Góc Nhìn Mục Vụ - Maria: Mẹ Thiên Chúa

  • 07 January 2018 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

“Con Của Con Mình”: Một Cách Chiêm Ngắm Mẹ Thiên Chúa

Giờ đây, chúng ta tiếp cận tín điều Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, theo cách thứ hai: tiếp cận bằng chiêm niệm. Chiêm niệm không phải là tìm kiếm chân lý, nhưng là thưởng thức chân lý đã gặp được, thưởng nếm chiều sâu và sự phong phú của nó.

Như đã có tác giả viết, các tín điều của Giáo Hội cổ thời giống như “những hoàng tử và những nàng công chúa kiều diễm thiếp ngủ trong lâu đài thần tiên; chỉ cần đánh thức là chúng chỗi dậy trong tất cả vẻ huy hoàng rực rỡ”.[8] Tín Ðiều Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa cũng nằm trong số đó: chúng ta có bổn phận phải làm cho nó sống động bằng hơi thở của Thánh Thần, vì Thần Khí ban lại sự sống, ngay cả cho những bộ xương khô. Tựa mặt trời mỗi ngày vẫn mọc lên trong tất cả ánh huy hoàng của nó, như trong buổi bình minh của tạo dựng và làm cho mắt phàm nhân được chan hòa ánh sáng, các chân lý đức tin cũng phải như thế mới có thể phát huy hiệu lực của chúng.

Một số icóne Ðông phương, như bức Trinh Nữ của Vladimir, hay Trinh Nữ Dịu Hiền, nếu có được trước mắt để chiêm ngắm trong phần suy niệm này thì rất tốt, vì đó là những khuôn mẫu tuyệt vời nhất cho việc chiêm ngắm Me Thiên Chúa. Giữa bức icóne về Mẹ Thiên Chúa và một bài giảng về Mẹ Thiên Chúa, có một sự tương đồng rất sâu xa. Dù là qua cái nhìn hay qua sự lắng nghe của lòng tin, cả hai đều phải làm cho mầu nhiệm vừa cổ xưa vừa luôn mới mẻ được lộ diện. Người vẽ icóne lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện, ăn chay, không phải để sáng tạo ra một điều gì đó mới lã, độc đáo hay để khai triển một lối nhìn của riêng mình, nhưng là để có thể làm thực tại vô hình được định hình trong màu sắc. Nhà giảng thuyết cũng thế, phải đánh thức mầu nhiệm, làm cho mầu nhiệm trở thành thực tại sinh động, và để làm được như thế, người ấy phải giữ lấy truyền thống, tiếp nhận cả một di sản và thông tuyền di sản đó. Nếu có trích dẫn các Giáo Phụ, thi sĩ, triết gia, thì không phải vì chú trọng đến sự thông thái, mà vì các lời hằng sống của Thiên Chúa chỉ có thể thông truyền trong một môi trường sống động, như truyền thống và văn hóa. Giữa hai điều đó, icóne và bài giảng có sự trao đổi hỗ tương. Lời cần đến sự trợ giúp của màu sắc, như hiện tại tôi đang làm, nhưng màu sắc cũng cần sự trợ giúp của lời.

Ở tất cả các icóne về Mẹ Thiên Chúa, phía trên hay bên cạnh, người ta luôn đọc thấy các quy tắc: “Mẹ Thiên Chúa”. Tại sao lại có quy tắc vẽ icóne lạ lùng như thế? Chẳng lẽ nghệ sĩ vẽ icóne lại nghĩ chúng ta có thể lầm và tưởng đó là một người phụ nữ khác chứ không phải là Ðức Maria? Chắc chắn là không. Câu ghi đó không nhằm làm cho người ta nhận ra nhân vật, vì đó là điều vô ích, nhưng nó công bố chân lý đức tin, bằng lời, bằng chữ viết. Ðó không phải là một “didascalie” (lời chỉ dẫn) mà là một “homologie” (lời xưng nhận), một lời tuyên xưng đức tin mà nghĩa của nó là: “Chúng tôi tin rằng người nữ này là Mẹ Thiên Chúa”.

Chúng ta hãy cố hướng nhìn về Mẹ Thiên Chúa bằng “một cái nhìn thư thái, thấm sâu, trìu mến và yên định (vì chiêm niệm là như thế)”. Nếu có thể, chúng ta hãy đặt ảnh thánh của Người trước mắt. Dần dần chúng ta sẽ khám phá thấy tước hiệu Mẹ Thiên Chúa thật là phong phú. Tước hiệu đó lần lượt nói cho chúng ta về Ðức Giêsu, về Thiên Chúa và về Ðức Maria.

