Góc Nhìn Mục Vụ Tại Sao Gọi Là Chúa Nhật Áo Trắng?

  • 15 April 2018 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Lm. Phan Tấn Thành, OP.


Chúa Nhật cuối tuần Bát Nhật Lễ Phục sinh được phụng vụ đặt tên là “Chúa Nhật Áo Trắng”. Vì đâu có tên gọi đó? Áo trắng tượng trưng cho cái gì?

Từ thời các giáo phụ, Chúa Nhật Bát Nhật Lễ Phục Sinh được đặt tên là “Chúa Nhật Áo Trắng”, bởi vì vào hôm ấy các người tân tòng bỏ tấm áo trắng mà họ đã nhận lãnh vào đêm Vọng Phục Sinh.

Chúng ta đừng nên quên rằng theo truyền thống, các dự tòng lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Lễ Phục Sinh. Sau khi lãnh bí tích rửa tội, họ được trao tấm áo trắng, và suốt tuần bát Nhật Phục Sinh, họ mặc áo trắng khi tham dự phụng vụ, và đặc biệt là tham dự các bài huấn giáo nhiệm tích. Giai đoạn huấn giáo kết thúc vào Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật: các tân tòng bỏ tấm áo trắng, và mặc lại thường phục; từ đó mới có tên gọi là “Dominica in albis deponendis” (Chúa Nhật cởi áo trắng).

Áo trắng tượng trưng cho cái gì?

Trong việc lựa chọn màu sắc y phục, chúng ta thấy có ít là hai tiêu chuẩn: một đàng là nghĩa biểu tượng, một đàng là tính cách thực dụng. Xét vì tính cách thực dụng, chúng ta thấy người dân ở xứ nóng (chẳng hạn như người Ả Rập ở vùng Trung Đông) mặc đồ trắng, bởi vì nó không bắt nắng. Xét về tính cách biểu tượng, màu trắng ám chỉ sự trong sạch, vì thế thời xưa các ứng cử viên ở Rôma mặc áo trắng để chứng tỏ rằng họ là người trong sạch (candidatus, gốc bởi tính từ candidus la trong sáng). Tấm áo trắng được trao cho các tân tòng sau khi lĩnh bí tích rửa tội mang nhiều biểu tượng. Ý nghĩa dễ hiểu hơn cả là biểu tượng của sự tinh sạch nguyên tuyền: họ đã được rửa sạch tội lỗi, lấy lại được vẻ trong trắng nguyên tuyền của nhân loại trước khi nguyên tổ phạm tội. Biểu tượng thanh sạch tinh tuyền của màu trắng đã được nói đến trong Cựu Ước, chẳng hạn như ngôn sứ Isaia 1,18: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông”. Đó cũng là lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh 51,9 “Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết”. Ngoài ra, còn có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa, đó là các tân tòng mặc lấy thiên tính. Thực vậy, khi mô tả các thiên sứ hoặc Chúa Kitô Phục Sinh, các tác giả Tân Ước nói rằng các ngài mặc áo trắng, biểu tượng cho ánh sáng huy hoàng của thiên giới. Việc trao áo trắng cho người mới được rửa tội diễn tả điều mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi Galát 3,24: “Anh em đã mặc lấy Đức Kitô”.

Khi cử hành Thánh Lễ, các linh mục cũng mặc áo trắng với lý do đó phải không?

Cần phân biệt hai thứ áo: áo dài và áo lễ. Áo dài bên trong màu trắng (vì thế gọi là áo Alba) có lẽ bắt nguồn từ phong tục dân Rôma thời xưa, mặc áo trắng vào dịp đại lễ (mà dấu tích còn lưu lại nơi màu áo cưới của các cô dâu). Còn áo bên ngoài (quen gọi là áo lễ) thì mang nhiều màu sắc. Theo các sử gia, thời xưa, áo lễ cũng mang màu trắng. Dần dần tuỳ theo tục lệ văn hoá, các màu khác cũng được du nhập vào, một phần cũng tuỳ thuộc vào chất liệu may áo lễ, thí dụ bên các Giáo Hội Đông Phương, phẩm phục lễ trọng được thêu dệt như lễ phục triều đình, vì thế mà có màu vàng, bạc, xanh vân vân. Bên Tây Phương thì từ thời Trung Cổ, mới nảy ra khuynh hướng đi tìm ý nghĩa tượng trưng. Khỏi nói ai cũng đoán được, ý nghĩa tượng trưng thay đổi tuỳ nền văn hoá và đôi khi tuỳ thị hiếu của vị chủ tế. Phần nào để tránh biến thánh đường thành sân khấu trình diễn thời trang, vào đầu thế kỷ XIII, Đức Thánh Cha Innocentê III bắt đầu ra quy tắc ấn định các màu sắc phụng vụ, và các quy tắc này trở thành cố định với Sách Lễ Rôma ban hành năm 1570 dưới thời Đức Thánh Cha Piô V.

