Đức Mẹ La Vang Với Họa Cảnh Linh Đài Của Thánh Địa La Vang

  • 03 March 2018 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Là người Công giáo Việt Nam, ngoài niềm tự hào về dòng máu anh hùng của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta còn hãnh diện vì Thánh Mẫu Maria đã thăm viếng cha ông chúng ta, hiện ra và an ủi các tín hữu đang bị bách hại tại Lavang, Quảng Trị.

Tại hầu hết các nhà thờ ở Hải ngoại nơi có cộng đoàn tín hữu Việt Nam sinh hoạt, chúng ta đều thấy có tượng ảnh Đức Mẹ Lavang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Giáo xứ chúng ta ngoài niềm hãnh diện mang thánh hiệu Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta có thánh tượng Đức Mẹ Lavang ở ngoài trời và tại cuối nhà thờ (Tượng Đức Mẹ Lavang tại tiền sảnh là món quà dành cho Giáo Họ Lavang khi họ có cơ sở riêng).

Ông Christos Yannaras trong sách “The Ethos of Liturgical Art” (1984) có viết: “Theo ý nghĩa siêu hình, thánh lễ … là một thực tại sống động mang chiều kích vũ trụ, bao gồm cả vật chất và cách sử dụng vật chất. Việc sử dụng đó gọi là nghệ thuật, là một sự biến đổi sáng tạo từ vật chất hữu hình trở thành mối tương quan và hiệp thông… Nếu không lưu tâm đến khía cạnh vật chất cũng như nghệ thuật cho đúng, lối đạo đức thuần túy “duy tâm” sẽ không thể diễn tả được đặc tính siêu hình của mối hiệp thông Giáo Hội… Thờ phượng trong Giáo Hội là một nghệ thuật, là việc cộng đoàn sử dụng thực tại hữu hình, xây dựng và định hướng cho chất liệu trong tự nhiên nhằm mang lại cho nó khả năng phục vụ cuộc sống, làm cho mối hiệp thông và tương quan trở nên “hiện sinh” thật hoàn hảo.”

Nghệ thuật thánh và các tượng ảnh trong nhà thờ, ngoài việc giúp cầu nguyện còn phải giúp thiết lập mối tương quan và hiệp thông giữa các tín hữu với Thiên Chúa, với gia đình Giáo hội và với các Thánh. Để diễn tả mối tương quan và hiệp thông ấy, tôi đã nhờ một giáo dân trong Giáo xứ có năng khiếu hội hoạ, dựa vào bố trí của Linh đài Đức Mẹ tại Lavang, Quảng Trị để tạo ra bức bích hoạ (tranh vẽ trên tường) phía sau Thánh tượng Đức Mẹ Lavang tại nhà thờ chúng ta. Như chúng ta đã biết, năm 1961 khi phác thảo dự án xây cất linh đài, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục và ban kiến thiết đã dựa theo lời các nhân chứng cho hay “Đức Mẹ đã hiện ra trên đám cỏ, dưới gốc cây đa” và đã chấp thuận đồ án linh đài ba cây đa nhân tạo của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Anh hoạ sĩ trong giáo xứ chúng ta đã bắt đầu vẽ từ ngày 19/2 và đã hoàn tất ngày 28/2 vừa qua. Bức bích hoạ diễn tả thật sinh động hình 3 ‘Cây Đa Nhân Tạo’ giữa bầu trời xanh với ánh sáng chói loà như ánh hào quang phát ra phía sau Mẹ.

Với việc hoạ lại cảnh linh đài Đức Mẹ Lavang tại chính Linh địa của Mẹ ở Quảng Trị và đặt thánh tượng Đức Mẹ Lavang của Giáo xứ vào vị trí trung tâm của bức bích hoạ, chúng ta muốn thiết lập mối tương quan và hiệp thông giữa Mẹ ở Lavang với Mẹ ở Giáo Xứ, giữa các tín hữu của Giáo hội Việt Nam với giáo dân của Giáo xứ, giữ linh địa của Mẹ ở quê hương với đài của Mẹ tại Giáo xứ.

Thêm vào đó, có một bí mật mà hiện tại chỉ có tác giả, quý cha và một số ít anh chị em biết, đó chính là nước dùng pha sơn vẽ. Anh hoạ sĩ đã dùng nước lấy từ chính giếng Đức Mẹ tại linh địa Lavang, hoà chung với nước từ linh địa Đức Mẹ Lộ Đức (Pháp) và nước từ Roma (Ý). Như vậy, ngoài việc đem cảnh của Linh đài Đức Mẹ từ Lavang đến Arlington, trong bức bích hoạ này còn ẩn dấu nước từ các linh địa khác nhau trên thế giới nơi Thánh Mẫu Maria đã hiện ra an ủi và và đem ơn lành của Chúa đến cho các tín hữu và cho toàn nhân loại.

Đại diện cho giáo dân của Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington, tôi xin chân thành cảm ơn người hoạ sĩ đã dâng hiến tài năng, thời giờ và tiền của (anh hoàn toàn không lấy công) để đem quang cảnh Linh đài Đức Mẹ Lavang từ Quảng Trị đến Giáo xứ chúng ta.

Xin Chúa ban cho anh và gia quyến thật nhiều ơn lành và sức khoẻ và xin quý ông bà anh chị em khi cầu nguyện trước Thánh tượng Đức Mẹ Lavang, xin hãy Tạ Ơn Chúa và tri ân người hoạ sĩ này.

Thân mến trong Chúa Kitô và Thánh Mẫu Lavang.

Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.
Chánh Xứ

 

back to top