Góc Nhìn Mục Vụ - Chúa Giê-Su Phục Sinh Còn Ăn Uống Nữa Không?

  • 22 April 2018 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Kính thưa quý vị thính giả,

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm tuần trước kể lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ. Thoạt tiên, mấy ông hoảng hốt, ngỡ là ma. Để trấn an các ông, Chúa cầm lấy khúc cá nướng và ăn. Thực sự Chúa Giêsu Phục Sinh có ăn không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.



Tân Ước có nói đến những lần Chúa Phục Sinh ăn với các môn đệ. Trước hết, chúng ta hãy điểm qua các đoạn văn ấy, kế đó chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng.

Chúng ta bắt đầu với bản văn được đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật III Phục Sinh, chu kỳ B, được trích từ chương 24, từ câu 36 đến câu 43. Chúa Giêsu hiện ra với 11 tông đò vào chiều ngày Phục Sinh. Các ông hoảng hốt, tưởng là ma. Chúa mới nói với họ: “Sao lại hoảng hốt, sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây. Nói xong, Người chìa ta ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người nói: Ở đây, anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông”. Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng cảnh này được kể tiếp theo chuyện Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,13-35). Sau khi đã trò chuyện với các ông suốt hành trình dài, cuối cùng các ông mời Người vào quán với họ. Đang khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng. Và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Như vậy là theo Tin Mừng Luca, đã có hai lần Chúa dùng bữa với các môn đệ vào chiều tối ngày phục sinh. Sang đến Tông Đồ Công Vụ, chúng ta được nghe thánh Phêrô kể lại, trong bài giảng tại nhà ông Cornêliô, rằng sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra và đã dùng bữa với các tông đồ, và cử các ông đi làm chứng cho biến cố Phục Sinh, nguyên văn như sau: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường... trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ được cùng ăn cùng uống với Người sau khi từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,40-42). Xem ra những lần ăn uống này diễn ra nhiều dịp khác nhau, chứ không chỉ riêng vào ngày Phục Sinh. Tin Mừng Máccô nhắc lại vắn tắt những gì chúng ta nghe ở Luca. Ông viết: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa” (Mc 16,14). Sang Tin Mừng Gioan, chúng ta được nghe nhiều chi tiết thú vị hơn ở chương cuối cùng (tức là chương 21). Sau khi cho các ông chứng kiến phép lạ mẻ cá đầy lưới, Chúa đã mời các ông đến dự một bữa ăn do Người đã dọn. Tác giả viết như sau: Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?” vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh, trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

Đó là những bản văn của Tân Ước nói đến việc Chúa Giêsu Phục Sinh ăn uống với các môn đệ. Phân tích kỹ các đoạn văn, chúng ta thấy các tác giả mang những chủ ý khác nhau. Họ không chỉ dừng lại ở việc kể lại một sự kiện, nhưng hàm ngụ một ý nghĩa thần học nữa dành các người đọc nói chung và các tín hữu nói riêng. Chúng ta có thể tạm nêu lên ba ý nghĩa chính: 1/ hộ giáo; 2/ bí tích; 3/ cánh chung.

Hộ giáo là gì?

Hộ giáo có nghĩa là bênh vực, biện hộ cho đạo lý. Đạo lý ở đây là Chúa Giêsu đã sống lại thật. Trên thực tế, các tác giả Tin mừng gặp phải hai quan niệm khác nhau về con người: quan niệm Do thái và quan niệm Hy lạp. Theo quan niệm Do thái, con người là một toàn bộ, cho nên chết là chết cả con người, và sống lại là sống lại cả con người. Vì thế khi nói rằng “Đức Giêsu sống lại” thì hiểu là toàn thân của Người đã phục sinh. Còn quan điểm của Hy Lạp về con người thì khác: con người gồm bởi hai yếu tố là linh hồn và thân xác. Khi con người chết thì chỉ có thân xác chết còn linh hồn bất tử. Trong khung cảnh ấy, có người giải thích rằng Đức Giêsu vẫn sống về linh hồn, chứ xác của Người còn nằm ở trong mồ. Vì lý do ấy, các thánh tông đồ phải nhấn mạnh rằng “Đức Giêsu sống về linh hồn và cũng như về thân xác”. Nhằm chứng tỏ điều này, thánh Luca và thánh Gioan trình bày Chúa hiện ra với thân xác thực, và Người để cho các môn đệ có thể đụng chạm tới; và thậm chí Người còn ăn uống với họ.

Nhưng Chúa có ăn thật không?

Chúng ta đừng nên quên rằng tuy Chúa Giêsu sống lại cả về thân xác, nhưng thân xác ấy không còn giống như trước nữa. Thân xác ấy không còn bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian. Chúa có thể nhập vào phòng khi cửa đóng kín, và rút lui lúc nào không ai biết. Vì thế mà người ta cứ tưởng là ma hiện về. Khi hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus cũng vậy. Không hiểu Người đã xuất hiện và nhập đoàn với hai ông từ lúc nào, nhưng đến khi vào bàn tiệc thì Người bẻ bánh rồi biến mất! Như vậy là thân xác của Người không còn mang những điều kiện vật lý như trước. Thân xác ấy không cần ăn uống để sinh sống. Hiểu như vậy thì Chúa Phục Sinh không ăn uống giống như trước khi phục sinh.