Có bao nhiêu màu tất cả?

Sách Lễ Rôma năm 1570 chấp nhận 5 màu chính là: trắng, xanh, đỏ, tím và đen. Vào các dịp lễ trọng, màu vàng có thể thay thế các màu trắng, xanh, đỏ. Màu hồng được dùng hai lần trong năm thay cho màu tím, vào Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng, và Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Dĩ nhiên, phụng vụ cũng quy định việc sử dụng màu sắc vào những cơ hội nào. Đại khái, màu trắng được coi như phổ thông hơn cả. Màu đen dùng vào dịp lễ an táng. Màu tím dùng vào Mùa Vọng và Mùa Chay. Màu xanh lá cây được dùng vào các Chúa Nhật Quanh Năm (nghĩa là ngoài các mùa Vọng, mùa Chay, mùa Giáng Sinh và Phục Sinh). Màu đỏ được dùng vào lễ kính các thánh tông đồ, tử đạo, và vào lễ Chúa Thánh Thần.

Việc ấn định sự sử dụng màu sắc chắc phải có ý nghĩa gì phải không?

Dĩ nhiên rồi. Có lẽ dể hiểu hơn cả là màu đỏ, tượng trưng cho máu, vì thế được dùng vào lễ các thánh tử đạo. Đỏ cũng là màu của lửa, vì thế được dùng nhân lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Màu xanh lá cây tượng trưng cho hy vọng, sức sống. Màu đen tượng trưng cho tang tóc đen tối, vì thế dùng vào dịp an táng. Tuy nhiên, từ sau công đồng Vaticanô II, vào dịp an táng, màu tím đã dần dần thay thế màu đen. Màu tím tuy mang tính cách buồn thảm, nhưng nó gợi lên ý tưởng hy vọng, bởi vì có người giải thích rằng màu tím do màu đen kết hợp với màu đỏ. Nên lưu ý là thứ Sáu Tuần Thánh, sau Công Đồng Vaticanô II, phẩm phục phụng vụ là màu đỏ chứ không phải là màu tím, bởi vì cử hành Đức Kitô vị chứng nhân đã đổ máu trên thập giá vì yêu thương nhân loại, và Người trút đổ Thần Khí từ trên thập giá, dựa theo Tin Mừng thánh Gioan. Sau cùng, màu trắng thì mang tính cách phổ quát; như đã nói, màu trắng không những ám chỉ sự thanh sạch, mà còn là tượng trưng cho ánh sáng, hân hoan.

Ngoài các buổi cử hành phụng vụ, các linh mục mặc áo chùng thâm. Màu đen có ý nghĩa gì không?

Theo các sử gia, thì mãi tới sau Công Đồng Trentô, mới có luật buộc các giáo sĩ mặc áo chùng thâm (tông hiến Cum Sacrosanctum của Đức Thánh Cha Sixtus V, ngày 9/1/1589). Thực ra màu đen đã được các đan sĩ sử dụng từ lâu rồi, cụ thể các đan sĩ Dòng Biển Đức. Theo sự giải thích của thánh Hiêrônymô, màu đen là biểu hiệu biểu hiệu của sự thống hối. Tuy nhiên, chúng ta đã biết, trong xã hội Tây Phương, màu đen không chỉ là biểu hiệu của sự thống hối mà thôi; ngược lại là khác, chẳng hạn như các buổi tiếp tân dạ hội, màu đen cũng được sử dụng, và hình như để tăng thêm bầu khí thân mật. Khi trời nắng chói chang, thì người ta mặc màu trắng, còn khi tắt ánh sáng mặt trời, thì người ta lại dùng màu đen.

Thời xưa, các tu sĩ mặc áo đen như biểu hiệu sự thống hối. Nhưng ngày nay các dòng tu còn dùng nhiều màu khác nữa. Màu áo dòng có ý nghĩa biểu tượng gì không?

