Bùi Hữu Thư

Bùi Hữu Thư

Website URL:

Thánh Têresa Calcutta kêu gọi việc tạo dựng một nền văn hóa ưu tiên cho những người yếu đuối nhất

Thánh Têresa Calcutta coi việc phá thai là tệ trạng nghèo khổ lớn lao nhất và là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác kể cả việc bạo tàn.

Báo KoC Columbia tháng 9, 2016: Mẹ Têresa biết rõ nạn nghèo khó. Sau khi đã hy sinh cả cuộc đời sống trên các hè phố ở Calcutta, Ấn Độ - và các nơi khác trên thế giới – mẹ đã chăm sóc cho những người mà ai ai cũng phải cho là những người nghèo khó nhất trên thế giới.

Người nghèo là mối đam mê và là công trình trọn đời của mẹ. Không có ai gần gũi và thông cảm những người nghèo khó nhiều bằng mẹ. Khi mẹ thuyết trình trong lễ mãn khóa các sinh viên Harvard năm 1982, mẹ đã nói về sự nghèo khó mà đa số sinh viên không thể hình dung ra được.

Mẹ đã nói ngày hôm đó về sự nghèo khó, nhưng không phải là sự nghèo khó ở một nơi nào xa xôi.

Mẹ Têresa giải thích rằng, sự nghèo khó cùng cực không phải ở các khu nghèo nàn tại Ấn Độ, mà ở ngay các khu vực lân cận chúng ta tại Hoa kỳ. Mẹ coi việc phá thai là “một sự nghèo khổ lớn lao nhất. Một quốc gia, một dân tộc, một gia đình cho phép và chấp nhận việc phá thai là những người nghèo khó nhất giữa những người nghèo khó.”

Năm 1981, khi mẹ viếng thăm Hoa Thịnh Đốn, mẹ đã tiếp chuyện với Ông Carl Anderson, Đại Hiệp Tối Cao của Đoàn Hiệp Sĩ Kha Luân Bố. Mẹ đã hết sức cảm động khi nói về sinh họat của mẹ tại Calcutta và nhất là về việc giúp đỡ những thai nhi chưa sinh ra. Mẹ đã kể về những trường hợp hết sức tệ hại, khi một sơ trong dòng đã tìm thấy tám thai nhi sống sót sau vụ phá thai nằm trong một cái chậu bên ngoài một bệnh xá. Mẹ nói mẹ đã có thể cứu sống sáu em và tìm được các gia đình nhận chúng làm con nuôi.

Mẹ tiếp: “Thiên Chúa đã ban cho quốc gia các bạn quá nhiều. Xin đừng sợ hãi có con. Xin đừng quay lưng lại với những thai nhi chưa sinh ra. Sinh hãy bênh vực các trẻ vô tội này. Tôi cầu nguyện cho các bạn và cho toàn thể quốc gia của các bạn có thể thực hiện sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta và cho toàn thế giới.”

Ngôn ngữ này cho thấy một chủ đề kiên trì của mẹ. Năm 1979, khi mẹ lãnh giải thưởng Nobel về Hoà Bình, mẹ Têresa nói: “Đối với tôi, các quốc gia đã hợp pháp hóa việc phá thai là những quốc gia nghèo khó nhất. Họ sợ hãi những đứa trẻ chưa sinh, và chúng phải chết vì họ không muốn phải nuôi dưỡng và dậy dỗ thêm một đứa trẻ nữa.”

Sự lo lắng cho các đời sống chưa sanh là ưu tư quan trọng nhất của mẹ giữa những lo lắng cho những người nghèo khó và sống ngoài lề xã hội.

Năm 1994, trong bữa ăn sáng của Ngày Cầu Nguyện Toàn Quốc, có sự tham dự của các lãnh tụ quốc hội lưỡng đảng và Tổng Thống và bà Clinton, Mẹ Têresa đã trực tiếp kêu cầu dân tộc Hoa Kỳ: “Tôi nghĩ rằng sự tàn phá nền hoà bình khủng khiếp nhất hiện nay phải là việc phá thai, vì đây là cuộc chiến chống lại các trẻ em, một sự trực tiếp tiêu diệt các trẻ thơ vô tội, một sự sát nhân do người mẹ chủ mưu. Và nếu chúng ta chấp nhận cho người mẹ có thể giết chết chính đứa con của mình, thì làm sao chúng ta có thể bảo người ta không được chém giết lẫn nhau?”

Mẹ tiếp: “Bất cứ quốc gia nào chấp nhận việc phá thai thì không giảng dậy cho dân tộc mình biết yêu thương, và đã khuyến khích họ dùng bạo lực để chiếm đọat những gì họ mong muốn.” 

