Góc Nhìn Mục Vụ - Thân Xác Con Người Sống Lại Như Thế Nào?

  • 26 November 2017 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Hôm nay chúng ta mừng Đại lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Đây là dịp để chúng ta suy nghĩ về ngày Cánh Chung; ngày giáng lâm của Đức Kitô lần thứ hai và cũng là cùng tận của vũ trụ. Đức Kitô đã đến trần gian lần thứ nhất, và sự Phục Sinh của Ngài mở đầu một trang sử mới cho nhân loại: không những tội lỗi con người được tha, nhưng một niềm hy vọng mới được mang đến: con người sau cuộc đời đau khổ ở trần thế này sẽ được sống lại. Nhưng sự sống lại sẽ xảy ra như thế nào? Sau khi chết thân xác con người bị tan ra tro bụi, làm sao có thể hoàn sinh lại được?


Có thể nói được là 90 phần trăm các tôn giáo trên thế giới xuất hiện nhằm trả lời cho thắc mắc gai góc nhất của con người đó là: sống làm gì? Chết rồi đi đâu? Và như thánh Phaolô nói, nếu mà chết thì hết chuyện, thì quả thực thân phận con người khổ hơn súc vật nhiều: chúng nó ăn no ngủ kỹ không phải bận tâm lo lắng gì; còn loài người phải lo bon chen thao thức, không mấy khi được yên hàn thư thái; lo cho đời này chưa xong thì lại phải lo cho đời sau nữa.

Khi so sánh hai khối tôn giáo lớn trên hoàn cầu, Do Thái và Kitô giáo một bên, và bên kia là Ấn giáo với Phật giáo, ta thấy có sự khác biệt chính như sau. Ấn giáo với Phật giáo cho rằng con người có nhiều kiếp sống, xoay quanh vòng luân hồi. Bao lâu chưa thanh luyện đủ thì còn phải đầu thai vào kiếp sống khác. Còn truyền thống của Do Thái và Kitô giáo thì dạy rằng con người chỉ ra đời có một lần. Tùy theo hành vi tốt xấu ở đời này mà con người sẽ phải lãnh hậu quả ở đời sau vô tận.

Hình như nhiều tôn giáo khác, thậm chí một số triết gia, cũng dạy rằng sau khi chết đi, thân xác con người tan rữa nhưng hồn con người thì bất tử. Thế thì đạo Kitô có gì mới hơn đâu?
Quả thực rất nhiều tôn giáo đã dạy rằng sau khi con người chết đi, vẫn còn cái gì tồn tại; cái đó thường được gọi là “hồn”. Nhưng hồn sẽ đi đâu? Đó là vấn đề. Và điều mới nhất của mặc khải Kitô giáo hệ tại chỗ là không những khẳng định việc linh hồn bất tử, nhưng còn xác tín rằng toàn thể con người sẽ sống lại.

Kinh Thánh nói ở chỗ nào vậy?
Chúng ta chỉ giới hạn vào Tân ước. Phúc âm tường thuật cuộc tranh biện giữa Chúa Giêsu với phái Sadducees. Phái này chối sự sống lại, và họ vặn Chúa bằng cách đặt ra một số nan giải của một bà vợ lần lượt lấy bảy ông chồng; thế thì khi sống lại ai là chồng thực. Chúa không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng Ngài tái khẳng định rằng ngươi chết sẽ sống lại, và họ không lấy vợ lấy chồng nữa: Thiên Chúa là Chúa kẻ sống chứ không phải là Chúa kẻ chết. Nơi khác thì Ngài hứa rằng ai mất mạng sống mình vì Ngài thì sẽ tìm lại được mạng sống. Tuy nhiên lời quả quyết xác tín nhất của đức tin Kitô về sự sống lại là Chương 15 của thư thứ nhất thánh Phaolô gửi các tín hữu Corinthians. Trong phần đầu của chương ấy thánh Phaolô nhắc lại đức tin nơi việc Chúa Kitô phục sinh. Từ niềm tin đó, thánh tông đồ quả quyết rằng nếu Đức Kitô sống lại thì rồi chúng ta sẽ sống lại như Đức Kitô và với Ngài.

