Góc Nhìn Mục Vụ - Bế Mạc Năm Thánh Kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng Anh Chị Em Giảng Thuyết.

  • 21 January 2017 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Ngày 21 tháng 1, 2017 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Laterano, cùng với cha Brunô Cadoré, Bề Trên Tổng Quyền Dòng và hằng ngàn anh chị em Đaminh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh Lễ Tạ Ơn kết thúc Năm Thánh kỷ niệm Dòng được 800 tuổi. Trong tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân các bậc tiền bối trong Dòng, thay mặt cho quí cha phó và gia đình Đaminh tại giáo xứ, tôi xin chia sẻ những dòng sau đây.

Người ta thích cái mới, cái lạ, cái hợp thời nhất… Nhưng có 3 cái cũ lại rất quí giá: ĐỒ CỔ, RƯỢU CŨ và TÌNH GIÀ!

Xe giữ được hơn 25 năm thì đã được gọi là classic car! Đồ cổ khoảng 100 năm đã là rất quí. Thế mà Dòng Đaminh đã trải qua 800 năm lịch sử, như vậy chẳng phải là quí lắm sao!

Trong tâm tình đó, tôi xin bắt đầu bằng một lời kinh và cũng tóm tắt ý tưởng của tôi trong ngày đặc biệt này. “For what has been: THANK-YOU, for what will be YES!” Lạy Chúa, vì những gì con đã nhận được: Xin Tạ Ơn, vì những gì sẽ xẩy đến cho con: Xin Vâng!

TẠ ƠN CHÚA & TRI ÂN NHAU
Trước hết chúng ta Tạ Ơn Chúa vì sự hiệp nhất trong Dòng Đaminh.

Suốt 800 năm qua, Dòng chúng ta không bao giờ chia rẽ, luôn luôn là một. Đương nhiên cũng đã có những thăng trầm, nhưng không chia năm xẻ bảy. Áo Dòng của chúng ta từ thời đầu ra sao thì cho đến bây giờ vẫn như vậy, không thay đổi. Quí sơ Đaminh ngày nay vẫn mang tu phục với chiếc áo choàng đen. Thánh nữ Catharina ngay từ thời đầu cũng mang tu phụ y như thế, chính vì vậy mà thánh nhân được gọi là người thuộc nhóm ‘Áo Choàng Đen’ (Mantellata: áo choàng đen khoác lên tấm áo trắng là biểu hiệu của các phụ nữ Dòng Ba Đa Minh).

Kế đó, chúng ta Tri ân Thánh Đaminh và các anh chị em trong Dòng.
Bài đọc thứ nhất từ tiên tri Isiah 52: 7-10 có nói: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.” Đôi chân của một người đi từ chân núi lên tới đỉnh trong thời tiết nóng bức, đường cát bụi thì làm sao có thể đẹp được? Thưa, đôi chân đẹp vì sứ điệp đẹp và sứ điệp thì quan trọng hơn người mang sứ điệp; và chính sứ điệp, nhất là sứ điệp chân lý, làm cho người sứ giả ấy đẹp toàn diện.

Thánh Đaminh, Vị Giảng Thuyết Ân Sủng:
Thánh Đaminh được mệnh danh là Praedicator gratiae, Nhà giảng thuyết ân sủng. Tiếng Anh “Gracious Preacher” mang ý nghĩa hay hơn vì có thể hiểu là nhà giảng thuyết ân sủng của Chúa và cũng có thể hiểu là nhà giảng thuyết dịu hiền, nhân hậu, đem đến cho người nghe niềm vui, ân sủng và ơn cứu độ.

Thánh Đaminh không những là vị giảng thuyết ân sủng mà còn là người phó thác, tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa; vì thế, ngài đã thật liều lĩnh, khi đã bắt chước Đức Giêsu, sai các môn đồ, từng hai người một, đi rao giảng Tin Mừng. Ngài muốn các anh chị em phải là “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mat 5:13, 14). Sau chưa đầy một năm (ngày 12/8/1217), Thánh Đaminh đã can đảm sai 16 anh em đầu tiên đi từng 2 người một đến các trung tâm văn hoá lớn của Châu Âu để Rao giảng Tin Mừng và để thiết lập các cộng đoàn. Chúng ta tri ân ngài vì nếu không có việc sai đi này, chắc chúng ta cũng không hiện diện nơi đây hôm nay.