Ông Carl Anderson viết: “Chúng ta cần nghe theo lời khuyên nhủ của Mẹ Têresa khi mẹ lãnh giải thưởng Nobel năm 1979. Chúng ta hãy lấy một quyết định vững chắc: Chúng ta sẽ cứu sống mọi thai nhi, mọi hài nhi chưa sinh, và cho chúng có cơ hội được sanh ra đời, có cơ hội để biết yêu và được yêu thương, và tôi nghĩ rằng nhờ ơn Chúa chúngta sẽ có thể đem lại hoà bình cho thế giới.”

Cầu nguyện bất cứ lúc nào hay ở đâu

Không lúc nào đặc biệt đêm hay ngày
Chúa đòi hỏi chúng ta phải thờ kính.
Hay phải quỳ gối cầu nguyện với Ngài.
Vì tâm sự với Ngài là điều chính.

Ngài là linh hồn của mọi trái tim
Ngài nghe biết những gì chúng ta nói.
Cả những khi chúng ta còn lặng im,
Cầu xin thế nào ngài không đòi hỏi.

Trong một nhà nguyện, hay ở ngoài đường,
Ngài không đòi hỏi chúng ta bái quỳ.
Khi làm việc hay nghỉ ngơi bình thường,
Để dâng lên một kinh cầu giản dị.

Tại nơi công sở hay khi ở nhà
Ngài chỉ muốn chúng ta thờ kính.
Theo cách thức riêng tư của chúng ta.
Và tùy theo ý chúng ta quyết định

Bất cứ ở đâu và bất cứ khi nao,
Dù là ban ngày hay trong đêm tối.
Không quan trọng đối với Chúa chút nào,
Cứ nguyện cầu là được thương gấp bội.

Chúa luôn hiện diện trong trái tim ta.
Miễn chúng ta dành thời gian cầu khấn,
Ngài nghe được những lời không nói ra.
Vì Ngài luôn luôn đoái thương chút phận.

Cầu nguyện bất cứ lúc nào hay ở đâu!

Tông Huấn ‘Amoris Laetitia’ là Cẩm nang hướng dẫn cho hôn nhân.

Tuần Báo Arlington Catholic Herald, 7-14, tháng 9, 2016

‘Amoris Laetitia’, Tông Huấn năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô về hôn nhân và đời sống gia đình, không chỉ là một khí cụ lợi ích cho các chương trình của giáo xứ, nhưng còn cung cấp những huấn dụ thực tiễn cho các cặp đính hôn.

Đức Thánh Cha viết như sau trong suy niệm của ngài về Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10, năm 2015: “Việc học biết cách yêu thương một người nào đó không tự động xẩy ra, và cũng không thể được giảng dậy trong một khóa huấn luyện ngay trước phép hôn phối.”

Ngài cũng viết rằng mục tiêu chính yếu của chương trình chuẩn bị hôn nhân của các giáo xứ phải là giúp đỡ cho các cặp đã đính hôn “học cách thật sự yêu thương người mà chàng hay nàng dự tính sẽ chia xẻ suốt cuộc đời với mình.”

Ngài đề nghị rằng các cặp đính hôn phải học hỏi trước hết nơi cha mẹ họ, và sau đó là nơi các chương trình của giáo xứ. Đức Thánh Cha cũng khuyên họ nên tận dụng Bí Tích Hoà Giải để tìm được sự thương xót và “sức mạnh hàn gắn chữa lành,” và cũng phải suy niệm về các bài đọc đã được lựa chọn cho Thánh Lễ Hôn Phối của họ, nhất là ý nghĩa của việc họ trao nhau nhẫn cưới.

Trên phương diện thưc tiễn, ngài lưu ý về cảm nghiệm “bị kiệt sức hay căng thẳng” của nhiều lứa đôi vào ngày cưới, và đề nghị nên tránh tình trạng này bằng các nghi thức giản dị hơn.

Ngài nói giống như người cha một cô dâu: “Hãy có can đảm để làm những gì khác người. Đừng để cho mình bị lối cuốn bởi một xã hội tiêu thụ và những bề ngoài trống rỗng. Điều quan trọng là tình yêu chia xẻ cho nhau, phải được tăng sức và thánh hóa bởi ân sủng.” 

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng viết trong “Amoris Laetitia” là có nhiều lý do để các cặp trẻ tuổi không làm đám cưới – lý do tài chánh và sợ hãi hôn nhân sẽ giới hạn sự tự do của họ.

Để chống lại các tư tưởng này, ngài nói các cặp trẻ tuổi cần được giúp đỡ để khám phá ra hấp dẫn của một sự kết hợp hoàn toàn khi nâng cao được chiều kích xã hội của đời sống, giúp cho tình yêu chăn gối có ý nghĩa xâu đậm, và có lợi ích cho con cái vì cung ứng cho chúng nội dung tốt đẹp nhất cho sự trưởng thành và phát triển.”

