Ban Phục Vụ

Ban Phục Vụ Huynh Đoàn Đa Minh Phạm Trọng Khảm nhiệm kỳ 2017-2021

Đoàn Trưởng:  Lương Thanh Bình
Đoàn Phó 1: Nguyễn Phước Nhâm
Đoàn Phó 2: Đỗ Kiều Vinh
Huấn Đức: Phan Tấn Công
Thư Ký: Nguyễn Xuân Nguyên
Thủ Quỹ: Bùi Nga
Ủy Viên Giới Trẻ: Lý Minh Phượng

Tinh Thần Tuân Giữ Kỷ Luật

Việc tuân giữ kỷ luật là một trong những yếu tố nền tảng cấu tạo nên đời sống riêng biệt của Dòng. Khi thiết lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, thánh Đa Minh đã muốn lấy các yếu tố của đời sống đan tu, trong đó có việc tuân giữ kỷ luật làm phương tiện chính yếu để sống tinh thần và đoàn sủng của dòng (xc.bài 4). Ngài tha thiết xin anh em hãy tuân giữ kỷ luật để nuôi dưỡng và thăng tiến ơn gọi. Tinh thần đó cũng hiểu rộng cho tất cả các thành phần trong gia đình Đa Minh, trong đó có huynh đoàn giáo dân chúng ta. Theo thánh Đa Minh, kỷ luật góp phần bảo đảm ơn gọi, bảo đảm việc thực thi sứ vụ tông đồ của Dòng. Kỷ luật hướng dẫn tâm hồn và hành động của mỗi đoàn viên, để từng ngày, qua từng giai đoạn, mỗi đoàn viên được củng cố vững chắc và thực sự trở nên một đoàn viên hoàn hảo, lý tưởng.

Mặc dầu ơn gọi là hồng ân Chúa ban cho, nhưng điều đó không có nghĩa là con người hoàn toàn thụ động. Ngược lại, để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi, chúng ta phải luôn nỗ lực cộng tác vào đó. Hơn nữa, ơn gọi Đa Minh của chúng ta không phải như một sinh hoạt hội đoàn có tính cách nhất thời, nhưng kéo dài suốt cả đời và làm cho cuộc sống mình có ý nghĩa và giá trị hơn. Vì vậy chúng ta cần nỗ lực nuôi dưỡng ơn gọi được luôn bền bỉ, vững chắc. Muốn được thế chúng ta cần phải tuân giữ kỷ luật : kỷ luật đối với cá nhân, kỷ luật đối với tập thể. Chẳng ai có thể hoàn thành ơn gọi nếu không tuân giữ kỷ luật trong đời sống của mình.

Việc tuân giữ kỷ luật chính là con đường tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Thiên Chúa bày tỏ ý định của Ngài muốn mời gọi ta nên thánh trong chính những kỷ luật của cộng đoàn mà chúng ta tình nguyện tuân giữ. Thực ra đôi khi chúng ta khó nhận ra điều này, bởi vì kỷ luật luôn mang đường lối tương đối do con người lập ra và thường tùy thuộc với người đang lãnh nhận trách nhiệm áp dụng luật. Nhìn vào kỷ luật, chúng ta dễ thấy những điều mang tính chất của con người hơn là của Thiên Chúa. Nhiều khi, kỷ luật có vẻ trái ngược với những hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống.. . nên chúng ta khó có thể nhận ra thánh ý Chúa.

Tuy nhiên chúng ta luôn tâm niệm rằng: Thiên Chúa biểu lộ thánh ý của Ngài qua những đường lối không ai có thể ngờ được hay tính toán được. Nhiều khi Chúa sử dụng những đường lối lạ lùng, "kỳ cục" để hoàn thành ý định của Ngài. Thiên Chúa vẫn thế, Ngài luôn sử dụng những phương thế thông thường, tự nhiên, có khi "kỳ cục" nữa. Chỉ khi có một sự bén nhạy, một lòng tin tưởng, một tâm hồn chiêm niệm mới nhận ra được Ngài. Ngài vẫn đang ân cần hướng dẫn, chỉ bảo cho ta qua những con người, qua những qui định, kỷ luật có tính con người, qua tập thể, qua cuộc sống. Bởi thế, điều quan trọng hơn cả vẫn phải là lắng nghe, luôn sẵn sàng đón nhận những nẻo đường hướng dẫn của Ngài.

