Góc Nhìn Mục Vụ - Trạnh Lòng Thương Xót Chúa

  • 28 May 2018 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Quý Cụ, quý ông bà anh chị em thân mến,

Lòng thương xót của Chúa tuy đã được các nhà thần học bàn đến từ lâu, nhưng trở thành phổ cập vào giữa thế kỷ thứ XX, do ảnh hưởng của thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938).Năm 1931, Chúa hiện ra với thánh nữ Faustina trong một thị kiến.

Thánh nữ nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt (hai tia sáng biểu hiệu cho Máu và Nước. Tia sáng nhạt là biểu hiệu của Nước, để làm cho các linh hồn nên công chính. Tia sáng đỏ là biểu hiệu của Máu, để ban sự sống cho các linh hồn). Thánh nữ nhìn không chớp mắt thẳng vào Chúa trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu nói với thánh nữ: “Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo giòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. Cha mong ước bức ảnh này được tôn kính, trước hết, tại nguyện đường của con, sau đó, ở khắp nơi trên thế giới. Cha hứa là, linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho linh hồn thắng được các kẻ thù ngay khi còn sống trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ linh hồn ấy như là bảo vệ vinh quang của riêng Cha.” (http://songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=1969).

Ngày 23 tháng 5, 2000, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ấn định và chọn ngày Chúa Nhật II sau Lễ Phục Sinh là ngày kính Lòng Thương Xót Chúa.

Hiện có 3 bức tranh Lòng Thương Xót Chúa được Giáo hội công nhận và được tôn kính ở nhiều nhà thờ và tư gia.

Bức tranh do Kazimirowski vẽ năm 1934 là bức đầu tiên và nguyên thuỷ tuy không biểu tỏ được vẻ dịu dàng và từ ái của Chúa nhưng được chính Thánh Faustina chỉ dẫn: Chúa giơ tay ngang vai chúc lành, áo choàng trắng như vén lên phía dưới để lộ đôi chân và chân trái ở phía trước như đang bước đi, các tia sáng như chiếu vào người nhìn. Bức tranh do Hyla vẽ năm 1944 (6 năm sau khi thánh Faustina qua đời) và dâng tặng nhà dòng như một dấu chỉ biết ơn vì cả gia đình ông đã thoát chết trong Thế Chiến II: tuy diễn tả được nét từ ái của Chúa nhưng tay lại giơ cao quá vai và tia sáng lại chiếu xuống đất. Bức hoạ này hiện đang được đặt trên mộ phần của thánh Faustina tại tu viện ở Lagiewniki và là bức được nhiều người biết đến nhất. Đến năm 1982, Skemp muốn sửa lại chỗ sai lầm của Hyla nên đã vẽ tay Chúa xuống ngang vai và để hai luồng sáng chiếu thẳng vào người nhìn.

Giáo xứ chúng ta rất may mắn có anh hoạ sĩ với tài năng Chúa ban. Tôi đã nhờ anh và yêu cầu hoạ lại tranh “Lòng Thương Xót Chúa” cho Giáo xứ gần với tranh nguyên thuỷ nhất có thể. Sau nhiều tuần lễ tìm hiểu về lịch sử và cầu nguyện, anh đã phác hoạ (trên gỗ) tranh Lòng Thương Xót Chúa và dâng cúng cho Giáo xứ hiện được đặt ở tiền sảnh của Nhà thờ. Bức tranh đã được làm phép trước Thánh Lễ kính Chúa Ba Ngôi chiều Thứ Bảy ngày 26 tháng 5, 2018.

Điểm đặc biệt của bức tranh này là đôi mắt nhân từ và khuân mặt dịu dàng của Chúa luôn hướng về phía người nhìn tại mọi góc cạnh, chăm chú vào khuân mặt của Chúa lâu đủ, người nhìn sẽ thấy như Chúa đang mỉm cười. Thêm vào đó, sơn mầu được dùng để hoạ chân dung Chúa được pha trộn với nhiều chất liệu khác nhau: ít bột đất từ Thánh Địa Giêrusalem, dầu Ôliu, mộc dược, nước phép (từ Bethlehem, Nazareth, Giêrusalem, Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, Virginia).

Xin chân thành cảm ơn anh hoạ sĩ đã dành nhiều thời giờ trong cầu nguyện, tìm hiểu, suy niệm và phác hoạ tranh “Lòng Thương Xót Chúa” và dâng tặng cho Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta. Xin Chúa tiếp tục chúc lành và ban cho anh cùng gia quyến nhiều ơn lành hồn xác. Mỗi khi cầu nguyện trước ảnh Lòng Thương Xót Chúa, xin chúng ta cầu nguyện cho Giáo xứ, cho các ân nhân của Giáo xứ và cho người hoạ sĩ này.

Thân mến trong Chúa Kitô, Đấng là Lòng Thương Xót của Chúa.

Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.
Chánh Xứ

 

back to top