Ngài cũng nói rằng những người phụ trách chương trình dự bị hôn nhân nên cố gắng không nhồi sọ họ với quá nhiều tài liệu, thay vào đó nên chú trọng vào việc giúp họ chấp nhận các giáo huấn của giáo hội và tìm kiếm các khuyên cáo và các chương trình thực tiễn.

Đức Thánh Cha đề nghị rằng các chương trình chuẩn bị hôn nhân cần phải giúp cho các cặp đính hôn nhận biết các vấn đề sẽ xẩy ra và những nguy hiểm họ có thể phải đối phó.

Ngài nói: “Bằng cách này các lứa đôi ý thức được sự khôn ngoan của việc cắt đứt mối tương quan khi có thể tiên đoán là sẽ thất bại và có những hậu quả đau đớn.”

Đức Thánh Cha cũng nói rằng “có nhiều cặp lấy nhau mà không thực sự hiểu biết nhau.” Muốn tránh điều này, ngài nói: họ cần phải thảo luận về những gì họ chờ đợi và mong muốn nơi hôn nhân và cuộc sống chung họ hy vọng sẽ có thể cùng chung xây với nhau sẽ ra sao.

Ngài nói: Hôn nhân không phải là “điểm cuối con đường”, nhưng là “một ơn gọi cam kết suốt đời, dựa trên một quyết định vững chắc và thực tế là sẽ cùng nhau đối phó với mọi thử thách và các giây phút khó khăn. “

Đức Thánh Cha cũng khuyên các cặp đính hôn hãy tiếp tục tìm kiếm sự trợ giúp của cha mẹ họ sau ngày cưới và nhất là trong các năm đầu của cuộc sống chung.

Ngài viết: “Các tình yêu trẻ cần phải tiếp tục nhẩy múa trên hành trình hướng về tương lai với niềm hy vọng bao la.”

Ngài tiếp: “Chính niềm hy vọng này là men nồng trong những năm đầu của việc đính hôn và hôn nhân  giúp cho họ có thể vượt thắng các tranh cãi, mâu thuẫn và xung khắc, và có thể nhìn mọi sự trong một viễn cảnh rộng lớn hơn.”

Có Chúa ở trong mỗi người

Có Chúa ở trong mỗi người chúng ta,
Vì Ngài đã sai Thánh Thần ngự đến.
Canh tân và đổi mới khắp mọi nhà,
Vì chúng ta là con cái Ngài yêu mến.
 
Thánh Thần ban cho quả tim thịt mềm,
Thay thế cho một trái tim chai đá.
Khiến chúng ta ngày càng giống Chúa thêm,
Tôn vinh Chúa, chúng ta dâng lời cảm tạ.
 
Lòng ta cảm nhận tình Chúa cao vời,
Mỗi khi chúng ta ngợi khen Dánh Thánh.
Là có Chúa hiện diện trong một người,
Để họ biết tìm và làm theo Ý Thánh.
 
Chúa là sức mạnh cho ai lòng thành,
Dìu dắt cho trên đồi cao núi dốc.
Ngài là suối nguồn của mọi ơn lành,
Là ngôi sao sáng rạng ngời chiếu dõi.
 
Ngài là ngọn đèn soi trong đêm tối,
Giúp chúng ta trên những lộ trình dài.
Và Ngài luôn luôn dẫn đường chỉ lối,
Là bạn đồng hành khi gặp bước chông gai.
 
Có Thiên Chúa trong chúng ta, mọi người,
Đã tái sinh thành tạo vật tuyệt vời.
Vì chúng ta được Thánh Thần đổi mới,
Được tạo nên giống hình ảnh của Người.

Theo chân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Theo chân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Phanxicô gia tăng mức độ phong thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh Mẹ Têrêsa ngày Chúa Nhật 4/9/2016, và tuyên phong hiển thánh cho một nhân vật của thế kỷ 20 nổi danh về mục vụ cho người nghèo khó và hấp hối. Vụ phong thánh này còn cho thấy có sự gia tăng mạnh mẽ trong việc phong thánh trong triều đại của ngài.

Các thần học gia và các nhà theo dõi các giáo hoàng nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang phong thánh với mức độ chưa từng thấy từ thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đấng được tuyên xưng là nhà vô địch phong thánh trong Giáo Hội. Trong ba năm rưỡi làm giáo hoàng, ngài đã chủ sự trên 20 vụ phong thánh – 11 lần hơn Đức Biển Đức XVI, người tiền nhiệm, vào cùng thời điểm trong triều đại. Nếu chúng ta xét đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho 813 vị tử đạo người Ý thuộc thế kỷ 15, thì ngài đã chiếm vị thế vô địch – một kỷ lục chính ngài cũng đã vui vẻ công nhận.

