Thánh Đaminh - Nhà Giảng Thuyết Khiêm Tốn

  • 13 January 2017 |
  • Written by  Bản Tin Hiệp Nhất
  • font size
  • Print
  • Email

"Tôi không đọc thấy Đức Kitô là một tu sĩ áo đen hay áo trắng, nhưng chỉ thấy Ngài là một nhà giảng thuyết khiêm tốn". Đó là phát biểu của một tập sinh Đa-Minh thế kỷ 13 để trả lời cho một số đan sĩ muốn anh gia nhập Dòng họ về việc anh chọn lựa gia nhập Dòng Đa Minh. Chính Đức Kitô đã đi đây đó "không nơi dựa đầu" để rao giảng nước Thiên Chúa và đã trở nên kiểu mẫu căn bản được Thánh Đa-Minh đón nhận và giới thiệu cho thế kỷ 13.

Và chính Đức Kitô cũng đã cử các môn đệ ra đi và thực hành như vậy. Giáo Hội được rộng lan khắp cùng bờ cõi trái đất chính là nhờ những vị giảng thuyết của Giáo Hội đã ra đi rao giảng không biết mệt mỏi. Trải qua các thời đại của lịch sử Kitô giáo, đã có biết bao những tâm hồn quảng đại đáp trả lời mời gọi của Đức Kitô, sẵn sàng từ bỏ gia đình, quê hương, xứ sở để ra đi lên đường đem Tin mừng Đức Giêsu Kitô đến cho mọi người.

Qua dòng thời gian, theo từng thời kỳ và tùy địa phương, những kiểu mẫu diễn tả sự thánh thiện cũng có phần đổi thay. Chẳng hạn, trong thời Trung cổ, có nhiều kiểu mẫu diễn tả sự thánh thiện rất khác biệt nhau. Lối sống thời này nhấn mạnh đến đời sống ẩn dật và ổn định (vĩnh cư). Chính vì thế, số tu sĩ nam nữ của đại gia đình Biển Đức không ngừng gia tăng một cách rõ ràng như là dấu chỉ cho thấy đó là kiểu mẫu thánh thiện chính yếu dành cho những ai muốn hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Lối sống Biển Đức cung cấp một khung cảnh an hòa trong kỷ luật của lũy cấm, xa khỏi những cám dỗ của cuộc sống bình thường và không bị phân tâm chia trí hay bị căng thẳng do những sinh họat của đời Tông đồ. Việc tuân giữ lề luật đan tu hoàn thiện như thế khiến cho người ta có cảm nhận rằng nước Thiên Đàng đã rất cận kề ngay tại dương gian này.

Nhưng rồi chính kiểu mẫu đó cũng lại bắt đầu thay đổi. Vào thế kỷ 12, một số Kitô hữu đạo đức bắt đầu cảm thấy nỗi khát mong được sống một đời sống đơn giản hơn, ít cơ chế hơn và ít bảo đảm hơn, và như vậy, gần gũi với Tin mừng hơn. Nhưng nguyện vọng đó, xét một cách toàn diện, không dễ dàng đạt được trong giai đoạn đó của Giáo Hội. Và từ đó, họ đâm ra e ngại thẩm quyền của Giáo Hội. Và cũng từ đó, vì lý do nào đó, họ đã tự tách rời khỏi Giáo Hội và bắt đầu giảng dạy những giáo thuyết lạ.

Khoảng đầu thế kỷ 13, một khủng hoảng lớn đã xảy ra tại nhiều nơi bên Âu châu, nhất là tại miền nam nước Pháp, nơi đã phát sinh một liên minh chống Giáo Hội. Với chủ thuyết nhị nguyên, liên minh này chủ trương rằng thế giới hữu hình này là xấu xa, do một thần xấu đối nghịch với Thiên Chúa tạo dựng.

Vấn đề đó càng trở nên phức tạp hơn khi phần lớn các Giám Mục, và linh mục không khéo trình bày đạo lý đích thực của Kitô giáo sao cho thật hấp dẫn và đầy tính thuyết phục. Trong khi những người theo bè rối lại sống một đời sống bề ngoài rất gương mẫu hơn hẳn hàng Giáo sĩ của Giáo Hội. Chính vì thế, dân chúng không nhận ra nổi chân dung đích thực của những người kế vị các tông đô nơi hàng giáo sĩ thời đó.

Trước bối cảnh đó, Giáo Hội hơn bao giờ hết cần phải đáp ứng những khát vọng tôn giáo của dân chúng ngay trong lòng Giáo Hội và làm sao để loan báo Tin Mừng Đức Kitô với một cung cách bình dân và dễ hiểu hơn.

Bằng những cách thức khác nhau, Thánh Đa-Minh và Thánh Phanxicô đã thỏa mãn được nhu cầu này, vì cả hai vị đều áp dụng những lối sống tương tự như lối sống của chính các nhóm lạc giáo: can đảm sống nghèo triệt để và hoàn toàn phó thác vào Chúa quan phòng, dám sống mạo hiểm giữa trần gian, không ẩn dật theo kiểu sống đan tu, chấp nhận một lối sống dấn thân tích cực phục vụ tha nhân; riêng Thánh Đa-Minh, Ngài sống hết mình cho việc đi rao giảng và làm sao để lôi cuốn người khác cũng đi rao giảng và điều Ngài quan tâm hơn cả, đó là, làm sao để bản thân Ngài cũng như mọi anh em phải thấm nhuần giáo lý đức tin và có thể trình bầy giáo lý đó thật mạch lạc dễ hiểu.