Thánh Đaminh, người yêu chân lý:
Khẩu hiệu của Dòng là “Chân Lý”, Thánh Đaminh và những anh chị em đầu tiên đã luôn luôn tìm kiếm chân lý, yêu mến chân lý và rao truyền chân lý. Chúng ta, những tu sĩ và giáo dân Đaminh mang trên mình khẩu hiệu chân lý, điều đó không có nghĩa là chúng ta sở hữu chân lý, nhưng là một khẳng định cho thấy chúng ta là những người đi tìm chân lý, hay mạnh hơn, là những người ăn mày chân lý. Dòng chúng ta là dòng khất thực, dòng ăn mày. Khi bắt đầu vào Dòng, các khấn sinh ăn mày lòng thương xót của Thiên Chúa và của anh chị em. Bây giờ chúng ta ăn mày chân lý từ Thiên Chúa, từ việc học hỏi, từ anh chị em trong cộng đoàn và nhất là từ những người chúng ta gặp gỡ hoặc làm việc chung. Chính vì thế, việc học rất được nhấn mạnh trong Dòng và là một trong 4 trụ cột làm nên linh đạo Đaminh (cầu nguyện, học hỏi, sống cộng đoàn và việc tông đồ).

Chúng ta trở lại với sự kiện là nguồn hứng làm cho Thánh Đaminh xin phép lập Dòng với khẩu hiệu Chân lý. Đó là lần ngài dừng chân tại một quán trọ ở miền Nam nước Pháp và đã thức suốt đêm nói chuyện và thuyết phục người chủ quán đang theo bè rối trở về với Giáo Hội. Chúng ta thử tưởng tượng nếu thánh Đaminh cứ nói: “Tôi đúng, tôi đúng, anh sai, anh sai”, thì cuộc đối thoại này sẽ kéo dài được bao lâu? Vài ba phút đã là quá nhiều rồi! Thánh Đaminh đã lắng nghe, đã tìm hiểu, đã cảm thông, đã chia sẻ và đã thuyết phục trong sự khiêm tốn và lòng mến. Chúng ta hãy học với Thánh Đaminh để lắng nghe hầu biết được ý nghĩ, tư tưởng người khác để học từ họ và để giúp họ. Một nhà vật lý học đã nói: “Ngược lại với một mệnh đề đúng, là một mệnh đề sai. Ngược lại với một mầu nhiệm, lại có thể là một mầu nhiệm thâm sâu khác.” (The opposite of a true statement is a wrong statement; however, the opposite of a profound mystery can be another profound mystery!) Đàng sau mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chẳng phải là mầu nhiệm Một Chúa đó sao?
Cha Timothy Radcliffe, O.P., cựu Bề trên Tổng quyền rất có lý khi viết:
“Để là người giảng thuyết, cần phải kết hợp hai đức tích có vẻ mâu thuẫn nhau: sự quả quyết và lòng khiêm nhường. Chúng ta cần sự quả quyết của thánh Phaolô, người đã viết: “Nếu miệng anh tuyên xưng rằng đức Giêsu là Chúa và nếu trong lòng anh tin rằng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh từ trong kẻ chết, thì anh sẽ được cứu độ.” Khẳng định này thật minh bạch. Không có sự qủa quyết, chúng ta không thể rao giảng. Chúng ta phải dám can đảm công bố niềm tin của mình. Nhưng chúng ta cũng cần có lòng khiêm nhường của những người ý thức mình biết rất ít. Như thánh Tôma Aquinô từng nói: về Thiên Chúa chúng ta chẳng biết gì cả. Chúng ta là những kẻ ăn mày chân lý, hạnh phúc vì được một chút soi sáng từ những người chúng ta gặp trên đường… Chúng ta phải học cho biết khiêm nhường trước lòng tin của kẻ khác. Có thể họ còn nhiều sai lầm, nhưng cũng có cái gì đó cho ta học hỏi. Thánh Tôma luôn là cảm hứng cho chúng ta, những anh em Đaminh, bởi vì thánh nhân đã thể hiện sự quân bình trọn hảo giữa sự quả quyết và lòng khiêm nhường. Người đã viết được bộ Tổng Luận Thần học và cũng chính người bảo rằng tất cả những gì người đã viết chỉ là rơm rác.”

