm kiếm.
Là bước đầu hành trình,
mỗi lúc thêm gian lao, mỗi lúc thêm cấp bách,
tiến về chân lý và khôn ngoan.
Xin cho luồng đức tin thổi vào cuộc sống chúng con.
Linh hoạt và biến đổi cuộc sống thành một ân huệ yêu thương.

https://gxdaminh.net/hip-nht-gia-cac-kito-hu/

 

back to top