Chẳng thế mà thi hào Dante đã mô tả Thánh Đa-Minh như "Người yêu nồng nàn của Đức tin Kitô giáo". Nếu Thánh Phanxicô yêu "Chị Nghèo", thì Thánh Đa-Minh yêu đức tin Kitô giáo. Ước nguyện sục sôi của Ngài là đem Chân lý Đức tin đến cho mọi người, bởi vì chỉ có chân lý đức tin mới giải thoát và mang lại ơn cứu độ cho con người. Khi còn trẻ, Ngài đã luôn tha thiết nguyện xin Thiên Chúa ban cho Ngài một đức ái đích thực để có thể mang lại ơn cứu độ đến cho tha nhân một cách hữu hiệu, và Ngài hằng mong mỏi được tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Tin Mừng như Chúa Kitô đã hiến thân trọn vẹn cho đến chết để cứu độ trần gian.

Thánh Đa-Minh hoàn toàn không nhằm tới kiếm tìm một lối sống đầy thuận lợi hay an toàn cho bản thân và cũng chẳng hề mơ ước sự trọn lành bản thân. Nhưng Ngài chỉ mong muốn được đi rao giảng Tin Mừng cho những nơi nào cần thiết nhất và bằng cách thức nào thích hợp nhất để Tin Mừng thực sự mang lại kết quả.

Và theo Ngài, cách thức tốt nhất để rao giảng Tin Mừng trong thời đại của Ngài là mô phỏng cách thức của các Tông đồ. Và cũng theo Ngài, đã hẳn một nhà giảng thuyết cần được Giáo Hội tiến cử, nhưng không có lý do gì mà một nhà giảng thuyết chính thức lại xử sự như một chức quyền thế tục. Ngài dứt khoát khước từ bất cứ địa vị nào khiến Ngài ở vào vị trí trên người khác và thi hành quyền bính trên họ. Theo quan điểm của Ngài, nhà giảng thuyết đến với dân chúng như một người hành khất van xin Thiên Chúa ban lời để mình rao giảng và nài xin con người cho cơm bánh để nuôi mình. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ đã dây mình vào những công việc trần thế nhằm có được những quyền lợi và nghĩa vụ kinh tế. Làm như thế, không những họ không còn tập trung vào Tin Mừng, mà lại thường xuyên dẫn tới những căng thẳng lâu dài có liên quan đến dân chúng. Thánh Đa-Minh đã tự giải thoát mình khỏi những lo toan đó đó. Và cũng chính vì thế chúng ta mới hiểu được một trong những lý do căn bản để những người - nam cũng như nữ - cam kết thực hành đức khó nghèo và khiết tịnh trong Giáo Hội: đó chẳng qua chỉ là giúp họ đạt được sự tự do hiến trọn đời mình cho Chúa và cho Tin Mừng một cách vô vị lợi

Ngài cũng nhận thấy rằng Tin Mừng có thể bị bóp nghẹt bởi sự an toàn bảo đảm về mặt thiêng liêng cũng như vật chất. Các dòng đan tu rất ý thức về sự yếu đuối của con người nên đã thiết lập nhiều hình thức khôn ngoan tinh tế để gìn giữ các tu sĩ của họ. Nhưng nếu mối nguy cơ bị sa ngã không còn nữa thì sự mạo hiểm của đức ái cũng tiêu ma. Thánh Đa-Minh đã tái khẳng định giá trị của sự mạo hiểm, làm sao để cả con tim và tinh thần luôn rộng mở, rộng mở quảng đại như Abraham, và can đảm dõi theo những nẻo đường phiêu lưu trong việc vâng phục Thiên Chúa, để chỉ cậy dựa vào sự che chở của Thiên Chúa và sự trợ giúp của Đức Mẹ hơn là cậy nhờ vào sự canh phòng cẩn mật cá nhân.

Vào dịp mừng 800 năm sinh nhật thánh Đa Minh, Hồng Y Villot đã mô tả thánh nhân như một con người tự do rất đáng thán phục. Và tinh thần tự do được in đậm trong toàn bộ truyền thống Đa-Minh. Nó phát sinh do việc dám mạo hiểm tín thác nơi Thiên Chúa và dám tin tưởng nơi lòng quảng đại của bất cứ con người nào.

Sở dĩ Thánh Đa Minh áp dụng chế độ hành khất ngay từ buổi đầu khi Ngài thi hành tác vụ với tư cách của nhà giảng thuyết là vì Ngài dám cậy nhờ vào sự quảng đại của dân chúng trong việc họ cung cấp thực phẩm và những thứ cần thiết. Dĩ nhiên, Thánh Đa-Minh không muốn đương nhiên được giúp đỡ; mà Ngài tùy thuộc vào ý muốn tặng trao của họ một cách tự do. Cũng vậy, Ngài không muốn ràng buộc quá chặt chẽ những ai theo Ngài, ép buộc họ tham gia vào nhóm Ngài. Tuy tỏ ra rất cương quyết và nghiêm khắc đối với những người thiển cận; nhưng Ngài làm thế chỉ vì muốn hướng dẫn họ tới lý tưởng mà chính họ đã chọn. Vì không muốn họ cảm thấy bị đe dọa hay khiếp sợ điều thiện hảo, nên ở đâu lúc nào Ngài cũng không hề canh chừng họ. Ngài càng không muốn họ mang mặc cảm tội lỗi khi họ vi phạm luật Dòng. Điều quan trọng tiên quyết là sự tự do và quảng đại trong việc phục vụ của họ.

Tác giả: Cha Simon Tugwell O.P.
Học Viện Đaminh, Việt Nam chuyển ngữ

 

back to top