 

Lời Tuyên Hứa

1. Theo Luật Sống Huynh đoàn, để được tháp nhập vào Dòng Đa Minh, các phần tử phải có lời tuyên hứa công khai trước mặt Thiên Chúa và đại diện Dòng ( Luật Chung số 14). Tuyên hứa nói chung là cam kết với Thiên Chúa trong ý thức và tự do sẽ thực hiện điều nào đó tốt hơn và có thể làm được (giáo luật số 1191). Đây là một hành vi thuộc nhân đức thờ phượng, nên khi ai đã tuyên hứa, họ có bổn phận phải chu toàn.

2. Lời tuyên hứa của người giáo dân Đa Minh là cam kêt sẽ tuân giữ kỷ luật mà Luật Sống Huynh đoàn đã quy định. Khác với lời tuyên khấn của các tu sĩ là cam kêt giữa ba lời khuyên Phúc âm: vâng lời, thanh bần, thanh khiết, lời tuyên hứa của người giáo dân Đa Minh là chỉ hứa tuân giữ kỷ luật của Huynh đoàn. Họ vẫn sống trong môi trường, nghề nghiệp của mình và hcu toàn bổn phận và trách nhiệm của người tín hữu trong gia đình và xã hội.

3. Tinh thần của các thành viên khi tuân giữ lời tuyên hứa trong Huynh đoàn là vì mộ mến chu toàn nghĩa vụ của mình như con cái được sủng ái chứ không như người đầy tớ mang ách lề luật (Luật Chung, tuyên cáo số 2). Ngay từ khi thành lập Dòng, thánh Đa Minh muốn huấn luyện cho các phần tử trong gia đình Ngài biết tuân giữ kỷ luật như những con cái biết mộ mến và tự nguyện thi hành kỷ luật, và kỷ luật là phương thế giúp chu toàn bổn phận làm người và làm con Chúa để có thể đạt đến giới luật cao trọng nhất là Đức Ái. Ngài không muốn con cái Ngài tuân giữ lề luật như người nô lệ mang ách nặng nề. Bởi vậy Luật Sống xác định những điều lỗi kỷ luật tự nó không thành tội (Luật Chung, tuyên cáo số 2).

4. Qua việc tuyên hứa tuân giữ kỷ luật Huynh đoàn, người giáo dân Đa Minh được thuộc về Thiên Chúa các trọn vẹn hơn trong bậc sống mình. Lời tuyên hứa, như đã nói trên, là một hành vi thuộc nhân đức thờ phượng. Khi tuyên hứa với Chúa là ta tự buộc mình làm một công việc trước đây không buộc làm để nói lên chúng ta yêu mến Chúa hơn, để thực hiện ơn gọi nên thánh mà ta có từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Do đó các việc lành ta làm được tăng thêm công trạng, thêm giá trị trước mặt Chúa.