Không hẳn con số là điều đáng kể, nhưng trong vài trường hợp tốc độ nhanh chóng và phương cách lại còn đáng chú ý hơn, vì ngài cũng sẵn sáng cứu xét nguyên nhân phong thánh cho những ứng viên có vấn đề mâu thuẫn. Do đó có người cho rằng đã có quá nhiều người được phong thánh, và thể thức phong thánh có vẻ quá rẻ tiền.

Theo Austen Iverreigh, tác giả “The Great Reformer: Francis and the Making of a Radical Pope”: “Tôi nghĩ rằng Đức Benedict XVI đã cố ý làm cho việc phong thánh chậm trễ hơn. Và Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn tái thiết nhịp độ nhanh như trước.”

Trong Giáo Hội Công Giáo thể thức phong thánh có thể kéo dài hàng chục năm. Vậy mà Mẹ Têrêsa được chính thức tuyên phong là Thánh Têrêsa Calcutta – đã đạt được vị thế này trong thời gian khá nhanh chóng là 19 năm sau khi qua đời.

Thực vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự ba vụ phong thánh nhanh chóng nhất trong lịch sử giáo hội hiện đại – Vụ Mẹ Têrêsa, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và một nữ tu Tây Ban Nha qua đời năm 1998, và được phong thánh năm ngoái. 

Có người cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có vẻ lưu tâm đến các ứng viên phản ảnh sự chú tâm của ngài đến sự bất bình đẳng, lòng thương xót và thảm trạng của người nghèo khó. Chẳng hạn việc phong chân phước năm ngóai cho Đức Cha Oscar Romeo, một Giám mục Salvador bị ám sát năm 1980.

Đức Cha Romeo bị một số người cho là thiên tả tại Salvador quê hương của ngài, và nguyên nhân phong thánh đã bị trì hoãn nhiều năm. Nhưng năm 2013, chỉ sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhậm chức. một giới chức cao cấp của Vatican đã cho hay là vụ này đã được ngài giải tỏa. Ngài tuyên bố một năm sau: “Điều này hết sức quan trọng và phải xúc tiến nhanh chóng.”

Có người chỉ trích rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang chơi lá bài “mục vụ chính trị”, tuy nhiên nhiều người lại khẳng định rằng ngài không chọn các thánh theo ý riêng, và thủ tục phong thánh không cho phép được làm như vậy. Đức Thánh Cha có thể đẩy cho các ứng viên được nhanh lên hay làm chậm lại nhưng ngài không tự ý lựa chọn. Cha Robert Sarno, một giới chức cao cấp trong Bộ Phong Thánh nói: “Đức Thánh Cha có quyền tiên quyết, nhưng ngài không làm việc trong môi trường ‘chân không’. Ngài không đi ngược dòng lịch sử để kiếm tìm các vị thánh.”

Nhiều học giả Công Giáo lại coi việc phong thánh nhanh chóng có lợi ích hơn, nhất là trong trường hợp của Mẹ Têrêsa và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là hai người gần gũi với đời sống của người Công Giáo hiện đại.

Thay vì phải học hỏi về đời sống của các vị này qua các tài liệu sách vở, các sinh viên có thể chỉ cần xem lại các cuộc phỏng vấn truyền hình trên Youtube. Nhiều người Công Giáo có thể nhớ lại một cách sống động, những Thánh Lễ vĩ đại và sốt sắng tại các sân vận động của Gioan Phaolô II.

Manfred Becker-Hubert, một thần học gia tại Đại Học Triết Thần Vallendar, Đức Quốc nói: “Các vị này sống trong cùng hoàn cảnh với chúng ta, vì thế họ gần gũi chúng ta hơn. Họ là những tấm gương sáng cho chúng ta. Một người như Mẹ Têrêsa có thể khiến cho mọi người tôn kính mà còn khiến cho họ thay đổi đời sống nữa.”

Đa số ứng viên thông thường phải có hai phép lạ đã được kiểm chứng. Trong trường hợp Mẹ Têrêsa Thánh Gioan Phaolô II lúc đầu đã bỏ qua nguyên tắc năm năm, khiến cho nguyên nhân của Mẹ được xúc tiến. Mặc dầu phép lạ thứ hai - một phụ nữ Ba Tây được khỏi bệnh ung thư màng óc, được cho là xẩy ra năm 2008 nhưng các giới chức Tòa Thánh chỉ được biết năm 2013 sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ba Tây.