“Mẹ Thiên Chúa” Nói Cho Chúng Ta Về Ðức Giêsu

Mẹ Thiên Chúa ban đầu là tước hiệu liên hệ đến Ðức Giêsu nhiều hơn là Ðức Trinh Nữ Maria. Ðối với Ðức Giêsu, như chúng ta thấy, tước hiệu này chứng thực rằng Ngài “đích thực là người”: “Tại sao chúng ta nói Ðức Kitô là người nếu không phải vì Ngài sinh bởi Ðức Maria, một con người”.[9] Ngài là người không những xét về yếu tính, mà còn cả trong hiện hữu của Ngài, bởi lẽ Ngài muốn chia sẽ không những bản tính mà còn cả kinh nghiệm nữa. Ngài đã sống cuộc đời con người trong tất cả thực tại cụ thể của nó: “Thiên Chúa nói: người ta luôn nói đến Gương Chúa Giêsu. Ðó là sự bắt chước, con người muốn bắt chước Con của Thiên Chúa cách trung thực. Nhưng cuối cùng, đừng quên rằng Con Ta đã khởi đầu bằng việc bắt chước con người cách đặc biệt. Ðặc biệt trung thực. Một sự bắt chước tới mức trở nên đồng nhất hoàn toàn. Khi Người mặc lấy thân phận con người một cách quá trung thực, quá trọn vẹn. Khi Người bắt chước sinh ra một cách quá trung thực, quá trọn vẹn. Và bắt chước đau khổ. Và sống. Và chết”.[10] Ban đầu, khía cạnh người ta khó chấp nhận nhất nơi Ðức Kitô đó là việc Ngài được thụ thai và sinh hạ bởi một người nữ. Với một trong những người lạc giáo mà chúng ta đã nói đến trên đây, rùng mình trước ý tưởng về một Thiên Chúa “co lại trong dạ mẹ, sinh ra trong đau đớn, được rửa ráy và quấn tã”, Tertullien đã trả lời: “Ðó là vì Ðức Kitô yêu thương con người và cùng với con người, Ngài đã yêu mến cả cách con người sinh ra đời”.[11] Và ông còn nói thêm, sự sinh ra của một con người và nỗi đau đớn của người đàn bà lúc sinh con, đó là điều tự nhiên ta phải kính trọng, còn ngươi lại đi khinh thường. Thế ngươi đã sinh ra đời như thế nào?

Tiếp đến, tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” chứng thực Ðức Giêsu là “Thiên Chúa” chứ không phải chỉ là một con người, dù là một tiên tri vĩ đại nhất, bấy giờ mới có thể gọi Ðức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”. Nếu không, người ta có thể gọi Người là Mẹ của Ðức Giêsu, Mẹ của Ðức Kitô, chứ không gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” như một cuốn sách chỉ dẫn, như người lính canh có nhiệm vụ giữ cho tước hiệu “Thiên Chúa” dành cho Ðức Giêsu không bị mất đi ý nghĩa của nó. Khi không còn nhìn nhận Ðức Giêsu là Thiên Chúa làm người thì tước hiệu Mẹ Thiên Chúa không còn chính đáng, thậm chí trở thành điều lộng ngôn, phạm thượng. Suy cho kỹ thì đây là tước hiệu duy nhất có thể loại bỏ mọi hàm hồ, nghi nghĩa về thần tính của Ðức Giêsu, bởi đây là người lính canh do chính bản tính đặt lên chứ không chỉ đơn thuần là suy tư triết học (như tước hiệu “homooùsios” – “đồng bản thể”).

Người ta có thể gọi Giêsu là Thiên Chúa, nhưng, như trong quá khứ và ngay cả ngày nay đáng tiếc là vẫn xảy ra, người ta hiểu chữ “Thiên Chúa” với những nội dung hết sức khác nhau: Giêsu là Thiên Chúa do được thừa nhận, được Thiên Chúa ngự bên trong (par inhabitation) hay chỉ là một cách nói (Dieu par manière de parler). Trong những trường hợp như thế, người ta không còn có thể tiếp tục gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa nữa. Người chỉ là Mẹ Thiên Chúa nếu Ðức Giêsu là Thiên Chúa ngay từ lúc Ngài sinh ra bởi Người. Những gì xảy ra sau đó không còn liên hệ đến người mẹ trong tư cách là mẹ nữa. Không thể nói Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa nếu người ta hiểu chữ “Thiên Chúa” khác với những gì mà Giáo Hội muốn nói lên tại Công Ðồng Nicée và Chalcédoine.