Thánh Đaminh, “Chiến sĩ đức tin”:
“Ðaminh luôn hớn hở trong những khi bị sỉ vả, luôn tươi vui lúc gặp nghịch cảnh. Có một lần người ta hỏi Ðaminh tại sao cha lại thích dừng chân ở Carcassonne hơn là ở Toulouse, cha đáp lại: bởi vì ở Toulouse tôi được người ta kính trọng, còn ở Carcassonne thì tôi gặp toàn là thù địch” (Án Phong Thánh số 18). Chúng ta cần bắt chước Thánh Phụ để sẵn sàng “được sai đi loan báo Tin Mừng” lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (2Tim 4:2), nơi dễ dãi cũng như nơi khó khăn, nơi bình an cũng như nơi nguy hiểm, nơi ta được ưu đãi hay nơi ta bị bách hại.

XIN VÂNG
Như Thánh Phaolô đang trao sứ vụ rao truyền Lời Chúa lại cho môn đệ của mình là ông Timôthê (2Tim 4:1-7), Thánh Đaminh đã trao lại cho chúng ta sứ mệnh rao truyền chân lý. Chúng ta có sẵn sàng “loan báo Tin Mừng không”?

Tổng Hội Trogir 2013 khi bàn về Năm Thánh Dòng có nói: “Dịp kỷ niệm này đem lại cho chúng ta cơ hội hướng nhìn về tương lai, trong khi vẫn tin tưởng phó thác vào lời Thiên Chúa hứa, Đấng ‘sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ’ (Ga 3:17). Nhìn về tương lai, chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải học hỏi nhiều điều từ lịch sử, từ những bóng tối và ánh sáng, từ các anh chị em đi trước chúng ta, mà trong số đó, rất nhiều người là chứng nhân đích thực về Vương Quốc. Lịch sử của chúng ta là trường dạy chân lý và khiêm nhường; lịch sử ấy là nguồn mạch canh tân đổi mới và hy vọng cho sứ vụ của các người giảng thuyết” (số 41).

Các anh chị em Đaminh đã và đang rao truyền chân lý khắp nơi trên thế giới và nhất là những nơi khó khăn, gian khổ, ngay cả những nơi đang xẩy ra chiến tranh và bách hại. Theo lời khuyên của Tổng Hội Trogir, tôi xin đan cử hoạt động truyền giáo và hy sinh của hai đại biểu trong Gia đình Đaminh, một nữ và một nam, hiện đang gặp nguy hiểm và bị bách hại để chúng ta cùng hiệp thông, cầu nguyện, hy sinh và liên đới với các anh chị em ấy.

Sơ Maria Hanna, O.P. (hiện là Bề Trên Tổng Quyền của các Sơ Đaminh người Iraq Hội dòng Thánh Catherine thành Siena ở Qaraqosh, Iraq) nhắc lại cái chết của Đức Tổng Giám Mục Công Giáo người Chaldean của Tổng giáo phận Mosul tên Rahho và cái chết của một linh mục trẻ cũng người Chaldean, tên Ragheed, cựu sinh viên của trường Đại Học Angelicum ở Roma, cả hai đều bị sát hại khi họ vừa ra khỏi nhà thờ. Một nhân chứng đã kể lại một trong 4 tên sát nhân đã hét vào mặt cha Ragheed ra sao, rủa xả ngài tại sao đã không chịu đóng cửa nhà thờ. Những tên sát nhân này đã đẩy cha ngã xuống đất rồi nhả đạn, giết chết ngài cùng với 3 phụ phó tế. Trong thư viết cho cha Ragheed sau khi nghe tin vụ thảm sát của ngài, một người bạn Hồi giáo của cha đã thét lên: “Nhân danh ông chúa nào của sự chết mà người ta đã giết cha?” (In the name of what god of death, have they killed you?) Khi được hỏi về hoàn cảnh sống hiện nay, Sơ Hanna trả lời: “Chúng tôi đang trong hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng, nhất nữa vì chúng tôi là các Kitô hữu, một tiểu số rất nhỏ ở Iraq. Chúng tôi vẫn luôn tự nguyện giúp mọi người, nhưng hiện giờ chúng tôi hoàn toàn bị bỏ rơi. Nhiều đảng phái chính trị đã lợi dụng vai trò tiểu số của chúng tôi. Ai không phải là người theo Hồi giáo đều được khuyên phải rời khỏi đất nước này. Rất nhiều người (Kitô hữu) đã nhận được những lá thư trong đó có đầu đạn. Thật khó diễn tả tình trạng hiện tại vì nó rất phức tạp. Chính trị, văn hoá và tôn giáo đều hoà quyện vào nhau. Thêm vào đó, chúng tôi thật không biết ai đang chống đối ai.”

