Góc Nhìn Mục Vụ - Dấu Chỉ Hy Vọng

  • 09 December 2016 |
  • Written by  Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.
  • font size
  • Print
  • Email

Một ngày nọ, một bé gái 8 tuổi thấy trên nhật báo hình một phụ nữ trẻ bị thương do mìn gài trên xe ở Trung Đông; bé nói với bố: “Bố ơi, thật buồn quá khi thấy người chết thảm vì bạo lực như thế!” Ông bố nhìn vào tấm hình và trả lời: “Con nói đúng, thật là khủng khiếp và đau buồn khi thấy cảnh tượng này.” Tuy nhiên, là một người cha tốt lành, anh cố gắng xoa dịu cô bé, nên nói: “Nhưng con có biết không, thảm trạng này xẩy ra ở rất xa, cách chúng ta cả nửa quả địa cầu. Điều này sẽ không bao giờ xẩy ra cho con đâu.” “Không đâu bố ơi,” em bé gái trả lời. “Khi con lớn lên, nó sẽ xẩy ra cho con.”

Tiếc thay, điều em nói đã là thực!
Ngày 14 tháng 12, 2012 tại Newtown, một thành phố nhỏ của tiểu bang Connecticut, một thanh niên 20 tuổi lấy súng của mẹ, bắn bà chết ngay trên giường ngủ, lấy xe của bà lái đến trường tiểu học Sandy Hook, nả súng vào bất cứ người nào hắn nhìn thấy và đã giết chết 26 người, trong đó có 20 em nhỏ chỉ 6 và 7 tuổi. Thật là một bạo lực phi lý!
Vào ngày 16 tháng Tư, 2007 lòng chúng ta đau buồn và tòan thế giới cũng sững sờ khi chúng kiến một vụ thảm sát vô lý tại trường đại học Virginia Tech. Ba mươi hai người vô tội đã bị một tên khùng bắn chết. Ngày 13 tháng 09, 2006, hơn 20 người đã bị bắn tại Dawson College ở Motreal. Tám năm trước đó vào ngày 20 tháng 04, 1999, một vụ thảm sát xẩy ra ở trường Trung học Columbine, trong một ngôi lành nhỏ ở tiểu bang Colorado, kết quả 13 người thiệt mạng!
Chúng ta có học được bài học gì từ những thảm trạng như thế trong quá khứ không? Đối với tôi, dường như lịch sử được lập lại thêm lần nữa, rồi lại thêm một lần nữa… Tôi nhớ một câu được viết trên tường của một phòng giam trong trại tập trung của Đức Quốc Xã tại Auschwitz: “Ai không nhớ đến lịch sử này, thì phải trải qua nó một lần nữa”. Chúng ta lại trải qua lịch sử tang thương ấy thêm một lần nữa!
Tại sao bạo lực vẫn tiếp tục xẩy ra? Nguyên nhân từ đây? Cội rễ của vấn đề là chỗ nào? Các nhà tâm lý, xã hội, chính trị, giáo dục và nhiều nhà chuyên môn khác đề nghị những câu trả lời khác nhau và giá trị cho câu hỏi này. Cựu thống đốc tiểu bang Arkansas Mike Huckabee đã đưa ra một nhận xét, tuy có vẻ bất công với những nạn nhân, nhưng cũng đáng cho chúng ta nhắc đến ở đây. Ông nói: “vì chúng ta đã đuổi Chúa ra khỏi trường học một cách có hệ thống, chúng ta có nên ngạc nhiên khi trường học lại là nơi xẩy ra thảm trạng đẫm máu này không?”
Tuy nhiên, đối với tôi, vấn đề đã manh nha ngay từ khi xã hội hăng say khuyến khích và quảng bá một lối sống và lối suy nghĩ theo chủ nghĩa cá nhân, mà kết qủa của nó là nền văn hóa “TÔI” chủ nghĩa: iPod, iPhone, iPad, Ireport, Myspace… “Tôi” làm chủ. Vấn đề cũng bén rễ sâu trong chính hệ thống giáo dục. Nó bắt đầu khi hệ thống giáo dục, từ mẫu giáo trở đi, chỉ chú trọng truyền thụ cho con em kiến thức khoa học mà lơ là giúp đào tạo chúng về phương diện đạo đức và luân lý; đối xử với người khác ra sao, điều gì tốt điều gì xấu, phát triển những hành vi cao thượng ngõ hầu con em sẽ trở nên những công dân tốt lành cho xã hội mai sau.
Tôn chỉ trong hệ thống giáo dục của tôi khi còn ở Việt Nam là “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” có nghĩa là ‘trước tiên học đạo đức, thứ đến học kiến thức.’ Tôi nghĩ, tôn chỉ này cần được tái lập hoặc nếu chưa có thì phải được thiết lập trong hệ thống giáo dục của chúng ta. Ngòai kiến thức khoa học, chúng ta cần phải dạy cho con em sống đúng đắn, biết phân biệt thiện ác, chọn điều tốt tránh điều xấu, và phát triển tư cách đạo đức ngõ hầu chúng trở nên những người hữu dụng và những công dân tốt lành trong tương lai. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần dạy cho con em biết tôn trọng người khác, tính kiên nhẫn và lòng tha thứ.