Thế nào là sống lại với Đức Kitô? Có nghĩa là vào ngày Chúa Phục sinh thì tất cả những người chết đều đã sống lại hết hay sao? hay phải đợi cho đến ngày Cánh Chung?
Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, thì hình như hồi đó đã có người tin như vậy; hoặc có người tin rằng Chúa Giêsu sắp sửa trở lại và kết liễu lịch sử. Thánh Phaolô trả lời rằng cho đến nay chỉ có Chúa Kitô phục sinh thôi, còn chúng ta vẫn còn phải chết. Chúng ta sẽ sống lại khi Chúa trở lại, tiêu diệt cái chết hoàn toàn. Nhưng thiết tưởng điều đáng lưu ý ở chỗ thánh Phaolô nhấn mạnh đến thân xác sẽ sống lại, chứ không phải chỉ có hồn thiêng mà thôi. Tuy nhiên để tránh ngộ nhận, nên biết rằng thánh tông đồ không quả quyết rằng thân xác con người sẽ sống lại y nguyên, nhưng nó sẽ được biến đổi. Ngài nói rằng hiện nay chúng ta mang thân xác hư nát, nhưng lúc ấy chúng ta sẽ mang thân xác thần thiêng.

Thân xác “thần thiêng” là thân xác gì?
Thực không dễ hiểu. Thường thì chúng ta quen nghĩ tới thân xác như cái gì vật chất hữu hình, còn linh hồn là thiêng liêng. Cho nên nói tới thân xác thần thiêng thì thực là mâu thuẫn. Tuy nhiên có lẽ nên lưu ý hai điểm sau đây:

- Thứ nhất, khi nói đến thần thiêng, thánh Phaolô không có ý nói đến cái gì thiêng liêng vô hình cho bằng cái gì được hoàn toàn chi phối bởi Thánh Thần của Chúa.

- Thứ hai, thánh Phaolô không hẳn nói đến cái xác như là cái gì vật chất, đối lại với linh hồn, nhưng thân xác như là yếu tố nhờ đó con người tiếp xúc với tha nhân và thế giới.

Dù sao, giữa thân xác hiện tại với thân xác tương lai có cái gì liên tục, nhưng cũng có cái gì đổi mới. Ta có thể so sánh với thân xác của Đức Kitô Phục sinh thì biết. Thân xác của Ngài dĩ nhiên cũng chính là thân xác đã trải qua mọi nẻo đường ở Galilee, đã bị hành hình, đóng đinh vào thập giá. Mặt khác thân xác ấy trở nên rực rỡ, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Ngài có thể đi vào căn buồng đóng kín, và rút lui êm thắm khiến có môn đệ tưởng rằng đang thấy ma.

Nhưng mà Chúa Giêsu sống lại khi mà thân xác chưa rã vì mới chết không đầy ba ngày. Còn chúng ta, có người chết hàng ngàn năm rồi, thân xác ra tro bụi; đó là chưa kể những người bị hùm beo ăn thịt. Làm sao gom góp lại được thân xác cũ, cho dù cần phải đổi thay?
Trong vấn đề này, chúng ta cần phân biệt các cấp độ: một đàng là cấp độ đức tin dựa trên Lời Chúa; đàng khác là sự giải thích dựa trên những giả thuyết của lý luận con người. Đức tin chỉ xác quyết rằng con người sẽ sống lại, nhưng không nói cách thức như thế nào. Đức tin ấy dựa trên Lời Chúa, nghĩa là chúng ta tin rằng Chúa nói thật chứ không nói xạo, và nhất là tin rằng Chúa yêu ta, Ngài muốn cho ta được hạnh phúc chứ không bị hủy diệt. Tình yêu của Chúa là tình yêu tạo dựng: vì yêu thương ta, Ngài đã tạo dựng chúng ta từ hư vô; vì yêu thương ta, Ngài cũng sẽ tái tạo chúng ta từ chỗ tan rã.