Trong các trường hợp khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bỏ qua quy tắc hai phép lạ - chỉ cần một hay không cần phép lạ - không ít ra dưới tám lần. trong các trường hợp được lựa chọn để cho việc phong thánh được nhanh chóng hơn. Trong đó có trường hợp của Cha Peter Faber, một sáng lập viên của Dòng Tên, và được ngài coi là một vị anh hùng của mình. Ngài đã phong thánh cho Cha Faber vào ngày sinh nhật của ngài, và đã cho nguyệt san Catholic Magazine of America biết lý do ngài thấy Cha Faber xứng đáng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Vì các cuộc đối thọai của Cha Faber với tất cả mọi người, ngay cả với đối thủ của ngài, lòng sốt mến giản dị, có thể có đôi chút ngây thơ, sự sẵn sàng giúp đỡ mọi người ngay tức khắc, việc xét mình thật kỹ lưỡng để nhận định, và sự kiện ngài là con người có thể lấy những quyết định mạnh mẽ, nhưng cũng có thể hết sức dịu hiền và yêu thương.”

Bùi Hữu Thư chuyển ngữ bài của Anthony Faiola đăng trên Washington Post ngày 3 tháng 9, 2016.

Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước

Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước,
Dẫn con đi trong bóng tối ngập trời.
Lời Chúa con cần tìm hiểu cho được,
Để con không vấp ngã trong đời.
 
Không hẳn là con chưa từng khổ đau,
Hay chưa từng nếm mùi vị buồn rầu.
Nhưng con biết mỗi khi con phiền muộn,
Thì con cần tìm đến chỗ giải sầu.
 
Con phải tìm mở một trang sách quý,
Là Phúc Âm với Lời Chúa chân tình.
Sẽ cho con câu trả lời chí lý,
Là hướng dẫn cho tất cả sinh linh.
 
Chúa ban cho ta cuộc đời đang sống,
Ngài muốn chúng ta đều phải dự phần.
Phải biết rằng Lời Chúa cần trân trọng,
Đọc mỗi ngày để ân sủng chứa chan.
 
Lời Ngài nói trong cuốn sách Phúc Âm,
“Cha vẫn gánh vác cho con âm thầm.”
“Này con ơi, đừng bao giờ lo lắng!”
“Cứ cầu xin và tin tưởng thật tâm.”

Krakovia 2016: Đức Thánh Cha cám ơn Giáo Hội Ba Lan đã đón tiếp ngài nồng hậu

Trong hai điện văn, ngài ca ngợi đức tin của dân tộc Ba Lan

22 tháng 8, 2016 (Zenit.org/fr)

Sau chuyến công du tại Ba Lan từ ngày 27 đến 31 tháng 7, 2016, nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cám ơn dân tộc Ba Lan vì đã đón tiếp ngài nồng hậu.

Trong hai điện văn gửi cho Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan và Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, tổng Giám Mục Krakovia, Đức Thánh Cha ngợi khen “đức tin vững mạnh” và “niềm hy vọng không lay chuyển” của họ, mặc dầu họ đã gặp phải “nhiều khó khăn và thảm trạng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyến khích họ “luôn luôn làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa”, trong hai lá thư được phồ biến hôm nay ngày 22 tháng 8.

Điện Văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Hội Đồng Giám Mục Ba Lan

Kính gửi Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki
Tổng Giám Mục Poznań
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan

Sau chuyến viếng thăm mục vụ của tôi tại Ba Lan, một lần nữa tôi muốn bầy tỏ lòng tri ân của tôi đối với chính các bạn, các giám mục, linh mục, các tu sĩ và các giáo dân, vì đã đón tiếp tôi rất mồng hậu, và về việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến viếng thăm của tôi. Tôi hết sức cảm động về đức tin mạnh mẽ của các bạn và về niềm hy vọng không lay chuyển của các bạn mặc dầu phải đối phó với biết bao khó khăn và thảm trạng, và về tình yêu nồng cháy của các bạn đã hun đúc hành trình nhân lọai và tôn giáo của các bạn.

Tôi rất trân quý kỷ niệm về phụng vụ đặc biệt của Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Częstochowa, nhân dịp kỷ niệm 1050 năm ngày Ba Lan được chịu Phép Rửa, cũng như giây phút cầu nguyện tại Trại Tập Trung Auschwitz. Tôi rất vui mừng nhớ lại cuộc gặp gỡ với các người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các bạn, để cho Giáo Hội Ba Lan có thể tiếp tục theo đuổi hành trình đức tin một cách kiên trì và can đảm, và làm chứng cho tất cả mọi người về lòng thương xót của Thiên Chúa. Về phần các bạn, xin cầu nguyện cho tôi, tôi chúc lành cho các bạn với hết cả tấm lòng.