5. Nhờ việc tuyên hứa, mỗi thành viên được trở nên phần tử chính thức của đại gia đình Đa Minh. Gia đình Đa Minh gồm nhiều thành phần: anh em tu sĩ tư giáo và trợ sĩ, các chị em đan tu và nữ tu, các thành viên tu hội đời, các Huynh đoàn giáo sĩ và giáo dân (Hiến pháp Nền tảng số 1, 9). Tất cả cùng theo một tinh thần và đoàn sủng của Dòng, được tháp nhập vào Dòng bằng lời khấn hứa. Sau khi tuyên hứa, vị Đoàn Trưởng sẽ thay mặt Dòng công bố họ trở nên phần tử thực thụ của Dòng. Từ đó họ được tham dự vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng viêc học hoành, cầu nguyện và giảng thuyết theo hoàn cảnh của người giáo dân (Luật Chung số 4). Mỗi thành viên có nhiệm vụ hiệp thông, chia sẻ trách nhiệm tông đồ với Giáo hội nói chung và anh chị em Dòng nói riêng, thực hiện sứ vụ tông đồ mở mang nước Chúa theo hoàn cảnh, khả năng và môi trường mình sống. Ngoài ra, họ còn được hiệp thông với di sản thiêng liêng của Dòng, được chia sẻ mọi ơn ích, công đức trong kho tàng thiêng liêng của Dòng và được thông công trong mọi việc lành, hy sinh, cầu nguyện của toàn thể anh chị em đại gia đình Đa Minh.

6. Lời tuyên hứa của người giáo dân Đa Minh thuộc về dòng Thuyết giáo là Dòng trực thuộc Tòa thánh, nên Luật sống của Huynh đoàn cũng được tòa thánh chấp nhận; mội khi có sự sửa đỗi, phải được Tòa thánh chuẩn y. Do đó cơ cấu tổ chức và điều hành phải thực thực hiện theo đúng luật mới có giá trị pháp lý và lời tuyên hứa của Huynh đoàn chỉ thành sự khi có vị Đại diện hợp pháp nhân danh Dòng chấp thuận.

7. Được gia nhập vào Huynh đoàn giáo dân Đa Minh là một hồng ân Chúa ban để mời gọi ta thăng tiến đời sống Kitô hữu của mình theo tinh thần và đoàn sủng Đa Minh. Nhờ lời tuyên hứa, chúng ta tự nguyện tuân giữ một số kỷ luật Dòng đã quy định để biểu lộ lòng chúng ta muốn tôn kính yêu mến Chúa hơn, muốn hiến dâng đời mình để làm vinh danh Chúa hơn. Từ đó các việc lành chúng ta làm có giá trị và công trạng hơn trước mặt Chúa. Chúng ta được tháp nhập vào trong một đại gia đình thánh thiện đã có từ hơn 8 thế kỷ nay gồm đủ mọi thành phần từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, với những di sản thiêng liêng cao quý, những kinh nghiệm hoạt động phong phú, hào hùng để lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi, cho mọi dân tộc.

 

Tinh Thần và Đoàn Sủng

Chúng ta đã biết : giáo dân Đa Minh là những anh chị em giáo dân khát khao nên thánh và thi hành công tác tông đồ trong trần thế "qua việc tham gia vào tinh thần và đoàn sủng của Dòng Đa Minh". Đoàn sủng của một Dòng nghĩa là ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần ban cho Đấng sáng lập và được Giáo hội chấp thuận. Điều đó dẫn đưa tới việc bắt chước Đức Ki-tô một cách mới mẻ và đặc biệt, và thể hiện một lối sống mầu nhiệm Đức Ki-tô cách thích hợp với nhu cầu của thời đại. Đối với Dòng Đa Minh, với danh hiệu chính thức là Dòng Anh Em Thuyết Giáo, chúng ta dễ dàng nhận ra ngay rằng đoàn sủng của Dòng là việc giảng thuyết.

Thánh Đa Minh đã trực giác thấy một nhu cầu cần phải có trong Giáo hội một Dòng hoàn toàn dấn thân vào việc giảng thuyết, xét vì các đan sĩ và các linh mục triều, với những lý do khác nhau, vào thời của Ngài đã không được phép giảng. Vào năm 1205, khi tháp tùng Đức cha Đi-ê-gô du hành sang Đan Mạch, Thánh Đa Minh đã gặp gỡ một người lạc giáo Ca-ta-rơ (Cathares) trong một quán trọ; Ngài đã làm cho anh ta trở lại đức tin chân chính sau một đêm tranh luận. Điều đó làm bật lên trong Ngài một ý tưởng : cần phải có nhiều người chuyên tâm giảng dạy đạo lý Tin Mừng cho tha nhân để họ khỏi bị những người lạc giáo lôi kéo vào con đường lầm lạc. Theo cha La-coóc-đe (Lacordaire), chính trong đêm ấy Dòng đã được cưu mang.