Cuối cùng, liên hệ đến Ðức Giêsu, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa chứng thực rằng Ngài là Thiên Chúa và là người “trong cùng một ngôi vị”. Ðây là lý do chính khiến các nghị phụ Công Ðồng Ephesus chấp nhận tước hiệu này. Nó diễn tả sự hiệp nhất sâu xa giữa Thiên Chúa và con người thực hiện nơi Ðức Giêsu, nói lên cách thức mà Thiên Chúa kết hiệp với con người cũng như cách thức mà Ngài muốn con người hiệp nhất với Ngài, trong sự duy nhất thâm sâu nhất, sự duy nhất của ngôi vị. Như các Giáo Phụ đã nói, cung lòng Ðức Maria như chiếc “giường cưới” (lit nuptial) nơi hoàn tất hôn lễ giữa Thiên Chúa và nhân loại, là “máy dệt” dệt nên tấm áo hiệp nhất, là xưởng thợ (ergastérion), nơi thực hiện sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người.[12]
Nếu nơi Ðức Giêsu, nhân tính và thần tính kết hiệp với nhau chỉ bằng sự hiệp nhất luân lý chứ không phải hiệp nhất ngôi vị, như những người lạc giáo bị kết án ở Công Ðồng Ephesus chủ trương, thì người ta không thể gọi Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ có thể gọi là Mẹ Ðức Kitô, “Chritotókos”, chứ không phải là “Theotókos”. “Các nghị phụ không sợ gọi Ðức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, chắc chắn không phải vì bản tính của Ngôi Lời hay thần tính của Ngài phát xuất từ Ðức Maria, nhưng là vì chính bởi Ðức Maria mà thân xác thánh thiện của Ngài sinh ra, một thân xác được phú ban một linh hồn có lý trí và Ngôi Lời đã kết hiệp với thân xác đó đến mức, cùng với thân xác đó làm thành một ngôi vị duy nhất”.[13] Như thế, tước hiệu Mẹ Thiên Chúa khác nào một thành trì để chống lại khuynh hướng biến Ðức Giêsu thành một ý niệm, một nhân vật theo vẻ bề ngoài (personnage) chứ không còn đúng thực là một ngôi vị (vraie personne), và đằng khác, chống lại sự phân cắt nhân tính khỏi thần tính nơi Ðức Giêsu, vì điều này sẽ khiến ơn cứu độ bị hủy hoại. Ðức Maria là người đã neo chặt Thiên Chúa vào trần gian, vào nhân loại, và bằng mẫu tính thần linh và nhân linh trọn vẹn vủa Người, Người đã làm cho Thiên Chúa mãi mãi trở thành Ðấng Emmanuel, vì Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Người đã làm cho Ðức Kitô trở thành anh em của chúng ta.

http://catechesis.net/index.php/than-hoc/tin-ly/mau-nhiem-duc-maria/3369-nguoi-se-thu-thai-va-sinh-con-trai-maria-me-thien-chua
________
* Bài này là phần 2, tiếp theo bài đăng trên Bản Tin Hiệp Nhất ngày 31/12/2017 được trích từ sách Maria Uno Specchio Per La Chiesa của Raniro Cantalamessa được Nhóm linh mục DaLat chuyển ngữ với tựa đề Đức Maria: Tấm Gương Cho Giáo Hội.

[8]S. Kierkegaard, Journal IIA, 110.
[9]Tertullien, Sur la chair du Christ 5,6: CC 2, p. 881.
[10]Ch. Péguy, Le mystère des Saints Innocents, dans Oeuvres poétiques, op. Cit, p. 692.
[11]Tertullien, Sur la chair du Christ 4,3: CC2, p. 878.
[12]Saint Basile, Homélie sur la sainte génération du Christ 3: PG 31, pp. 1464; Proclus de Constantinople, Homélie sur la Mère de Dieu I: PG 65, pp. 681.
[13]Saint Cyrille d’Alexandrie, Lettre II à Nestorius: PG 77, pp. 448.

 

back to top