Thân mến trong tình bằng hữu,

Phanxicô

Điện Văn của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi Tổng Giáo Phận Krakovia

Kính gửi Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakovia

Sau chuyến viếng thăm mục vụ tại Krakovia, trong đó tôi đã có dịp bầy tỏ lòng kính nhớ và tri ân vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Gioan Phaolô II, để được sống những giờ phút hiệp thông sâu xa với Cộng Đồng Tổng Giáo Phận, và để cảm nghiệm sự sốt sắng của đám đông các giới trẻ đến từ khắp năm châu, tôi muốn bầy tỏ với ngài và với các linh mục, các tu sĩ và giáo dân của tòan thể Cộng Đồng Tổng Giáo Phận lòng tri ân chân thành của tôi về sự đón tiếp nồng hậu của ngài, và về sự tử tế ngài đã dành cho tôi và các công sự viên của tôi. Ký ức về Thánh lễ cảm động, với sự tham dự đông đảo và đầy tràn đức tin sống động, vẫn còn hiện diện trong tim tôi.

Tôi cảm tạ ngài, ban điều hành của Tổng Giáo Phận, tất cả các cộng sự viên của ngài, và tất cả những ai đã giúp cho những ngày của đức tin và cầu nguyện được diễn ra trôi chẩy Tôi cũng tri ân sự quý mến các giới chức đạo đời và các tín hữu đã dành cho người kế vị Thánh Phêrô: tất cả những điều này là dấu chỉ của tình yêu dành cho Giáo Hội, đàng sau tình yêu trường kỳ và kính mến dành cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong khi khuyến khích cho Tổng Giáo Phận Krakovia kiên trì tiến bước, và thường xuyên làm chứng cho lòng thương xót Chúa, tôi cầu xin Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Mẹ Maria, ban tràn đầy ân sủng cho ngài và tất cả những ai ngài chăm sóc mục vụ, nhất là cho các người trẻ, để họ có thể ngày càng tăng trưởng trong sự cam kết vững chắc đối với Phúc Âm. Với những tâm tình này, tôi cũng xin ngài cầu nguyện cho tôi, và tôi cũng ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Thân kính,

Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi Assisi ngày 20 tháng 9

Nhân ngày Cầu Nguyện cho Hòa bình 30 năm sau khi được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng.

Assisi,18 tháng 8, 2016

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Assisi lần thứ ba vào ngày 20, tháng 9, 2016 nhân dịp Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình với các nhân vật hữu trách phía tôn giáo và chính quyền. Biến cố này đánh dấu kỷ niệm 30 năm kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng.

Đức Thánh Cha sẽ trở lại thành phố mang tên thánh bổn mạng của ngài để bế mạc ba ngày dành cho hòa bình được tổ chức từ 18 đến 20 tháng 9 do các tu sĩ Phanxicô, giáo phận Assisi và Cộng Đồng Sant’Egidio tổ chức. Văn phòng truyền thông của Tòa Thánh cũng đã xác nhận nguồn tin này.

Ngoài Thượng Phụ Đại Kết Constantinople Bartholomaios và Tổng Thống Cộng Hòa Ý Sergio Mattarella, trên 400 phái đoàn đại diện thế giới tôn giáo, chính trị và văn hóa sẽ tham dự với chủ đề “Khao khát hòa bình. Đối Thọai Tôn Giáo và Văn Hóa.” Sáng kiến cầu nguyện này đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi sự ngày 27 tháng 10, 1986.

Đây là lần thứ ba Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thành Poverello : lần đầu ngày 4 tháng 10, 2013, ngài đã đi hành hương thăm viếng ngôi mộ của Thánh Phanxicô và Thánh Clara. Ngài cũng đã gặp gỡ các trẻ em mắc bệnh hay tật nguyền, và những người nghèo khó. Và gần đây, ngày 4 tháng 8 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 800 năm “Xá giải thành Assisi”,

Tinh thần Assisi

Cuộc gặp gỡ với Sultan Al-Kamel tại thành phố của thánh Phanxicô Assisi  đã trở nên kiểu mẫu cho việc đối thọai tôn giáo, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập cuộc gặp gỡ liên tôn lần thứ nhất cho hòa bình, nhân dịp Năm Quốc Tế cho Hòa Bình do Liên Hiệp Quốc khởi xướng. Ngài đã tái thiết lời mời gọi của ngài ngay trong trận chiến Balkan năm 1993. Và ngài lại đề nghị một cuộc gặp gỡ khác ngay sau cuộc khủng bố tấn công 11 tháng 9, 2001: và lần gặp gỡ này đã xẩy ra ngày 29 tháng 1, 2002.

Đức Benedict XVI sau đó đã đề nghị một cuộc gặp gỡ của các tôn giáo cho hòa bình, nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên, vào ngày 27 tháng 10, 2011. Nhân dịp này vị Giáo Hoàng người Đức đã mời cả những người vô thần tham dự.