Tuy nhiên, Dòng chỉ được sinh ra khoảng mười năm sau đó. Đang khi thi hành công việc rao giảng Tin Mừng chống lại lạc giáo tại Pháp, Thánh Đa Minh đã qui tụ một vài linh mục đồng chí hướng và thực hiện ước nguyện xin phép Tòa Thánh được thành lập một Dòng chuyên lo việc Rao Giảng. Nguyện vọng của Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-ô III chấp thuận ngày 22.12.1216 với lời châu phê cho phép thành lập Dòng với mục đích "chuyên tâm tìm hiểu Lời Chúa và loan truyền danh Đức Ki-tô Chúa chúng ta khắp thế giới?". Bản Hiến pháp đầu tiên của Dòng, được Tổng Hội đầu tiên họp ở Bô-lô-nha (Bologna) vào năm 1220 khẳng định đoàn sủng của Dòng với những lời sau : "Dòng chúng ta được thtết lập một cách đặc biệt nhằm để giảng thuyết và cứu độ các linh hồn. Vì thế, hết mọi hoạt động của chúng ta cần phải nhắm tới mục đích : Mưu ích cho linh hồn tha nhân".

Tuy nhiên, danh từ "giảng thuyết" vào thời Thánh Đa Minh không có nghĩa hẹp như thời nay, nghĩa là giảng dạy Lời Chúa trong nhà thờ trong thánh lễ là việc thường dành cho các linh mục và phó tế. Vào thời Thánh Đa Minh, giảng thuyết cũng còn có nghĩa là giảng truyền Tin Mừng để cứu rỗi các linh hồn qua việc nghiên cứu và giảng dạy. Vì vậy, các tu sĩ Đa Minh không cảm thấy mình phản bội với đoàn sủng của Dòng khi không những rao giảng từ các tòa giảng trong nhà thờ mà còn đi dạy thần học nữa.

Thánh Đa Minh cũng thúc đẩy các nữ tu (lúc đó là các nữ đan sĩ) tham gia vào việc giảng thuyết, bằng cách thiết lập nơi giảng thuyết ngay tại đan viện của họ để nhờ họ cầu nguyện mà việc giảng dạy đạt nhiều hiệu quả. Ngài cũng còn khơi dậy hay cổ võ giáo dân hợp tác vào việc này để nhiều linh hồn được trở về với Chúa. Vì thế, bản Luật Sống đầu tiên của Dòng Ba (1285) đã khuyến khích hội viên hãy trở nên "một người nhiệt thành bảo vệ chân lý đức tin Công giáo, theo cách thức riêng của mình". Như vậy, ngay từ thế kỷ thứ XIII, người giáo dân Đa Minh đã được khuyến khích trở thành nhà giảng thuyết theo cách tức riêng của mình, nghĩa là hãy đem ra thực hành ơn gọi của một người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Luật Sống hiện nay (Luật Chung) trong các số 1, 4, 5, 9, 11, 12 luôn lập lại điều đó. Qui chế Huynh Đoàn Đa Minh Việt Nam (Luật Riêng) số 23 xác định : "Ngay từ đầu khi nhận nếp sống của các tông đồ, Thánh Đa Minh đã mời gọi và qui tụ nhiều người thuộc đủ mọi thành phần dân Chúa làm nên một cộng đoàn thuyết giáo có trách nhiệm tham gia vào sứ vụ của các Ngài, loan truyền Danh Thánh Chúa Ki-tô đến tận cùng thế giới và qui tụ muôn dân thành một đoàn chiên duy nhất".