Nhưng tái tạo thế nào? Đó là điều mà trí óc tò mò chúng ta muốn biết, và không lạ chi khi thấy bao nhiêu giả thiết đã được đặt ra trong lịch sử. Không nói ai cũng đoán được những giả thiết ấy phần nào liên hệ với những vấn đề văn hóa của thời đại. Tỉ như chúng ta biết rằng theo khoa học, trong suốt cuộc đời của chúng ta, các tế bào của da thịt không ngừng thay đổi, đến nỗi có thể nói rằng các tế bào của thân xác tôi ngày hôm nay hoàn toàn khác với các tế bào cách đây bảy năm về trước. Vị chi một cụ già sống 70 tuổi thì đã thay da đổi thịt đến 10 lần rồi. Dẫu vậy, cụ vẫn có thể nói rằng giữa cái xác của cụ lúc mới chào đời với cái xác ngày hôm nay vẫn có cái gì đồng nhất liên tục.

Từ những nhận xét ấy, một số nhà thần học cho rằng, việc Thiên Chúa cho thân xác sống lại không nhất thiết đòi hỏi phải gom góp tất cả các bụi tro của thân xác, chỉ cần tìm ra yếu tố nào tạo ra sự duy nhất của con người trong cuộc sống tại thế này. Vì vậy có người nói rằng, sự sống lại có nghĩa là Thiên Chúa sẽ dựng nên một thân xác mới kết hợp với linh hồn: chính linh hồn là yếu tố duy trì sự liên tục giữa con người cũ với con người mới. Theo một giả thuyết khác, thì Kinh Thánh nói đến sự sống lại như là sự thông dự vào cuộc chiến thắng tội lỗi với Đức Kitô; do đó mà chỉ những ai chiến thắng tội lỗi thì mới được lãnh ơn sống lại. Và ơn đó được ban ngay sau khi con người từ giã cõi đời này: cái thân xác nô lệ tội lỗi sẽ tan rã ra tro bụi; và lập tức, Thiên Chúa sẽ cho họ sống lại, ban cho họ một thân xác mới, thân xác thần thiêng như thánh Phaolô nói. Dĩ nhiên, theo những người chủ trương thuyết này, những người tội lỗi thì cho chết luôn, họ sẽ tan biến ra hư vô, cả hồn cả xác.
Lập trường của Giáo Hội đối với những thuyết ấy như thế nào?
Những giả thuyết vừa nói tuy không hoàn toàn phi lý, nhưng xem ra không hợp với truyền thống đức tin. Dĩ nhiên như đã nói trên đây, chúng ta không thể dựa hoàn toàn vào trí tưởng tượng để hình dung cách thức thân xác con người sẽ sống lại như thế nào. Chúng ta biết là thân xác sẽ sống lại, nhưng nó sẽ được hoàn toàn biến đổi.

Mặt khác, thánh Phaolô nói rằng, sự sống lại chỉ xảy đến vào thời Cánh Chung chứ không phải liền ngay sau khi chết. Sự sống lại của thân xác không phải chỉ là phần thưởng cho từng cá nhân, mà là một biến cố của toàn thể vũ trụ được canh tân hoàn toàn. Ngày ấy sẽ không còn tang thương, chết chóc nữa.

Tuy nhiên, đang khi mà thánh Phaolô nói đến sự sống lại thân xác như là sự mặc khải về cuộc toàn thắng của Đức Kitô, thì thánh Gioan thêm rằng, cả người dữ cũng sẽ sống lại, nhưng để bị luận phạt. Dựa vào đó, truyền thống Kitô giáo tin rằng, cả người dữ cũng sẽ sống lại, và họ sẽ bị trầm luân cả xác cả hồn.

Cần phải thú nhận rằng, không thiếu vấn nạn chung quanh tín điều thân xác con người sẽ được sống lại. Sự sống lại tuy đáp lại một niềm khát vọng chính đáng của con người, nhưng không phải dễ gì mà chấp nhận đâu. Chính thánh Phaolô đã bị các nhà trí thức ở Athène chế giễu, họ đứng dậy bỏ ra về khi thánh tông đồ trình bày đức tin của người Kitô hữu về sự sống lại. Nó đòi hỏi lòng tin nơi Thiên Chúa: Đấng Yêu Thương ta không muốn cho ta bị hủy diệt; Đấng Công Bình không muốn để cho người trung tín bị bỏ rơi quên lãng; Đấng Toàn Năng có thể làm được điều mà trí óc chúng ta không tưởng tượng nổi.

http://catechesis.net/index.php/tai-lieu/hieu-song-duc-tin/3881-hieu-song-duc-tin-than-xac-con-nguoi-song-lai-nhu-the-nao

 

back to top