Tu sĩ Pierre Claverie, O.P. là Giám mục thành phố Oran ở Algeria (Phi Châu), tin rằng mình có sứ mạng làm triển nở tình bạn với những người Hồi giáo tại đây. Vì tình bạn này, ngài đã công khai chống lại những người nhân danh Hồi giáo gieo rắc khủng bố trên toàn quốc gia. Và ngài đã bắt đầu bị họ hăm dọa thủ tiêu. Các linh mục trong giáo phận xin ngài hãy ngừng lên tiếng phản đối nhóm quá khích Hồi giáo ấy, còn những người bạn Hồi giáo thì tìm cách bảo vệ ngài. Tuy nhiên, thảm họa vẫn đến với ngài vào ngày 1 tháng 8 năm 1996. Sau một ngày gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, chiều tối ngài trở về nhà với một người bạn Hồi giáo trẻ tuổi, tên là Mohammed Bouchikki, lần đầu tiên làm tài xế cho ngài. Ngài không biết điều gì đang chời đợi ngài. Khi ngài mở cửa bước vào nhà, một quả bom đã phát nổ và đã xé nát thân thể của cả hai người, làm cho máu của một Kitô hữu bám đầy tường hòa lẫn với máu của một tín đồ Hồi giáo.

Trong lễ an táng, người Hồi giáo đã đến tham dự chật thánh đường, và nhiều người bạn đã làm chứng cho sứ vụ và hy sinh của ngài. Người cuối cùng lên tiếng là một phụ nữ trẻ tuổi người Hồi giáo. Cô đã kể lại Đức cố giám mục đã giúp cô trở về với niềm tin tôn giáo của cô và cô kết thúc với nhận định sau đây: ‘Cha Pierre cũng là giám mục của những người Hồi giáo chúng tôi nữa!’ Đức giám mục đã được chôn cất, với dây các phép ưa thích của ngài mang hàng chữ bằng tiếng Ả Rập sau đây Allah mahabba, Thiên Chúa Là Tình Yêu. Những người bạn Hồi giáo và Kitô giáo thường xuyên đến thăm viếng mộ ngài và luôn luôn phủ đầy ngôi mộ ấy bằng những bông hoa xinh tươi. Tình yêu thì tồn tại mãi mãi.

Tinh thần truyền giáo và hy sinh của các anh chị em Đaminh đem đến cho chúng ta niềm hy vọng vào tương lai. Tương lai ấy lệ thuộc vào chúng ta, con cái của Thánh Phụ Đaminh. Tuy nhiên, để có tinh thần sẵn sàng được sai đi loan báo Tin Mừng, chúng ta cần canh tân đời sống của chính mình. Vì thế, để kết thúc, tôi xin được dùng chính lời khuyên của Tổng Hội Trogir 2013, số 42: “Hãy canh tân đời sống Đaminh của chúng ta bằng cách thống nhất toàn bộ cuộc sống mình qua việc chăm chú lắng nghe Lời, thinh lặng cầu nguyện và chiêm niệm, đồng thời phải chăm chỉ học hành nghiên cứu.”

Chúc mừng Gia Đình Đaminh trên toàn thế giới và nhất là gia đình Đaminh tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Arlington, Virginia; Chúc mừng sinh nhật thứ 800 của Dòng Anh Chị Em Giảng Thuyết.

“Lạy Chúa, vì những gì chúng con đã nhận được: XIN TẠ ƠN; vì những gì chúng con sẽ nhận được: XIN VÂNG!”
“For what has been: THANK-YOU; for what will be: YES!”

Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.

 

back to top