Nếu gần đây Giáo hội muốn nêu bật việc rao giảng Tin Mừng là một nghĩa vụ của tất cả các ki-tô hữu, thì người giáo dân Đa Minh đã coi đó là một nghĩa vụ của mình từ lâu, bởi vì họ là phần tử của một Dòng đã được lập ra để giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Đó chính là con đường mới được mở ra trong Giáo hội, nhưng Thánh Đa Minh, theo gót các thánh tông đồ, đã thực hiện công việc đó từ lâu để cứu rỗi các linh hồn. Và đó là con đường mà người giáo dân Đa Minh được kêu gọi hãy đi theo, bởi vì đây là đoàn sủng mà họ được tham gia.
 
Câu hỏi:

1. Ơn đoàn sủng của một Dòng là gì ? Ơn đó mang lại hiệu quả gì ? Đoàn sủng của Dòng Đa Minh là gì ?
2. Thánh Đa Minh đã có ước nguyện lập Dòng Giảng Thuyết trong trường hợp nào ?
3. Khi Đức Giáo Hoàng chấp thuận cho Thánh Đa Minh lập Dòng, Ngài đã muốn cho Dòng chuyên tâm làm việc gì ? Tổng Hội đầu tiên của Dòng khẳng định đoàn sủng của Dòng là gì ?
4. Việc giảng thuyết trong Dòng Đa Minh bao gồm những việc gì ?
5. Thánh Đa minh mời gọi các nữ tu và giáo dân tham gia vào đoàn sủng của Dòng thế nào ? Luật Chung và Luật Riêng của Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện đoàn sủng của Dòng thế nào ?
6. Đoàn sủng của Dòng Đa Minh thích hợp với vai trò của người giáo dân trong Giáo hội hiện nay như thế nào ?

Lịch Sử

1. 25/10/2000: Thành lập Hội Cao Niên GX/CTTD/VN, có bổn mạng là Thánh Phêrô Lê Tùy.

2. 20/01/2001: Khởi sự tập cho các hội viên đọc kinh chiều hàng tuần mỗi ngày chủ nhật, trong Sách Phụng Vụ Giờ Kinh.

3. 15/08/2003: Mua Thủ Bản Dòng Ba tại Dòng Đồng Công và khởi sự học tập quy luật dòng.

4. 27/08/2003: Cha xứ gửi thư xin phép Đức Cha Loverde thành lập Dòng Ba tại Giáo Xứ.

5. 15/09/2003: Cha Mark S. Mealey, phụ tá giám mục về mục vụ trả lời thay Đức Cha chấp thuận cho giáo xứ thành lập Dòng Ba Đa Minh.

6. 05/02/2004: Gửi mua Thủ Bản Huynh Đoàn Đa Minh do Phụ Tỉnh Canada ấn hành từ California, Cha giám đốc Trần Duy Thiện đã đến với hội cao niên để giải thích 3 tuần về quy luật dòng.

7. 17/02/2003: gửi thư xin Tỉnh Dòng Miền Đông Hoa Kỳ cho phép thành pập Dòng Ba.

8. 18/02/2003: Cha James Sullivan trả lời là Phụ Tá Bề Trên Tỉnh Dòng đã cho phép Giáo xứ thành lập dòng ba tại địa phận Arlington.

9. 23/02/2004: Cha xứ đề nghị chọn Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm làm quan thầy của Huynh Đoàn và yêu cầu ông Bùi Hữu Thư soạn thảo Tiểu Sử của thánh nhân và một Kinh Cầu Thánh Bổn Mạng. Thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm, một thánh tử đạo vốn thuộc Dòng Ba Đa Minh, làm thánh bổn mạng cho Huynh Đoàn của Giáo Xứ. Huynh Đoàn Đaminh của giáo xứ là huynh đoàn Việt Nam đầu tiền tại Miền Đông Hoa Kỳ.

