Góc Nhìn Mục Vụ - Kiên Nhẫn & Chờ Đợi

  • 02 December 2016 |
  • Written by  Bàn Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà hình như sự kiên nhẫn và chờ đợi hầu như không còn có giá trị chi cả. Người ta ăn tối bằng cách hâm nóng thức ăn đã chuẩn bị sẵn và để đông lạnh hoặc mì ăn liền, mì ly, mì tô, mì gói...; uống instant coffee hoặc nước trái cây trong hộp, trong lon...

Người ta muốn có kết quả cho thắc mắc hoặc nhu cầu của họ ngay lập tức; hầu như không ai muốn chờ đợi. Thái độ này được các nhà xã hội học gọi là: “không chờ mà muốn có” (waiting out of wanting).

Vào tháng 10 năm 2004, một chiếc máy bay đã rớt ở Canada. Các phi công đã bay liên tục gần 24 tiếng đồng hồ. Họ chuyên chở những rau quả tươi từ Phi Châu - các quốc gia Thứ Ba - đến thị trường của Bắc Mỹ - thế giới thứ Nhất, nơi tiêu thụ. Thế giới tiêu thụ muốn hưởng dùng những hoa quả tươi quanh năm và trái mùa. Họ không muốn chờ đến đúng mùa, đúng thời vụ của các rau quả. Họ muốn có những rau quả tươi đó ngay bây giờ. Để cung cấp cho nhu cầu hưởng thụ hoa quả tươi trái mùa với giá cả hợp lý, các thị trường tiêu thụ mua rau quả tươi từ những công ty sử dụng những máy bay cũ kỹ từ những quốc gia nơi việc bảo trì thật lỏng lẻo và độ an toàn không được chú ý đúng mức, trong trường hợp này là từ quốc gia Ghana (Phi Châu); còn các phi công lại phải bay liên tục trong nhiều giờ không ngừng nghỉ. Đây là lần thứ 4 máy bay chuyên chở thực phẩm từ công ty này đã rớt trong vòng 12 năm (1992 – 2004).

Mùa Vọng mời gọi chúng ta khiên nhẫn chờ đợi Chúa đến. Còn xã hội trần thế lại khuyến khích chúng ta ngay từ đầu tháng 11 để bỏ qua mùa Vọng mà đến với Giáng Sinh ngay lập tức. Chúng ta thấy người ta đã mở nhạc Giáng Sinh, trăng đèn, trang trí nhà cửa, đem cây thông vào trong nhà, rồi chào nhau “Happy Holidays” hoặc “Merry Christmas”... Rõ ràng ngay từ tháng 11, mọi người đã sống trong bầu khí Giáng Sinh!

Trong những quốc gia nông nghiệp, nông dân phải chờ đợi thời tiết thuận lợi để gieo hạt, mưa thuận gió hoà để đất đai sản xuất ra lương thực cho người hưởng dùng. Người tiêu thụ phải xếp hàng chờ mua lương thực và đồ dùng; người thất nghiệp chờ có việc làm; người nghèo, người bất hạnh chờ công bằng xã hội… Có lẽ tinh thần Mùa Vọng tiếp tục mời gọi chúng ta chia sẻ tích cực hơn sự kiên nhẫn và chờ đợi của những người nghèo, những người thấp cổ bé miệng. Thêm vào đó, về mặt cá nhân, chúng ta cũng nên giảm thiểu những ước vọng không chính đáng của những người sống trong thế giới tiên tiến và tiêu thụ, sẵn sàng trả bất cứ giá nào để thoả mãn ước vọng cá nhân của mình.

Và có lẽ Thiên Chúa vẫn đang trì hoãn việc Ngài đến trong vinh quang để mời gọi chúng ta không nhìn lên Thiên Chúa như một vị chúa tể quyền năng đến cứu độ mọi người với những chiến binh và kỵ mã; mà hãy nhìn vào trong sâu thẳm của tâm hồn mình, chính nơi đó Thiên Chúa sẽ đến ngự trị và cũng chính từ nơi đó Thiên Chúa sẽ hội nhập vào đời sống của con người. Chính trong sâu thẳm của tâm hồn phải là nơi mỗi người chúng ta chuẩn bị để làm ‘máng cỏ’ cho Thiên Chúa.

Đôi khi chờ đợi có giá trị thay đổi và xoa dịu sự bực tức bực và hận thù:

Một thanh niên bị lăng nhục thậm tệ và với sự căm phẫn tột độ, anh ta tuyên bố rằng ngay tức khắc sẽ đòi buộc kẻ đã lăng nhục anh phải xin lỗi anh. Một linh mục già đầy lòng nhân ái nói với anh: “Hỡi con, con hãy lắng nghe lời khuyên của một người già có lòng yêu chuộng hoà bình này: Lời lăng mạ tựa như một vết bùn, người ta có thể dễ dàng phủi sạch vết bùn này đi khi nó đã khô lại. Con cứ đợi một khoảng thời gian, cho đến khi cả con và người kia đã nguội hẳn cơn nóng, lúc đó cả hai người sẽ dễ dàng giải quyết được vấn đề. Nếu con muốn giải quyết sự việc ngay bây giờ, chúng con sẽ chỉ đưa đến cãi vã nhau mà thôi. Người thanh niên này đã nghe theo lời khuyên này và đến hôm sau, kẻ lăng mạ anh đã tự nguyện đến xin lỗi anh.

Hãy kiên nhẫn và chờ đợi vì Chúa đã gần đến.

Lm. Giuse Trần Trung Liêm, O.P.
Chánh Xứ

 

back to top