Nhân dịp gặp gỡ đầu tiên, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích “tinh thần Assisi”: “Sự việc chúng ta đến đây không có mục đích tìm kiếm một sự đồng thuận về tôn giáo giữa chúng ta, hay để mưu đồ một sự thương lượng về những tín điều của chúng ta. Cũng không có nghĩa là các tôn giáo có thể được hòa giải trên kế họach của một sự hợp tác, qua sự thỏa thuận tương đối các tín điều, vì tất cả mọi con người đều phải chân thành tuân theo lương tâm ngay thẳng của mình với mục đích tìm kiếm sự thật và để vâng theo chân lý ấy. Cuộc gặp gỡ của chúng ta chỉ chứng nhận điều có ý nghĩa nhất cho mọi người trong thời đại chúng ta, là trong cuộc chiến lớn lao cho hòa bình, nhân lọai, với sư đa dạng, vẫn phải kín múc những suối nguồn sâu thẳm nhất và sống động nhất, nơi lương tâm được tạo dựng, và trên đó luân lý đạo đức của con người phải noi theo.”

Đáp ứng với một thế giới lâm chiến

Năm nay, chương trình gặp gỡ gồm có hai ngày trao đổi “bàn tròn” và một ngày cầu nguyện. Trong một cuộc phỏng vấn của Radio Vatican tháng ba vừa qua, linh mục Mauro Gambetti khẳng định rằng ngoài các lãnh đạo tôn giáo, chính trị gia, các đại diện của thế giới khoa học và văn hóa, các “Người kiến tạo hòa bình” đều được mời tham dự.

Trước một thế giới bị xâu xé bởi các cuộc chiến, các tham dự viên sẽ đáp ứng bằng một lời nguyện và một tuyên ngôn nhất trí, là kết quả của một sự suy nghĩ chung. Các đề tài thảo luận gồm có: Các nguyên tắc được tất cả các tôn giáo công nhận cho một sự sống chung hòa bình; sự đóng góp của chính trị, khoa học, và văn hóa cho hòa bình; và việc bảo vệ môi trường.

Không thể có trái tim khép kín nếu muốn biết Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hãy xét mình: “Đức tin của tôi nơi Chúa Kitô ra sao?”

Radio Vatican,

Muốn hiểu biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể có những trái tim khép kín, mà cần có những trái tim can đảm và biết hướng về phía trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh điều này trong bài giảng sáng nay tại nhà nguyện Thánh Mác-ta khi ngài mời gọi những người hiện diện hãy tự hỏi mình về đức tin nơi Chúa Kitô.

“Đức tin của tôi nơi Chúa Kitô ra sao?” Ngài mời gọi họ suy niệm, trong khi ngài dẫn giải về các bài đọc hôm nay.

Nhắc lại Phúc Âm theo Thánh Mác-cô, trong đó thuật lại phép lạ chữa lành một người bại liệt tại thành Capernaum, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “không ai có thể mua được đức tin.” Vì đó là một “quà tặng làm thay đổi đới sống.”

Cần khai mở trái tim

Ngài nhấn mạnh: Muốn thật sự biết Chúa Giêsu, chúng ta không thể có “trái tim khép kín”, mà cần phải bước theo con đường của sự tha thứ và khiêm tốn.

Để giải thích thế nào là thực sự có đức tin, Đức Thánh Cha nói về người dân thành Capernaum: họ đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đến gần được Chúa Giêsu, dám chấp nhận bất cứ hiểm nguy nào có thể xẩy đến cho họ. Vì họ hết sức tin tưởng vào Chúa và quyền năng chữa lành của Người, họ đổ xô tới và vây quanh căn nhà nơi Chúa sẽ chữa lành. Ngài lưu ý rằng cần phải trổ mái nhà ra mới đem người bại liệt xuống được.

 

Cần những trái tim cam đảm và hướng về phía trước

 

Đức Thánh Cha nói: “Họ có đức tin, cùng một đức tin giống như người phụ nữ xuất huyết, cũng trong đám đông, cố gắng tới gần để chạm được gấu áo Chúa Giêsu, khi Người đến nhà Giairô, để Chúa cũng chữa lành cho bà ta.” Ngài ghi nhận rằng đây cũng giống như đức tin của ông đội trưởng, cầu xin cho đầy tớ của mình được chữa lành.

Đức Thánh Cha nói: “Đức tin vững mạnh, can đảm hướng về phía trước, những trái tim biết đến với đức tin.”

 

Những trái tim khép kín không thể hiểu biết Chúa Giêsu

Trong câu chuyện của người bại liệt, Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu đã đi một bước xa hơn,” là không chỉ chữa lành mà còn tha thứ nữa.

“Có những người hiện diện ở đó có trái tim khép kín, nhưng công nhận – phần nào – rằng Chúa Giêsu là người thầy chữa được bệnh tật – Nhưng tha thứ tội lỗi thì thật là mạnh mẽ! Con người này đã đi quá trớn! Ông ta không có quyền nói như vậy, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội mà thôi.”