10. 24/02/2004: Cha xứ  Nguyễn Đức Vượng gặp cha bề trên Phụ Tỉnh tại Calgary để trình bày về diễn tiến thành lập và xin phép lập Huynh Đoàn tại Giáo Xứ. Kết quả là mọi sự tốt đẹp.

11. 29/02/2004: Ông Bùi Hữu Thư phân phát tiểu sử thánh Đaminh Khảm và kinh cầu cho hội viên để học tập và đọc kinh. Ông Thư cũng phân phát đơn xin nhập Dòng Ba cho mọi người.

12. 24/3/04:    Giáo xứ đã được phép của bề trên tỉnh Dòng Đaminh Miền Đông Hoa Kỳ, bề trên Phụ Tỉnh Đaminh Việt Nam Hải Ngoại, và Đức Giám Mục Loverde để thành lập một Huynh Đoàn Đaminh tại giáo xứ. Theo Hiến Pháp Nền Tảng của Huynh Đoàn. Hiện nay tại Việt Nam có 36.000 thành viên, và tại Cali có trên 6.000 người và nhiều huynh đoàn và liên đoàn. 

13. 12/8/04: Cha Bề Trên Phụ Tỉnh Trần Trung Dung chủ tế thánh lễ và thâu nhận 68 thỉnh sinh của Huynh Đoàn Đaminh vào nhà tập. Đức Ông Phạm Văn Phương, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ giảng thuyết. 

14. 26/9/2004:   Huynh Đoàn Đa Minh tổ chức nghi thức tiếp nhận thêm 10 thỉnh sinh vào Nhà Tập ngày 26/9/2004 sau thánh lễ 12 giờ chiều.

15. 29-4-05:            Lễ Nhớ Thánh Catarina Thành Siêna, Thánh Tổ Phụ Huynh Đoàn Đaminh:  Thứ Sáu, ngày 29 tháng 4, giáo xứ tổ chức lễ nhớ Thánh Catarina thành Siêna, Đồng Trinh, Tiến Sĩ Hội Thánh vào lúc 7:30 tối, để hiệp ý cầu nguyện cho Huynh Đoàn Đa Minh trong Giáo Xứ.   

16. 8/8/05:   Các đoàn viên Huynh Đoàn Đa Minh Phạm Trọng Khảm khấn tạm: 63 thành viên của Huynh Đoàn Đa Minh được thâu nhận vào nhà tập ngày 12/8/2004 đã được  khấn tạm trong ba năm trong Thánh Lễ 7:30 PM ngày thứ hai 8/8/2005, ngày Lễ Thánh Đa Minh, Thánh Tổ của Dòng Đa Minh dưới sự chủ tọa của Cha Bề Trên Phụ Tỉnh Trần Trung Dung. Ngày chủ nhật 31/7/2005 các vị này đã tĩnh tâm và xưng tội dưới sự hướng dẫn của cha cựu chánh xứ Đinh Minh Tiên.

17. 12-14/8/05:  Huynh Đoàn Đa Minh  tham dự Đại Hội Kỳ 7 của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tại Trinity University và Ngày Hành Hương Đức Mẹ La Vang tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Hoa Thịnh Đốn

18. 25/9/05:       Bầu cử 7 người vào ban Phục Vụ Huynh Đoàn. Sau thánh lễ 12:00 trưa, các anh chị em huynh đoàn đã khấn tạm và khấn trọn, tham dự cuộc bầu cử 7 thành viên trong ban phục vụ với sự chủ tọa của cha linh hướng Nguyễn Đức Vượng.