Khi nói đến vấn đề áo quần, chúng ta nên nhớ đến chức năng đầu tiên là để che thân, rồi dần dần mới mang chức năng biểu lộ cá tính hoặc địa vị xã hội. Tính cách biểu tượng của áo quần không chỉ nhận thấy qua màu sắc, nhưng còn qua vải vóc, thời trang, và tiệm may nữa. Vì thế cùng là màu trắng nhưng ý nghĩa của nó khác nhau khi được sử dụng trong nghi lễ tang chế hoặc trong dịp đại lễ, tuỳ theo cách may bằng vải thô hay vải quý. Khi bàn về y phục của các tu sĩ cũng vậy. Vào thời xưa, trước khi nhìn đến biểu tượng của màu sắc, người ta nhìn đến biểu tượng của chất liệu, nghĩa là vải thô, tầm thường. Bên Phật Giáo, y phục của tăng giới được gọi là áo “cà sa”, (gốc tiếng Phạn kasaya) có nghĩa là “không phải màu chính”, tức là bạc màu. Nói cách khác, màu áo của nhà tu là bạc màu, có nghĩa là cũ rích, chẳng còn gì dáng vẻ đẹp đẽ, xa hoa; thậm chí áo càng vá nhiều mảnh thì càng biểu lộ tính cách thanh bần thoát tục. Biểu tượng này cũng gặp thấy nơi các đan sĩ Kitô giáo tiên khởi. Mối bận tâm đầu tiên không phải là đi tìm biểu tượng của màu sắc, nhưng là chất liệu diễn tả của sự khiêm tốn khó nghèo. Họ ăn mặc tầm thường như các nông dân, chứ không tìm đồ trau chuốt lượt là. Về sau, người ta mới nghĩ tới biểu tượng của màu sắc.

Màu đen tượng trưng điều gì?

Theo những sách giải thích đời cổ, màu đen được xếp vào hạng chót bét trong cấp độ màu sắc, bởi vì chưa có nhuộm. Do đó, các đan sĩ khoác màu đen như biểu tượng của sự khiêm tốn, tựa như ẩn mình trong bóng tối chứ không phô trương loè loẹt. Một ý nghĩa khác của màu đen trong văn hoá Tây Phương là màu của tang chế; vì thế vài dòng tu giải thích ý nghĩa áo dòng màu đen như biểu lộ việc chết cho thế gian, hoặc như là tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô.

Còn những dòng mặc áo trắng thì muốn diễn tả ý nghĩa gì?

Đừng để ý nghĩa màu trắng đã được nói trên đây khi bàn về áo trắng của người tân tòng, chúng ta nên ghi nhận ý nghĩa thực dụng của nó, tuỳ theo văn hoá địa phương. Tại những xứ lạnh, áo dòng được may bằng lông cừu. Màu trắng tượng trưng cho sự đơn giản khó nghèo, bởi vì là đồ thô mới ra lò, chưa có nhuộm. Dĩ nhiên đó là nói chuyện các tu sĩ ở Châu Âu thời xưa. Còn đối với các dòng truyền giáo bên Phi Châu và Á Châu thời cận đại, thì màu trắng chỉ là màu vải của người miền nhiệt đới thôi, điển hình là cái sari của Mẹ Têrêsa Calcutta. Bước sang ý nghĩa biểu tượng, thì nên biết là các đan sĩ Xitô mặc áo trắng khi đi nguyện để nhắc nhớ đến ca đoàn các thiên sứ chúc tụng Thiên Chúa trên trời; còn vài tác giả khác thì nói đến áo trắng mà vua Hêrôđê đã khoác cho Giêsu vì muốn chế nhạo là dại khờ (Lc 23,11); vì thế các tu sĩ cũng muốn đi theo Chúa Giêsu, tìm sự khôn ngoan của Thập Giá, điều mà thế gian cho là dại dột.

Có nhiều dòng mặc áo xanh dương. Màu này có ý nghĩa gì không?

Ý nghĩa của màu này thay đổi tuỳ nơi tùy thời. Ngày nay nhiều dòng lao động mặc màu xanh dương, vì là màu của đồ blue jean giống như y phục các công nhân. Vào thời Trung Cổ, thì màu xanh dương được các hoạ sĩ dùng để vẽ áo choàng của Đức Mẹ (từ thế kỷ XII thay cho màu đen); do đó các dòng mang danh hiệu kính Đức Mẹ thì cũng mặc áo dòng màu xanh.

Còn màu xám mầu nâu thì sao?

Lúc đầu chỉ có nghĩa thực dụng. Ở miền Bắc Việt Nam, vải nâu ám chỉ tính cách thô sơ đạm bạc, vì thế ta thấy người dân nghèo và giới tu hành mặc áo nâu. Điều này cũng xảy ra cho các đan sĩ Kitô giáo bên Âu Tây. Khi đi làm việc đồng áng, người ta mặc áo màu nâu do tính cách thực dụng: màu nâu đỡ bẩn. Màu nâu cũng là màu của bùn đất, mang ý nghĩa biểu tượng giống như màu xám, là màu của tro, biểu hiệu cho khiêm tốn thanh bần. Truyền thống của Dòng Phan-sinh dùng cả hai màu đó.

http://www.catechesis.net/index.php/muc-vu/giai-dap-thac-mac/4545-tai-sao-goi-la-chua-nhat-ao-trang

 

back to top