Đức Thánh Cha suy niệm, chỉ có Chúa Giêsu biết họ đang nghĩ gì, và Chúa nói: ‘Ta có phải là Thiên Chúa Không? – Không, Chúa không nói thế, “Tại sao các người nghĩ như thế? Vì các người biết rằng Con Người có quyền năng – đây là điều khiến cho Người khác biệt [It. è il passo avanti] – để tha tội ‘Hãy đứng lên vác chõng mà về.’

Đức Thánh Cha nhận định rằng ở đây, “Chúa Giêsu bắt đầu nói ngôn ngữ phần nào đã làm nản lòng dân chúng, và cả vài môn đệ đang đi theo Người – vì, lời Người khó nghe lắm, khi Chúa nói về việc ăn Mình Người để được cứu rỗi.”

Nghi ngờ: nhưng bạn có là một môn đệ ở lại hay bỏ đi?

Ngài khuyên các tín hữu hiện diện hãy suy nghĩ xem Chúa Giêsu có thực sự hoán cải đời sống họ không.

Khi Chúa Giêsu đã xuất hiện với một quyền năng to lớn hơn quyền lực của một con người. “Để tha thứ, để ban sự sống, để tái tạo nhân lọai, ngay các môn đệ Người cũng nghi ngờ [một số đã bỏ đi].” Chúa Giêsu hỏi một nhóm nhỏ, ‘Còn các anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”

“Đức tin nơi Chúa Giêsu: Đức tin của tôi nơi Chúa Giêsu ra sao? Tôi có tin Chúa Giêsu là Chúa, là Con Thiên Chúa? Và đức tin này có thay đổi đời sống tôi không? Đức tin của tôi có làm cho năm Thánh này, năm Thánh của sự Tha Thứ, có làm cho tôi tiến lại gần Chúa hơn không?”

 

Không ai xứng đáng với Đức Tin

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, ‘Đức tin là một quà tặng, không ai xứng đáng với đức tin và cũng không ai mua được đức tin. Vì thế, chúng ta phải luôn luôn khiêm tốn, thống hối và cầu nguyện: ‘Xin tha tội cho con, Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Thiên Chúa, Chúa có thể tha tội cho con.”

Đức Thánh Cha cầu xin Chúa Kitô “làm cho chúng ta tăng trưởng trong đức tin.”

Ngày ghi nhận, “dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu vì họ muốn nghe lời Chúa, vì Người nói có uy quyền, không như các kinh sư ký lục.”

Ngài tiếp, họ cũng đi theo Chúa vì Chúa chữa lành và làm nhiều phép lạ - cuối cùng, “chính những người này sau khi đã chứng kiến phép lạ, đều ngạc nhiên thán phục. Họ đã ra đi tôn vinh Chúa.”

Ca tụng

“Ca tụng, là bằng chứng rằng tôi tin Chúa Giêsu Kitô là Chúa trong đời sống tôi, và Chúa được gửi tới để ‘tha thứ cho tôi.’ Nếu tôi có khả năng ca tụng Chúa. Hãy ca tụng Chúa. Vì ca tụng không tốn tiền.”

Ngài ghi nhận rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta cảm nhận này và khả năng để bầy tỏ điều này, là giúp chúng ta biết nói lên rằng: “Chỉ có Chúa là Chúa của con.”

Đức Thánh Cha kết thúc và cầu xin Thiên Chúa ‘làm cho chúng ta tăng trưởng trong đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Chúa là Đấng tha tội chúng ta, ban cho chúng ta một năm ân sủng – và xin cho đức tin này dẫn đưa chúng ta đến việc ca tụng Chúa.”

Người Đi Gieo Hạt Giống

Trong khi bước đi trên đường đời,
Nên thận trọng khi gieo hạt giống.
Vì khi hạt giống đã gieo rồi,
Nó sẽ mọc nhanh như gió thổi.
 
Lúc gặt hái sẽ khó khăn hơn nhiều,
So với lúc hạt được vãi gieo.
Có biết bao hạt được bỏ xuống,
Nhưng ngày gặt, hái được bao nhiêu?
 
Đừng gieo những hạt giống hồ nghi,
Hay những hạt tham lam ích kỷ.
Cần những hạt nhuần thấm tình yêu,
Lúc gặt hái sẽ ích lợi hơn nhiều.
 
Không bao giờ gieo hạt bừa bãi,
Phải luôn luôn ghi nhớ trong đầu.
Nếu được gieo với tình yêu vững chãi,
Không bao giờ thấy phí phạm đâu.
 
Cần gieo những hạt giống cảm thông,
Và những hạt kiên nhẫn hòa đồng.
Để mai sai, khi đến mùa gặt,
Sẽ có nhiều hoa trái đâm bông.
Subscribe to this RSS feed