Kết quả:    1.    Anh Bùi Hữu Thư                                  39 phiếu

                2.     Chị Trần Lê Anh Phương                      35

                3.     Chị Bùi Như Mai                                    29

                4.     Anh Trần Văn Tính                                28

                5.     Anh Nguyễn Phước Nhâm                    21

                6.     Anh Nguyễn Văn Sự                             20

                7.     Anh Phạm Ngọc Hàm                           19

19. 2/10/05:       Bầu cử thành phần ban Phục Vụ dưới sự chủ tọa của cha Linh Hướng: kết quả:

                        Anh Bùi Hữu Thư                                  Đoàn Trưởng

                        Anh Nguyễn Phước Nhâm                    Đoàn Phó                     

                        Chị Bùi Như Mai                                    Huấn Đức        

                        Anh Phạm Ngọc Hàm                           Thư Ký

                        Chị Trần Lê Anh Phương                      Thủ Quỹ

                        Anh Trần Văn Tính                                Ủy Viên Xã Hội, Tông Đồ, Bác Ái

                        Anh Nguyễn Văn Sự                             Ủy Viên Giới Trẻ

Anh Sự sẽ họp với các bạn trẻ trong huynh đoàn: Hoàng Anh, Mai Hạnh, Mỹ Hạnh, Mỹ Hiền, và Louis Trung để bàn về việc cổ động giới trẻ vào huynh đoàn.

20. 4/11/05        Chầu Thứ sáu đầu tháng 11. Giờ lễ hàng ngày được làm sớm hơn nửa giờ và bắt đầu vào lúc 7:00 tối do đó có thêm nửa giờ chầu cho Huynh Đoàn Đa Minh. Huynh đoàn bắt đầu dọc kinh tối trong giờ chầu này sau giờ chầu chung của giáo xứ và giờ của TNTT.

21. 1/11/05        Ông Antôn Giuse Trần Văn Tính qua đời ngày 29/10/2005. Ông Phạm Viết Khiết, người có số phiếu cao hàng thứ tám được mời thay thế trong chức vụ Ủy Viên Xã Hội của Huynh Đoàn.

22. 18/12/05      Huynh Đoàn Đa Minh và Hội Cao Niên gói 800 phần quà để phát cho các trẻ em trong ngoài giáo xứ vào đêm Vọng Giáng Sinh.

23. 26/3/2006    Huynh Đoàn Đa Minh nhận lãnh huy hiệu đeo cổ

24. 29/4/2006    Lễ Thánh Catarina, Huynh Đoàn tiếp nhận thêm 5 Tập Sinh: Maria Hoàng Thị Nguyên,  Catarina Châu Xuân Trà, Giuse Nguyễn Văn Hòe, Maria Nguyễn Thị Vậy

25. 8/8/2006      Lễ Thánh Đa Minh: Dưới sự chủ toạ cuả Cha Giuse Nguyễn Cao Luật, Bề Trên Giám Tỉnh, Huynh Đoàn tiếp nhận 6 Tập Sinh: Giuse Maria Nguyễn Văn Huấn, Maria Têrêsa Ngyễn Ánh Tuyết, Maria Hoàng Ninh, Anna Maria Nguyễn, Anna Nguyễn Kim Lan, Anna Trần Thị Nguyệt.  Ba Tập Sinh được tuyên hứa lần đầu: Têrêsa Trần Thị Phi, Maria Nguyễn Thị Lan, Têrêsa Đoàn Thị Hiển 

26. Ông Phạm Viết Khiết dọn đi Richmond, ông Nguyễn Đức Khiêm thay thế trong chức vụ Ủy Viên Xã Hội của Huynh Đoàn.

27. Ngày 8/8/2007: Tiếp nhận 7 thỉnh Sinh, 2 tân tòng và 7 người được khấn tạm.

28. Ngày 7/8/08: Dưới sự chủ toạ cuả cha Cựu Bề Trên Giám Tỉnh Nguyễn Cao Luật, có 2 người được vào nhà tập, 10 người được khấn tạm và 55 người được khấn trọn.