Có nghĩa là Người giả vờ ăn, chứ không ăn thật, phải không?

Nếu hiểu theo nghĩa thuần túy vật lý thì phải nói là Chúa không ăn thật. Chúng ta đừng quên rằng khi nói đến chuyện ăn uống vì cần phải nghĩ đến chuyện tiêu hóa nữa, phức tạp lắm! Vì thế, chúng ta cần phải hiểu theo nghĩa tượng trưng, hay nói đúng hơn, nghĩa bí tích. Trong khi ngồi bàn với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, thánh Luca nói rằng Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Việc “bẻ bánh” đã trở thành một nghi lễ của Kitô giáo. Tự nó, việc bẻ bánh nói lên sự chia sẻ. Để tỏ tình liên đới với ai, người ta chia sẻ cơm bánh cho nhau, và thậm chí “một hạt gạo cũng cắn làm đôi”, như tục ngữ vốn nói. Thánh Luca đã sử dụng thuật ngữ “bẻ bánh” để ám chỉ việc cử hành Thánh lễ, chẳng hạn như trong sách Tông đồ công vụ chương 2 các câu 42 và 46 khi diễn tả các buổi tụ họp của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem. Ở chương 20 (các câu 7 đến 11), tác giả cũng thuật lại một lễ nghi bẻ bánh của thánh Phaolô tại Troas vào ngày thứ nhất trong tuần. Chính thánh Phaolô (trong thư thứ nhất gửi Côrintô, chương 10 câu 16-17) cũng mô tả bí tích Thánh Thể như là cử hành việc bẻ bánh.

Chúng ta cũng có thể giải thích đoạn văn ở chương 21 của Tin mừng Gioan theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Sau khi thuật lại phép lạ mẻ cá, Chúa Giêsu mời các tông đồ đến dùng bữa ăn do chính Người đã dọn, với cá và bánh. Cá và bánh nhắc lại phép lạ đã nói ở chương 6, khi Chúa dưỡng nuôi 5 ngàn người từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Trong cả hai trường hợp này, không phải là các môn đệ mời Người ăn, nhưng chính Người mời các môn đệ đến dự bữa tiệc. Tóm lại, sau khi Phục Sinh, Chúa dùng bữa tiệc với các môn đệ khi họ tụ tập nhau để cử hành bí tích Thánh Thể, và thức ăn chính là Mình Máu của Người. Bữa ăn mang ý nghĩa tinh thần, chứ không chỉ dừng lại ở bình diện vật lý.

Còn ý nghĩa cánh chung là gì?

Khi đọc Tân Ước, chúng ta gặp thấy những đoạn mô tả hạnh phúc trên trời dưới hình thức bữa tiệc và đôi khi còn nói thêm là tiệc cưới (chẳng hạn dụ ngôn về 10 cô trinh nữ, hoặc chương 19 của sách Khải huyền mà mỗi ngày chúng ta được nghe trong Thánh Lễ: “Phúc thay kẻ được mời vào dự tiệc cưới Con Chiên”). Khi nói rằng sau này lên trời chúng ta sẽ ăn tiệc với Chúa, thì chúng ta đừng vội tò mò xem thực đơn có bao nhiêu món, bởi vì vấn đề không phải là sợ sẽ chán vì ăn mãi một món, cho bằng ăn suốt ngày 24 giờ trên 24 không lúc nào nghỉ, từ ngày này qua ngày khác! Ăn như thế mệt lắm! Chúng ta cần khám phá ra ý nghĩa biểu tượng của bữa tiệc. Dĩ nhiên, bữa tiệc khác với bữa ăn hàng ngày ở chỗ có nhiều món hơn; nhưng nét đặc trưng của bữa tiệc là niềm vui (chúng ta không gọi là đám ma là bữa tiệc, dù có rất nhiều món) và nhất là sự hiện diện của bạn hữu. Nếu chúng ta chỉ ăn riêng một mình, dù ở một nhà hàng nổi tiếng đến đâu đi nữa, thì đó không phải là bữa tiệc. Muốn ăn ngon, cần phải có bạn hiền.

Tóm lại, vấn đề Chúa Giêsu có ăn uống sau khi sống lại cần được nhìn dưới khía cạnh bí tích. Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ tình bạn với Người trong cộng đoàn Hội Thánh. Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, chúng ta được tham dự bàn tiệc với Người. Thánh Thể không chỉ tưởng nhớ Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, mà còn cử hành sự phục sinh của Người. Người vẫn hiện diện với chúng ta, bẻ bánh với chúng ta trên đường lữ hành, đang khi chờ đợi tái ngộ trong bàn tiệc vĩnh cửu.

http://catechesis.net/index.php/muc-vu/giai-dap-thac-mac/4551-chua-gie-su-phuc-sinh-con-an-uong-nua-khong

 

back to top