Trong Tin Mừng Gioan 21:1-19, môn đồ của Chúa Giêsu đã trở về quê Tiberias và tiếp tục làm công việc họ đã làm trước khi theo Chúa: lưới cá. Chúa Giêsu đã hiện ra cho họ hai lần, thế mà họ vẫn về quê và sống như thể chẳng có chi đã xẩy ra cả! Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với họ. Ngài đã hiện đến với họ lần thứ ba để Ngài có thể mời gọi họ thêm một lần nữa: “Hãy Theo Ta”. Ông Phêrô đã chối Chúa Giêsu 3 lần thì lại được Chúa Giêsu hỏi 3 lần: “Con có mến thầy không?” Chúa Giêsu không bao giờ loại trừ ai chỉ vì những lỗi lầm trong quá khứ của họ. Người luôn luôn cho họ cơ hội thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và nhiều cơ hội nữa. Sau khi nhận được sự tha thứ của Đức Kitô, ông Phêrô không những chỉ rao giảng về sự thống hối và ơn tha thứ (Cvtđ 2:38, 5:31) nhưng còn trở thành một dấu chỉ sống động về cảm nghiệm đó. Vì vậy chúng ta thường nói: “Mọi thánh nhân đều có quá khứ, mọi tội nhân đều có tương lai.”
Chính sự tha thứ của Thiên Chúa đã đem đến cho chúng ta niềm hy vọng. Chúng ta cần dạy cho con em niềm hy vọng. Ông Vaclav Havel, một nhà viết kịch và là cựu tổng thống nước Tiệp Khắc có nói: “Hy vọng không phải là một xác tín cho rằng mọi sự sẽ xuôi chảy nhưng là một xác quyết mọi sự sẽ có ý nghĩa, bất kể kết quả chúng sẽ ra sao” (trích dẫn bởi cha Timothy Radcliffe trong sách What is the Point of Being a Christian, trang 17). ‘Hy vọng cũng không phải là nhắm mắt lại trước những khó khăn, những thất bại; nhưng là một niềm tin tưởng, cho dẫu bây giờ tôi có thất bại, tôi cũng sẽ không thất bại mãi mãi; cho dẫu bây giờ tôi có bị thương tổn, tôi cũng sẽ được chữa lành. Đó là một xác tín rằng sự sống thì tốt lành và tình yêu thì mãnh liệt.’
Cha Timothy Radcliffe, O.P., nguyên Bề Trên Cả Dòng Đaminh, thuật lại cảm nghiệm của ngài khi ngài thăm viếng các anh chị em Đaminh ở Burundi, ngài nói:
“Lần đầu tiên tôi đến Burundi (miền Nam của Rwanda – thảm cảnh diệt chủng diễn ra từ tháng Tư đến tháng Bảy, 1994) vào lúc những xung đột chủng tộc giữa người Hutus và Tutsis đã xé nát mảnh đất xinh đẹp ấy. Tôi ngỏ ý muốn thăm cộng đòan các nữ Đan tu Đaminh ở phía Bắc nước này. Đi bằng đường bộ rất nguy hiểm nên chúng tôi thu xếp để bay trên một chiếc máy bay nhỏ của Liên Hiệp Quốc vẫn thường dùng; tuy nhiên vì bạo lực gia tăng nên Liên Hiệp Quốc đã rút khỏi quốc gia này, do đó, chúng tôi đành phải phó thác và đi bằng xe. Thật là một chuyến đi cam go. Chúng tôi đã bị quân đội bắt dừng xe không cho chúng tôi tiếp tục vì đang có những chiến sự trên đọan đường đó. Dọc đường, chúng tôi đã từng thấy cả một chiếc xe búyt chứa đầy xác chết. Co những phát đạn mà tôi nghĩ là đã nhắm vào chúng tôi. Tòan quốc gia ấy mang mầu tang thương và chết chóc. Các cây lương thực đều bị thiêu hủy. Và ở phía xa, chúng tôi thấy một ngọn đồi xanh tươi, và nơi đó là đan viện của các chị em.
Sáu sơ là người Tutsi và sáu sơ khác là người Hutu. Đó là một trong số rất ít địa điểm nơi hai sắc dân ‘kình địch’ ấy sống chung trong hòa bình và thương yêu. Các nữ tu này đã mất hầu hết các thân nhân trong cuộc thảm sát… Tôi thắc mắc làm sao họ có thể sống hòa bình với nhau như vậy. Họ cho hay ngòai những giờ kinh chung, họ luôn luôn cùng nghe tin tức ngõ hầu họ đều chia sẻ với nhau những gì đang xẩy ra. Không người nào phải sống trong đau thương một mình. Dần dần, người từ các sắc dân khác nhau nghe biết vùng đất của đan viện là một nơi an tòan và đã qui tụ lại trong thánh đường để cầu nguyện và trồng cây lương thực chung quanh thánh đường ấy. Một ngọn đồi xanh tươi trong một vùng đất tan hoang – đó chính là một DẤU CHỈ HY VỌNG.” (What Is the Point of Being a Christian? Burns & Oates, 2005, p.20-21).
Thế giới của chúng ta đang cần rất nhiều những dấu chỉ hy vọng này. Quí ông, quí bà, quí bạn có là một dấu chỉ Hy Vọng cho thế giới này không?

 

back to top