29. 8/8/2009 Tiếp nhận 2 Thỉnh Sinh vào nhà Tập và 4 Hứa Sinh Khấn Trọn 8/8/20: Thỉnh Sinh: Maria Võ Thị Hương, Maria Lưu Thị Bắc. Khấn Trọn: Maria Nguyễn Thị Lan, Maria Hoàng Thị Ninh, Têrêsa Đoàn Thị Hiển, Têrêsa Nguyễn Thị Phi.

30. 29/4/2010: Tiếp nhận 1 Thỉnh Sinh: Maria Trần Thị Hương, 2 hứa sinh khấn tạm: Maria Lưu Thị Bắc, Khi Kim Chase, 3 hứa sinh khấn trọn: Catarina Châu Xuân Trà, Anna Trần Thị Nguyệt, Maria Jasmine Nguyễn

31. 15/5/2011: tiếp nhận 6 thỉnh sinh: Tađêô Nguyễn Xuân Xương,  Maria Têresa Nguyễn Đoan Nghiêm, Gioan Hồ Đình Đường, Maria Bùi Thị Thông, Maria Phạm Thị Bé, Têrêsa Nguyễn Thị Sỹ Hoa

32. 8/8/2012: Thỉnh Sinh: Têrêsa Cao Kim Dung, Khấn tạm: Tađêô Nguyễn Xuân Xương,  Maria Têresa Nguyễn Đoan Nghiêm, Gioan Hồ Đình Đường, Maria Bùi Thị Thông, Maria Phạm Thị Bé, Têrêsa Nguyễn Thị Sỹ Hoa , Maria Vũ Thị Chi

33. 8/8/2013: Thỉnh Sinh: Maria Nguyễn Thị Ngọc Ánh, khấn tạm:  Phêrô Lê Văn Thảo,  Maria Nguyễn Sương,  Giuse Lương Thanh Bình, Têrêsa Cao Kim Dung

Sinh Hoạt:

Vì Huynh đoàn xuất than từ Hội Cao Niên nên Huynh đoàn cùng với Hội Cao Niên họp nhóm hàng tuần mỗi Chúa Nhật sau Lễ 12 giờ. Buổi họp chính của Huynh Đoàn, là Chúa Nhật cuối tháng, trong Thánh Lễ, đoàn viên mặc đồng phục có đeo giây huy hiệu và phụ trách, đọc sách, quyên tiền và dang của lễ. Các cha xứ và cha phó luân phiên đến sinh hoạt, đọc kinh và dùng bữa trưa với Huynh Đoàn. Huynh đoàn cũng tham gia trong Ca Đoàn Anê Lê Thị Thành  là ca đoàn chuyên phụ trách các tang lễ. Các đoàn viên cũng đi nhà quàn canh thức cầu nguyện cho người quá cố, và thăm viếng bệnh nhân trong giáo xứ tại nhà thương, nhà già, viện dưỡng lão và Hospice.

Ban Phục Vụ Nhiệm kỳ 1/1/2014 - 31/12/2016

Chị Bùi Như Mai                                Đoàn Trưởng

Anh Nguyễn Phước Nhâm                      Đoàn Phó                     

Anh Bùi Hữu Thư                                      Huấn Đức        

Anh Phạm Ngọc Hàm                             Thư Ký

Chị Trần Lê Anh Phương                        Thủ Quỹ

Anh Giuse Lương Thanh Bình               Ủy Viên Giới Trẻ

Ngày 29/9/2017 đã có việc bầu cử ban phục vụ mới, kết quả như sau:
Ban Phục Vụ Huynh Đoàn Đa Minh Phạm Trọng Khảm nhiệm kỳ 2017-2021
Đoàn Trưởng:  Lương Thanh Bình
Đoàn Phó 1: Nguyễn Phước Nhâm
Đoàn Phó 2: Đỗ Kiều Vinh
Huấn Đức: Phan Tấn Công
Thư Ký: Nguyễn Xuân Nguyên
Thủ Quỹ: Bùi Nga
Ủy Viên Giới Trẻ: Lý Minh Phượng
 

More Articles ...